Tuần giao dịch vừa qua chứng kiến một loạt biến động của tỷ giá và lãi suất. Bên cạnh đó, NHNN cũng có nhiều động thái chính sách mới đáng chú ý liên quan đến nới room tín dụng, tăng giá bán USD và hỗ trợ lãi suất.
Nhiều ngân hàng được nới room tín dụng
Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Thông tin chi tiết không được công bố nhưng chia sẻ với báo chí, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết hạn mức tín dụng được nới thêm dao động từ 1 – 4%, tuỳ từng nhà băng.
Đây là lần đầu tiên NHNN công bố nới hạn mức tín dụng cho tổ chức tín dụng trong năm nay. Các năm trước, nhà điều hành thường có 1-2 đợt nới room, sau khi đã giao mức trần cho từng đơn vị vào đầu quý I.
Tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,91%
Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua.
Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo tại Chỉ thị 01.
Tăng trưởng tín dụng đã chậm lại rõ rệt trong tháng 7 và tháng 8 khi các ngân hàng chạm trần tăng trưởng tín dụng được cấp từ đầu năm và liên tục đề nghị NHNN cấp thêm hạn mức. Giới phân tích kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc trở lại sau khi cơ quan quản lý vừa thông báo cấp thêm room tín dụng cho một số ngân hàng.
Lãi suất liên ngân hàng chạm đỉnh 10 năm
Theo số liệu của NHNN, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80 – 90% tổng khối lượng giao dịch) trong phiên 7/9 đã tăng 6,88%/năm – mức cao nhất kể từ tháng 9/2012.
Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến lãi suất VND liên ngân hàng có diễn biến tăng mạnh đến từ nhịp hút ròng mạnh trên 88.000 tỷ của NHNN vào trung tuần tháng 8 (lượng hút ròng theo tuần cao nhất kể từ năm 2019 tới nay). Ngoài ra, hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá của NHNN cũng khiến một lượng lớn VND bị rút khỏi hệ thống ngân hàng trong những tuần gần đây.
Một lý do khác khiến nhu cầu thanh khoản gia tăng đến từ việc NHNN chính thức nới room tín dụng cho các ngân hàng. Do đó, một số ngân hàng đã rục rịch cho mở lại hoạt động giải ngân vốn đã bị ùn ứ lâu nay. Điều này cũng phần lý giải cho diễn biến thanh khoản căng thẳng cục bộ vài ngày gần đây.
Ở một phương diện khác, lãi suất VND liên ngân hàng được đẩy lên cao cũng được cho là xuất phát từ định hướng điều hành của NHNN nhằm tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá.
NHNN tăng giá bán USD
Đi cùng thông báo nới room, ngày 7/9, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi biểu niêm yết về giá mua – bán ngoại tệ. Cụ thể, giá bán ra đã tăng mạnh từ 23.400 đồng/USD lên 23.700 đồng/USD.
Trước đó, hồi tháng 5, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD chiều bán thêm 200 đồng lên 23.250 đồng/USD. Tiếp đến đầu tháng 7, cơ quan này tiếp tục tăng tỷ giá bán lên 23.400 đồng/USD.
Động thái của NHNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND trong nước tăng nóng sau khi giá trị đồng bạc xanh vọt lên mức cao nhất 24 năm trên thị trường quốc tế.
Moody’s nâng hạng tín nhiệm một loạt ngân hàng
Tổ chức xếp hạng Moody’s Investors Service (Moody’s) mới đây đã cập nhật mức xếp hạng đối với 12 ngân hàng Việt Nam, sau khi nâng mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam lên 1 bậc hôm 6/9.
Cụ thể, tổ chức xếp hạng tín nhiệm này đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng lên một bậc. Danh sách này bao gồm ABBank, VietcomBank, BIDV, LienVietPostBank, OCB, SHB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, và MSB.
Đồng thời, nâng một bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng bao gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, SHB và MSB.
Động thái của Moody’s theo sau việc nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2. Triển vọng xếp hạng được thay đổi từ Tích cực sang Ổn định
NHNN yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh gói hỗ trợ lãi suất 2%
Ngày 06/9/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Văn bản số 6221/NHNN-TD về đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Trong đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) rà soát danh sách các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 01/01/2022 và có phát sinh thời điểm trả nợ từ ngày 20/5/2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Các NHTM rà soát lại các quy định, hướng dẫn nội bộ để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN; không ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất; không để xảy ra trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.
NHNN yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh chính sách và xử lý nghiêm các trường hợp trốn tránh, từ chối hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện. Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu chủ tịch HĐQT/HĐTV, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố không ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của NHNN để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất.