(VNF) – Nếu như các giải pháp tài chính xanh hiện nay đang nghiêng về huy động vốn thì bảo hiểm xanh lại có vai trò đặc biệt trong việc bảo vệ tài chính và giảm thiểu rủi ro cho các dự án và doanh nghiệp xanh. Tại Việt Nam, việc phát triển bảo hiểm xanh mới đang ở thời kỳ sơ khai.
Bảo hiểm xanh: Hơn cả một sản phẩm
Biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đang là những thách thức lớn trên phạm vi toàn cầu. Để ứng phó, nhiều giải pháp tài chính xanh đã ra đời nhằm hỗ trợ phát triển bền vững như trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh, ngân hàng xanh…
Nếu như các giải pháp tài chính xanh hiện nay đang nghiêng về huy động vốn thì bảo hiểm xanh lại có vai trò đặc biệt trong việc bảo vệ tài chính và giảm thiểu rủi ro cho các dự án và doanh nghiệp xanh.
Bảo hiểm xanh là một khái niệm tương đối mới trong ngành bảo hiểm, được thiết kế để hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), bảo hiểm xanh bao gồm các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Các sản phẩm này có thể bao gồm bảo hiểm cho các dự án năng lượng tái tạo, bảo hiểm trách nhiệm môi trường và các giải pháp bảo hiểm khác giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Ở Việt Nam, bảo hiểm xanh vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, do đó khái niệm về loại hình bảo hiểm này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi như ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, trước những áp lực ngày càng tăng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nhiều công ty bảo hiểm tại Việt Nam đã bắt đầu chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm xanh.
Một số công ty đang phát triển các sản phẩm bảo hiểm xanh có thể kể đến như Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Cổ phần PVI (Bảo hiểm PVI), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI)… Các sản phẩm chủ yếu là bảo hiểm cho các dự án năng lượng tái tạo, bảo hiểm trách nhiệm môi trường và bảo hiểm cho các công trình xây dựng xanh. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong các hình thái của bảo hiểm xanh.
Trao đổi với Đầu tư Tài chính, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho biết bảo hiểm xanh không nhất thiết phải là một sản phẩm bảo hiểm như các sản phẩm nêu trên, mà còn là cách thức triển khai bảo hiểm, cách thức tiếp cận bảo hiểm đối với người dân. Một ví dụ về bảo hiểm xanh là việc các công ty bảo hiểm giảm phí bảo hiểm xe ô tô, xe gắn máy nếu các phương tiện này đạt chuẩn về khí thải.
Không những vậy, các chương trình phục vụ cộng đồng, chương trình hướng về sức khỏe con người cũng có thể coi là bảo hiểm xanh, chứ không chỉ những hoạt động thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. “Bảo hiểm xanh không chỉ là vấn đề về môi trường mà còn là thái độ của doanh nghiệp đối với trách nhiệm xã hội”, chuyên gia Trần Nguyên Đán cho biết.
Có dễ phát triển bảo hiểm xanh tại Việt Nam?
Theo chuyên gia Trần Nguyên Đán, Việt Nam hiện có rất ít sản phẩm có thể gọi là bảo hiểm xanh. Với việc chưa được phổ biến rộng rãi, người dân khó lòng cảm nhận được bảo hiểm xanh, dẫn đến việc triển khai phát triển loại hình bảo hiểm này được cho là rất khó. Song song với đó, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam hiện ở mức thấp, thậm chí có dấu hiệu giảm sau thời gian “khủng hoảng niềm tin”, việc phát triển những sản phẩm bảo hiểm truyền thống đã khó, chứ chưa nói đến bảo hiểm xanh.
Tuy nhiên, chính trong giai đoạn này khi mà tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm còn thấp như hiện tại, chuyên gia Trần Nguyên Đán cho rằng việc phát triển bảo hiểm xanh ngay lúc này lại là thời điểm phù hợp nhất, thay vì phải trải qua hai giai đoạn riêng biệt (phát triển bảo hiểm truyền thống trước sau đó mới phát triển bảo hiểm xanh), chúng ta có thể kết hợp cả hai cùng một lúc. Điều này có nghĩa là người dân sẽ được tiếp cận và hiểu về bảo hiểm xanh ngay từ đầu, từ đó giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm xanh không hề đơn giản đối với các công ty bảo hiểm. Mục tiêu chính của họ là đạt được mức phí cạnh tranh trên thị trường, tính toán tỷ lệ bồi thường hợp lý và ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm. Theo chuyên gia Trần Nguyên Đán, các công ty bảo hiểm sẽ đắn đo đến vấn đề về lợi nhuận khi phát triển các sản phẩm bảo hiểm xanh.
“Nếu muốn phát triển bảo hiểm xanh, cần có chính sách của Chính phủ, có những ưu đãi về cơ chế, về thuế,… Câu chuyện xanh hoá các sản phẩm bảo hiểm phải do Chính phủ đứng ra chỉ đạo, sau đó doanh nghiệp mới làm theo”, ông Đán cho biết.
Được biết, trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 1/10/2021), phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện công cụ chính sách tài chính ưu đãi, các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh,… Nhiều văn bản khác dù không nhắc trực tiếp đến bảo hiểm xanh, nhưng cũng đề cập tới các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tài chính xanh như Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường,… đã tạo nên khung pháp lý cơ bản cho việc phát triển bảo hiểm xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai bảo hiểm xanh vẫn đòi hỏi sự hoàn thiện hơn nữa về pháp lý và chính sách.
Theo chuyên gia Trần Nguyên Đán, trên thế giới, bảo hiểm xanh được thúc đẩy phát triển song song với các ngành khác, không chỉ riêng tài chính xanh mà còn là công nghiệp xanh. “Vấn đề về ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính đang rất được quan tâm tại các nước phát triển, nên xu hướng của các quốc gia này là xanh hóa mọi thứ, không chỉ riêng ngành công nghiệp mà bảo hiểm cũng sẽ nằm trong xu thế đó, đều được coi trọng”, ông Đán cho biết.
Theo một báo cáo của Insurance Journal, các công ty bảo hiểm trên toàn cầu không chỉ đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, mà còn hướng dẫn khách hàng trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững. Họ đang tích cực tham gia vào các hoạt động bảo hiểm xanh, điều chỉnh danh mục đầu tư và quy trình bảo hiểm để phù hợp với các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Các báo cáo từ tổ chức phân tích quốc tế chỉ ra rằng ngành bảo hiểm ngày càng nhận thức rõ vai trò của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và hỗ trợ khách hàng đạt được các mục tiêu môi trường. Tuy nhiên, bảo hiểm xanh trên toàn cầu cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ các quy định quốc tế. Các chuyên gia cho rằng ngành bảo hiểm cần nâng cao tiêu chuẩn và quy trình để đảm bảo rằng các sản phẩm bảo hiểm xanh thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho môi trường và xã hội.