(VNF) – CEO của Nvidia Jensen Huang mới đây cho hay ông muốn tập trung vào việc tạo ra những thị trường hoàn toàn mới mà chưa ai từng nghĩ đến trước đây thay vì cạnh tranh với những doanh nghiệp khác đã thành danh.
“Tôi muốn trở thành người tạo lập thị trường, người sáng tạo thị trường hơn là người chiếm lĩnh thị trường”, vị CEO tỷ phú chia sẻ. Nhờ kế hoạch kinh doanh táo bạo này, Nvidia đã trở thành tập đoàn có giá trị lớn thứ hai trên thế giới.
Ông Huang gọi những không gian mới này là “thị trường 0 tỷ USD ”. Đây là những thị trường vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư hoặc đối thủ cạnh tranh vì chưa có ai nghiên cứu hoặc đầu tư vào chúng. Mặc dù nghe có vẻ mạo hiểm, nhưng đây là một chiến lược tuyệt vời để luôn đi trước đối thủ một bước.
“Mọi thứ chúng tôi làm trước đây đều chưa từng tồn tại”, ông Huang chia sẻ trong cuộc trò chuyện với người dẫn chương trình nổi tiếng người Mỹ Jim Cramer. Ông nhấn mạnh rằng sứ mệnh của Nvidia là tạo ra cơ hội chứ không chỉ chạy theo xu hướng hiện tại.
Vào đầu những năm 2000, ông Huang đã chấp nhận rủi ro lớn khi đầu tư vào “máy tính tăng tốc” với công nghệ CUDA. Vào thời điểm đó, không ai mua GPU để tính toán AI vì AI, như chúng ta biết ngày nay, không tồn tại. Nhưng ông đã nhìn thấy tiềm năng của GPU để làm nhiều hơn là chỉ cải thiện trò chơi điện tử. Đó là lý do tại sao Nvidia dẫn đầu thị trường chip AI ngày nay – họ đã nắm bắt cơ hội khi không ai khác làm.
Vị CEO tài năng nhấn mạnh rằng cần phải kiên nhẫn và sẵn sàng cho chặng đường dài nếu muốn trở thành “người tạo lập thị trường” như Nvidia. Nvidia đã phải bỏ ra nhiều năm làm việc chăm chỉ và đầu tư không ít tiền bạc để đạt đến đỉnh cao. Thất bại cũng là một phần cần thiết của quá trình này bởi không phải mọi bước đi đều sẽ thành công.
Tuy nhiên, có thể có những phần thưởng to lớn cho những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Như ông Huang đã nói: “Quy mô thị trường rất lớn. Nó được đo bằng hàng nghìn tỷ”, và hiện Nvidia đang ở vị thế tốt để chiếm một phần đáng kể trong đó.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Jim Cramer, ông Huang đã thảo luận về việc làm cho công nghệ có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, ngay cả những người không có nền tảng kỹ thuật.
“Chúng tôi sẽ làm cho máy tính thông minh hơn để mọi người không phải học khoa học máy tính để lập trình máy tính. Máy tính chỉ cần hiểu những gì chúng ta muốn và dự định”, ông nói. Điều này phản ánh tầm nhìn của Nvidia về việc làm cho công nghệ dễ dàng hơn đối với những người không có kỹ năng chuyên môn.
Khi ông Cramer hỏi tại sao một số người lại sợ AI đánh mất việc làm của họ, CEO Jensen Huang trả lời rằng AI sẽ tạo ra việc làm. “Nó sẽ khiến các công ty gia tăng năng suất. Khi các công ty có năng suất tốt hơn, thu nhập của họ sẽ được cải thiện. Khi điều đó xảy ra, họ sẽ thuê thêm người”, ông Huang lập luận.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư đặt cược vào nhu cầu mạnh mẽ đối với bộ xử lý AI hiện tại và thế hệ tiếp theo, cổ phiếu của Nvidia đã tăng 2,4% và lập đỉnh mới trong phiên 14/10, chốt phiên ở mức 138,07 USD/cp.
Mức tăng mới nhất đã nâng giá trị thị trường của Nvidia lên 3,39 nghìn tỷ USD, thấp hơn một chút so với vốn hóa 3,52 nghìn tỷ USD của Apple và cao hơn mức vốn hóa 3,12 nghìn tỷ USD của Microsoft.
Vào tháng 6, Nvidia đã trở thành công ty có giá trị nhất thế giới trong thời gian ngắn, sau đó công ty đã bị Microsoft vượt qua và vốn hóa thị trường của bộ ba công nghệ này đã ngang ngửa nhau trong nhiều tháng.
Nvidia, Apple và Microsoft chiếm khoảng 1/5 giá trị của S&P 500, do đó có ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng và giảm hàng ngày của chỉ số này.
Theo dữ liệu của LSEG, các nhà phân tích dự đoán việc chi tiêu để xây dựng các trung tâm dữ liệu AI sẽ giúp doanh thu hàng năm của Nvidia tăng gấp đôi lên gần 126 tỷ USD.
Trong khi đà tăng của Nvidia đã đưa S&P 500 lên mức cao kỷ lục, các nhà đầu tư lo ngại sự lạc quan về AI có thể tan biến nếu xuất hiện dấu hiệu cho thấy chi tiêu cho công nghệ này sẽ chậm lại.