(VNF) – Tại cam kết CPTPP, Peru xoá bỏ 81% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 62% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% dòng thuế vào năm thứ 17.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Peru từ cuối năm 2021. Đây là lần đầu tiên hai nước Việt Nam – Peru có quan hệ FTA, đã và đang tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai nước.
Peru xoá bỏ 81% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực
Hợp tác thương mại đầu tư giữa hai nước với việc thị phần hàng hóa của hai nước tại thị trường của nhau còn ở mức khiêm tốn cho thấy dư địa lớn cho tăng trưởng thương mại song phương thông qua việc tận dụng tốt những ưu đãi của CPTPP.
Tại cam kết CPTPP, Peru xoá bỏ 81% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 62% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% dòng thuế vào năm thứ 17.
Trong đó, nổi bật là những sản phẩm như đồ gỗ ngoại thất và các sản phẩm nông sản như hạt điều, chè, hạt tiêu, rau củ, quả có thuế xuất về 0% ngay từ khi hiệp định có hiệu lực.
Hàng dệt may, giày dép của Việt Nam sang Peru cũng được hưởng thuế suất giảm theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 16. Đặc biệt, mặt hàng giày dép xuất xứ từ Việt Nam vốn đã được biết đến tại Peru thì với ưu đãi của CPTPP sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm của Trung Quốc và Brazil.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thủy sản, hàng tiêu dùng cao su, thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng cũng là các mặt hàng tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Peru.
Trên thực tế, quan hệ thương mại Việt Nam – Peru phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, có tác động tích cực ban đầu từ thực hiện hiệp định CPTPP.
Cụ thể, chỉ trong vòng 8 năm, kim ngạch thương mại đã tăng gấp đôi, từ khoảng 300 triệu USD năm 2014 lên 600 triệu USD trong năm 2022. Peru hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực Mỹ La Tinh.
75% doanh nghiệp nhỏ, phù hợp với sức cạnh tranh của Việt Nam
Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Mỹ (Bộ Công thương) nhận định, Peru là thị trường có dung lượng vừa phải, tuy nhiên khoảng 75% doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Peru là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp với cách tiếp cận, cũng như là cái quy mô của các doanh nghiệp Việt khi mà xuất khẩu hàng hóa sang cái thị trường này và hàng hóa của ta có thể dễ dàng tiếp cận và cạnh tranh tại cái thị trường này.
Mặt khác, Peru cũng có thể là cửa ngõ để chúng ta thâm nhập sang các cái khu vực thị trường khác ở các nước láng giềng của Peru như là Brazil…
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động trao đổi thương mại hai chiều năm 2023 chỉ đạt 486 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 439 triệu USD và nhập khẩu từ Peru đạt 47 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 294 triệu USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ trước. Xuất khẩu của Việt Nam sang Peru, đạt 255 triệu USD và nhập khẩu từ Peru đạt 39 triệu USD.
Thế nhưng, theo Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru cho rằng, chúng ta có nhiều lợi thế nếu tận dụng tốt thị trường này.
Bởi lẽ hai nước có những điểm tương đồng về hoạt động kinh doanh; mặt hàng xuất khẩu giữa Việt Nam và Peru mang tính bổ trợ cho nhau.
Đặc biệt, Peru là thị trường mở có nhu cầu cao đối với hàng hóa nhập khẩu, người dân địa phương rất hoan nghênh hàng hoá nhập khẩu nếu chất lượng tốt.
Về đầu tư, tại Peru đang có sự hiện diện của các dự án đầu tư lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực viễn thông và khai khoáng của Tập đoàn công nghiệp viễn thông quân đội và Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí PVEP.