(VNF) – NHNN nói về việc giá vàng tăng cao; VND chịu áp lực; Eximbank lên tiếng về tin đồn liên quan việc dời trụ sở; nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận quý III… là những điểm nhấn quan trọng trong tuần qua.
Giá vàng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Mới đây, trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
NHNN cho biết chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được kiểm soát với biên độ phù hợp. Giá vàng trong nước hiện cao hơn thế giới khoảng 5-7%.
>> Xem thêm: Giá vàng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Tỷ giá nóng trở lại, VND chịu áp lực đến khi nào?
Sau một thời gian lặng sóng, tỷ giá bất ngờ quay đầu tăng mạnh trở lại từ đầu tháng 10. Một lần nữa, thị trường lại dồn sự quan tâm vào những kịch bản mới về “hướng đi” của tỷ giá và những áp lực hiện hữu.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc AFA Capital, áp lực lên tỷ giá sẽ còn hiện hữu trong dài hạn.
>> Xem thêm: Tỷ giá nóng trở lại, VND chịu áp lực đến khi nào?
Ngân hàng Nhà nước có động thái mới, giá USD tự do giảm mạnh
Trong chiều 24/10, NHNN đã tăng giá bán USD can thiệp niêm yết tại Sở Giao dịch từ mức 25.423 đồng/USD lên 25.450 đồng/USD.
Theo một số nguồn tin trên thị trường liên ngân hàng, nhà điều hành đã có thông báo tới các ngân hàng về việc nối lại hoạt động bán can thiệp ngoại tệ theo hình thức giao ngay, tại mức tỷ giá 25.450 đồng/USD.
Phản ứng sau động thái của NHNN, tỷ giá USD/VND quay đầu đi xuống. Đáng chú ý, giá USD tự do giảm tới 300 đồng.
>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước có động thái mới, giá USD tự do giảm mạnh
Eximbank lên tiếng về tin đồn liên quan việc dời trụ sở
Cuối ngày 24/10, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) phát thông cáo báo chí cho biết ngân hàng đã nhận được thông tin về một số văn bản lan truyền trên mạng xã hội, xuất hiện trên báo chí liên quan hoạt động của đơn vị về chủ trương chuyển trụ sở; cấp tín dụng cho khách hàng…
Eximbank cho rằng các thông tin này đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khách hàng, xâm phạm quyền lợi của cổ đông ngân hàng. Đặc biệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín của Eximbank.
Eximbank cho biết việc chuyển trụ sở của ngân hàng sẽ được thảo luận công khai và chỉ được thông qua nếu đạt tỷ lệ biểu quyết của các cổ đông.
>> Xem thêm: Eximbank lên tiếng về tin đồn liên quan việc dời trụ sở
NHNN gặp khó khăn kiểm soát DN ngoài ngành sở hữu chéo ngân hàng
Tính đến ngày 24/10/2024, đã có 23/27 ngân hàng công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Các ngân hàng chưa công bố danh sách này gồm có Bắc Á Bank, SaigonBank, Sacombank và NCB.
Theo báo cáo của NHNN, việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng với ngân hàng gặp nhiều khó khăn do các bên liên quan cố tình che giấu, lách luật.
>> Xem thêm: NHNN gặp khó khăn kiểm soát DN ngoài ngành sở hữu chéo ngân hàng
Đề xuất nhà nước đầu tư thêm 20.695 tỷ để Vietcombank tăng vốn
Trong phiên họp Quốc hội chiều 23/10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Theo tờ trình, nếu không được tăng vốn, năm 2024, Vietcombank sẽ chỉ tăng trưởng tín dụng được ở mức 7% (thay vì mức dự kiến 15,93% như hiện tại) để tương ứng với phần vốn tự có giảm. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế dự kiến cũng sẽ giảm tương ứng với phần giảm quy mô tín dụng (giảm khoảng 4% lợi nhuận).
Từ những căn cứ đã nêu, Chính phủ đề xuất Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng (số chi tiết tuyệt đối là 20.695.100.980.000 đồng) tại Vietcombank.
>> Xem thêm: Đề xuất nhà nước đầu tư thêm 20.695 tỷ để Vietcombank tăng vốn
Lợi nhuận ngân hàng quý III
Nhiều nhà băng đã công bố kết quả quý III. Theo đó, bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong ba quý đầu năm dần “hé lộ” với kết quả tích cực.
Theo các chuyên gia, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III dự kiến sẽ có sự cải thiện đáng kể so với quý II nhờ tăng trưởng tín dụng khởi sắc. Còn lợi nhuận toàn ngành trong quý IV và cả năm 2025 sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng bất chấp 100.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng đang bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
>> Xem thêm: Lợi nhuận ngân hàng tiếp tục tăng: Kinh tế khởi sắc, cuối năm càng thu đậm
Cho vay mua nhà lãi thấp nhất từ trước đến nay
Theo khảo sát, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại tiếp tục có xu hướng giảm và được đánh giá là thấp nhất từ trước đến nay.
Dù lãi suất hạ nhiệt nhưng tỷ lệ người dân vay mua nhà vẫn rất thấp. Nhiều người vẫn ngại vay mua nhà vì nhiều nỗi sợ.
VCBS đánh giá sự tăng chậm của tín dụng cho vay mua nhà tiêu dùng do nhu cầu mua nhà chưa phục hồi vì sự hạn chế về nguồn cung nhà ở. Bên cạnh đó, giá nhà ở tăng mạnh gần đây cũng gây ra tâm lý e ngại cho nhà đầu tư và người vay mua nhà để ở.
>> Xem thêm: Cho vay mua nhà: Lãi thấp nhất từ trước đến nay, vẫn run tay khi ký nợ
Chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TMCP Đông Á còn nhiều vướng mắc
Trong báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV đối với lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã chỉ ra nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém.
Đặc biệt, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
>> Xem thêm: Chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TMCP Đông Á: Vẫn còn nhiều vướng mắc
Tự kiểm tra nợ xấu qua CIC dễ ‘sập bẫy’ lừa
Nhiều người sập bẫy lừa đảo khi tin vào dịch vụ kiểm tra thông tin tín dụng hay xóa nợ xấu. Theo CIC, bất kỳ tổ chức/cá nhân nào cũng đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin khách hàng, lịch sử tín dụng hay xóa/điều chỉnh nhóm nợ xấu của khách hàng.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc CIC từng khẳng định, không chỉ CIC mà bất kỳ tổ chức/cá nhân nào đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin khách hàng, lịch sử tín dụng hay xóa/điều chỉnh nhóm nợ xấu của khách hàng.
>> Xem thêm: Tự kiểm tra nợ xấu qua CIC: Dễ nhưng nhiều người vẫn ‘sập bẫy’ lừa
Chín ngân hàng sẵn 120.000 tỷ vốn giá rẻ nhưng rất ít người được vay
Theo NHNN, HDBank là ngân hàng mới nhất tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Như vậy, quy mô gói tín dụng được nâng lên 145.000 tỷ đồng, trong đó, 4 ngân hàng nhóm Big4 tham gia 30.000 tỷ đồng/ngân hàng và 5 ngân hàng TMCP còn lại (HDBank, MB, VPBank, Techcombank, TPBank) tham gia 5.000 tỷ đồng/ngân hàng.
Dù quy mô lớn nhưng giải ngân gói tín dụng trên vẫn còn hạn chế. Đến nay, có 151 người mua nhà được vay vốn Chương trình này với tổng số tiền khoảng 80 tỷ đồng.
>> Xem thêm: Chín ngân hàng sẵn 120.000 tỷ vốn giá rẻ nhưng rất ít người được vay