(VNF) – Mì thanh long bán chạy hơn 3 triệu gói sau chiến dịch ‘lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm’. Nhà sáng lập đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng vào năm 2026.
Năm 2023, sau khi tạo tiếng vang trên mạng xã hội với quảng cáo “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”, Caty Food – thương hiệu mì ăn liền Thanh Long đã chính thức xuất hiện tại chương trình Shark Tank Việt Nam nhằm huy động vốn.
Tại đây, Caty Food đã kêu gọi 1 triệu USD cho 5% cổ phần, tương đương với định giá doanh nghiệp đạt 20 triệu USD.
Bà Phan Thị Na, Tổng Giám đốc và đồng sáng lập Caty Food, chia sẻ rằng công ty đã dành hai năm nghiên cứu cùng các tổ chức giáo dục để phát triển sản phẩm mì ăn liền từ thanh long. Sản phẩm mì thanh long chứa 12% hàm lượng thanh long và đã được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm khoa học công nghệ tại Bình Thuận. Đáng chú ý, Caty có bằng sáng chế công nghệ, đã đăng ký độc quyền ở Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác.
Theo giới thiệu, Caty Food đã đạt được các chứng nhận chất lượng như FDA, HACCP, và GlobalGAP, đồng thời xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ và Trung Quốc. Dự kiến vào cuối năm 2024, sản phẩm sẽ có mặt tại Nga, Indonesia và Australia. Tại thị trường nội địa, mì thanh long hiện có mặt tại 10.000 điểm bán, bao gồm các siêu thị lớn như Emart và Co.opmart.
Về doanh số, bà Na cho biết mì thanh long đã tiêu thụ hơn 3 triệu gói sau thành công của chiến dịch quảng bá nói trên. Công ty đã mở rộng hệ thống phân phối với hơn 10.000 điểm bán và doanh thu đạt 46 tỷ đồng trong năm 2023, với lợi nhuận sau thuế 8%. Kế hoạch cho năm 2024 là đạt doanh thu 250 tỷ đồng và mở rộng lên 50.000 điểm bán vào năm 2025, với mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng vào năm 2026.
Hiện tại, Caty Food cung cấp khoảng 1 triệu gói mì thanh long mỗi ngày, với giá xuất xưởng 7.000 đồng/gói. Các nhà sáng lập khẳng định rằng họ không cạnh tranh với các hãng mì truyền thống mà hướng tới thị trường mì ăn liền có thành phần trái cây.
Giám đốc marketing Trần Danh cho biết, đội ngũ marketing của Caty Food rất trẻ và hiểu biết về văn hóa đại chúng, điều này giúp họ nắm bắt các xu hướng hiệu quả. Họ đã dự đoán được sự lan truyền của chiến dịch quảng cáo, nhưng kết quả thực tế còn vượt xa mong đợi, dẫn đến một “cuộc khủng hoảng dương” sau khi chiến dịch thành công.
Giám đốc Na cũng chia sẻ rằng công ty là thành viên của Hiệp hội thanh long Bình Thuận, DN này luôn nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm thanh long, không chỉ tại Bình Thuận mà còn trên toàn quốc. Sau hai năm hợp tác với Trường Đại học Công Thương và Viện Khoa học Kinh tế Sài Gòn, Caty Food đã phát triển thành công mì ăn liền thanh long công nghệ nano với 12% hàm lượng thanh long, đánh dấu một bước đột phá trong ngành thực phẩm.
Caty Food không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Hiện, công ty đã ký kết thành công 5 container với Mỹ và 7 container với Trung Quốc, đồng thời đang đàm phán ký kết thêm với Nga và Indonesia.
Trong thương vụ này, chỉ có Shark Bình là người duy nhất hứng thú với Caty Food. Ông cho biết: “Tôi tìm hiểu ở Mỹ, với ngành chế biến thực phẩm này, các công ty trên sàn chứng khoán chỉ có P/E khoảng 15 lần. Nhưng với công ty startup như Caty Food thì định giá chỉ tối đa 10 lần. Lợi nhuận năm nay 20 tỷ thì định giá chỉ khoảng 200 tỷ”. Với cách định giá này, Shark Bình ra deal 1 triệu USD cho 11,1% cổ phần.
Cuối cùng, Shark Bình quyết định đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần. Thương vụ kết thúc với sự đồng thuận từ cả hai bên.