Thế giới vẫn nghiện năng lượng của Nga

(VNF) – Sau hai năm rưỡi kể từ khi Nga đưa quân tới Ukraine, nỗ lực của phương Tây nhằm cai nghiện dầu khí của Nga và cô lập Điện Kremlin đã bị đình trệ.

Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi năng lượng được ca ngợi của Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng nó cũng tạo ra vỏ bọc cho việc tiếp tục và trong một số trường hợp là tăng cường mua năng lượng của Nga.

Quyền lực của Nga trong thế giới hiện đại đã và đang được xây dựng dựa trên nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của nước này. Khoảng 50% ngân sách của nước này trong hơn chục năm qua là từ xuất khẩu dầu khí.

nang luong nga 1429
Ngọn lửa bùng phát từ tòa tháp của một nhà máy lọc dầu tại khu công nghiệp PCK-Raffinerie GmbH, Đức. Đức đã ngừng nhập khẩu toàn bộ dầu thô từ Nga vào đầu năm 2024. (Ảnh: Christophe Gateau/Getty Images)

Với việc EU dựa vào nhập khẩu từ Nga cho hơn 40% nguồn năng lượng (thời điểm trước năm 2022) và việc hoàn thành đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) đến Đức vào năm 2021 sẽ đẩy những con số này lên cao hơn. Nga dường như đã tính toán rằng lục địa này quá phụ thuộc để có thể mạo hiểm đưa ra phản ứng thích hợp trước việc Nga đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022. Và tiên lượng của Nga có vẻ như không hề sai.

Mỹ, Vương quốc Anh và EU đã ban hành các biện pháp kinh tế để trừng phạt Điện Kremlin. Trong năm 2022 và 2023, các cường quốc phương Tây đã cấm hoàn toàn hoặc một phần các hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nga bằng tàu chở dầu, sản phẩm dầu, than, khí đốt qua đường ống, một số khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), v.v., và cuối cùng là nhiều cơ chế tài chính và công nghệ cần thiết để xử lý các giao dịch thương mại.

Các biện pháp này không được áp dụng cùng một lúc vì EU không thể tồn tại nếu nguồn cung cấp năng lượng từ Nga bị cắt đứt đột ngột và hoàn toàn. LNG và các nguồn năng lượng hạt nhân cơ bản là không bị hạn chế.

Đối với dầu mỏ, thay vì cấm hoàn toàn, Nhà Trắng đã dẫn đầu nỗ lực áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga để siết nguồn thu của nước này mà không hạn chế quá mức nguồn cung toàn cầu theo cách có thể làm tăng lạm phát.

Xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống đã cạn kiệt, với một lượng nhỏ vẫn đi qua Ukraine và lên tới 38 tỷ mét khối mỗi năm đến Trung Quốc.

Nhưng nhìn chung, lượng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu từ Nga vào châu Âu đã giảm từ 16 tỷ euro xuống 1 tỷ euro một tháng. Từ năm 2022 đến năm 2023, doanh thu từ dầu khí của Nga đã giảm gần 1/4.

Nhưng dường như các lệnh trừng phạt của phương Tây không còn hiệu quả nữa. Vào năm 2024, Nga đã có một năm bội thu. Tăng trưởng GDP của nước này đang trên đà đạt trên 4%, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục và việc tuyển quân và lương của binh lính đã thúc đẩy mức tăng trưởng tiền lương kỷ lục. Phần lớn là do Điện Kremlin đang bơm tiền vào các lĩnh vực công nghiệp quân sự để hỗ trợ cho nỗ lực chiến sự của mình ở Ukraine, khoảng 40% chi tiêu công hiện dành cho quốc phòng và an ninh.

Nhưng chi tiêu cho chiến sự trong nước chỉ là một nửa câu chuyện. Nửa còn lại là thế giới chưa thể từ bỏ năng lượng của Nga. Các lệnh cấm vận đối với các sản phẩm năng lượng của Nga được cho là chưa thực sự hiệu quả. Áo là ví dụ rõ ràng nhất khi khí đốt của Nga vẫn chiếm phần lớn lượng năng lượng nhập khẩu của nước này.

Thêm vào đó, ngay cả khi việc nhập khẩu khí đốt qua đường ống vào EU đã dừng lại, thì LNG đắt tiền hơn của Nga chưa bao giờ bị cấm nên lượng mua đã tăng gần 20%. Điều này khiến Nga trở thành nước bán khí đốt lớn thứ hai cho lục địa này và đảm bảo cho Điện Kremlin lợi nhuận cao hơn.

Trong khi đó, theo Greenpeace, các tàu chở dầu được gọi là “đội tàu bóng đêm” chở dầu của Nga đã đi thẳng vào các cảng châu Âu trong nhiều tháng, vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tổng cộng, EU đã trả cho Nga hơn 196 tỷ euro cho dầu, khí đốt và than kể từ tháng 2/2022.

Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên các ngành công nghiệp và lĩnh vực quan trọng của Nga, Moscow cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây đã giúp nước này tự chủ hơn và tiêu dùng tư nhân cũng như đầu tư trong nước vẫn kiên cường.

Trong khi đó, việc tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và hàng hóa sang các nước như Ấn Độ và Trung Quốc đã cho phép nước này duy trì doanh thu xuất khẩu dầu mạnh mẽ, cùng với doanh thu xuất khẩu khí đố) sẽ chiếm 27% tổng thu ngân sách nhà nước vào năm 2025, theo Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tuyên bố trong triển vọng kinh tế mùa xuân rằng họ tin rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay, với dự báo tốc độ tăng trưởng là 3,2%.

Chính phủ Nga, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mikhail Mishustin, đầu tháng 10 đã phê duyệt dự thảo ngân sách năm 2025-2027, trong đó dự kiến ​​chi tiêu quốc phòng sẽ tăng mạnh lên 13,5 nghìn tỷ rúp (145 tỷ USD) vào năm 2025, tăng 25% so với mức năm 2024 và chiếm 6,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Cũng theo bản dự thảo, tổng chi tiêu cho cả quốc phòng và an ninh sẽ chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu của chính phủ Nga vào năm 2025. Các nhà phân tích cho rằng các kế hoạch chi tiêu mới nhất báo hiệu một nước Nga đầy tham vọng và quyết tâm tiếp tục cuộc chiến với Ukraine.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin