Sau giai đoạn có dấu hiệu căng thẳng cung ngoại tệ, tỷ giá tạm thời đã giảm áp lực. Song vẫn còn đó những biến động phía trước…
Gần nhất, ngay trong đêm 28/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ra công bố tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75%. Đây là lần thứ hai liên tiếp Fed thực thi chính sách tăng lãi suất ở mức cao, tuy không chạm đến mức 1% tăng thêm như một số dự báo trước đó.
Quyết định tăng lãi suất lần này của Fed, với tính chất duy trì nỗ lực “hạ nhiệt” lạm phát của Mỹ, đang và sẽ “đổ thêm dầu” vào ngọn lửa âm ỉ những nỗi lo về suy thoái kinh tế. Còn với các nền kinh tế có độ mở rộng, gắn bó với thị trường hàng đầu thế giới và có đồng tiền neo với đồng USD, thì nỗi lo nhập khẩu lạm phát và áp lực tỷ giá tăng lên.
Với Việt Nam, ngay trong ngày đón nhận thông tin Fed tăng lãi suất, thị trường chứng khoán hưởng tinh thần tích cực lan tỏa từ phố Wall, đã xanh lá và được cộng thêm 20 điểm. Tuy nhiên đà tăng tích cực này được dự báo sẽ chỉ là ngắn hạn và thị trường sẽ sớm giảm bớt đà hưng phấn để quay về với thực tế là những khó khăn của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường; cùng dòng vốn đầu tư vào thị trường, có thể sẽ có những thách thức.
Tỷ giá USD/VND trong ngày 28/7, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN, SBV) tăng 9 đồng so với tỷ giá áp dụng trong ngày hôm trước, từ mức 23.192 đồng/USD lên 23.201 đồng/USD. Mức biến động này được đánh giá là thấp trong bối cảnh Fed tăng lãi suất và trước đó hàng loạt Ngân hàng Trung ương cũng đã tăng mạnh lãi suất cơ bản. Đồng thời, cũng xem là thấp nếu so với tỷ giá trung tâm áp dụng đã biến động trong một số phiên trong tháng 7, với cá biệt có phiên tăng thêm tới 25 đồng.
Biến động của đồng USD và các đồng tiền của các nước mới nổi sau khi Fed thực thi chính sách tăng lãi suất từ năm 2022. Nguồn: Shinhan Bank Viietnam
Nhìn lại trong tháng 6 và gần trọn tháng 7, sau tín hiệu căng thẳng cung ngoại tệ khi hóa đơn nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam tăng giá trị do giá dầu thế giới tăng cao vì chiến sự Nga-Ukraine dẫn đến Việt Nam nhập siêu trong tháng 5 và giảm giá trị xuất siêu lũy kế 5 tháng, NHNN đã có động thái can thiệp bằng bán USD trong dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, NHNN đã khởi động kênh tín phiếu chủ yếu phát hành kỳ hạn ngắn nhằm hút thanh khoản, đồng thời thăm dò thanh khoản trong thị trường; hỗ trợ cân bằng chênh lệch lãi suất VND-USD khi đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng lên.
Nhờ vậy, tuy không thể đứng ngoài xu thế giảm giá của các đồng tiền châu Á từ động thái tăng lãi suất quyết liệt của Fed và lo ngại về sự suy thoái sâu hơn của Trung Quốc; tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1,7% trong quý 2/2022 lên 23.215, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2020, nhưng VND vẫn là đồng tiền có xu hướng giảm khiêm tốn khi so sánh với mức giảm của các đồng tiền khác cùng khu vực hoặc so sánh với Chỉ số các đồng tiền châu Á (ADXY) đã giảm hơn 4% trong quý.
Tuy nhiên, vẫn không thể chủ quan với các biến động vĩ mô đặc biệt trước những tác động bên ngoài; cũng ngay trong ngày 28/7 ngay sau Fed tăng lãi suất, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Điều này cho thấy Việt Nam đang xác định “phản ứng nhanh”, kịp thời, khi mỗi một biến động nhỏ ở bên ngoài đều có thể tác động lớn đến trong nước.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Trong số đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, chống đô la hóa, vàng hóa; bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp theo hướng tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, phát triển khu công nghiệp và nhà ở xã hội.
Sức mạnh đồng nội tệ rõ ràng, đang là một trong những “tâm điểm” được chú ý bởi dễ biến động theo các biến động và chính sách lãi suất của các nền kinh tế lớn hàng đầu.
Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhận định, diễn biến vừa qua cho thấy đồng nội tệ đang suy yếu vào đầu quý 3, nhưng sẽ hồi phục sau đó.
“Tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng trong năm 2022 do những lo ngại lạm phát gây nên bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ sớm hơn dự kiến của Fed và giá nguyên liệu thô tăng. Tuy nhiên sẽ giảm dần vào cuối năm và duy trì quanh mức 23.000 nhờ các chính sách kích thích kinh tế, kích cầu trong nước, sự phục hồi của ngành du lịch và dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào. Xuất khẩu giảm do tốc độ tăng trưởng thấp ở Trung Quốc và Mỹ, vốn là các đối tác thương mại lớn, là yếu tố gây nên sự tăng vọt của tỷ giá hối đoái”, Shinhan Bank Việt Nam đánh giá.
Tỷ giá USD/ VND quý IV/2022 do các ngân hàng dự báo. Nguồn: Shinhan Bank Vietnam
Ngân hàng này nêu dự kiến tỷ giá USD/VND cuối năm 2022 là 22.850 ~ 23.550 đồng/ USD, đồng thuận gần với dự báo của nhiều ngân hàng lớn như Standard Chartered, Mizuho Bank, Australia & NZ Banking, United Overseas Bank, MUFG đã đưa ra. Mức tỷ giá USD/ VND trung bình mà các tổ chức tín dụng của khu vực và thế giới dự báo vào quý IV/2022, sẽ là 22.825 VND/ USD.