(VNF) – Đại diện Viettel Viettel cho biết có nhiều yếu tố tác động đến tốc độ mạng 5G như vị trí sử dụng thiết bị, ở gần hay xa trạm phát sóng hay thời điểm đó có nhiều người dùng truy cập hay không.
Mạng 5G đã được Viettel triển khai tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước từ ngày 15/10. Sau vài ngày sử dụng, nhiều người dùng phản ánh rằng tình trạng kết nối dịch vụ 5G hiện chưa ổn định. Thậm chí, tốc độ 5G tại một số khu vực gần như không khác biệt so với 4G.
Giải đáp vấn đề tốc độ mạng 5G không được như kỳ vọng, ông Hoàng Đức Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) cho biết khi đo ở trạm mà chỉ có 1 thiết bị thực hiện tốc độ 5G có thể lên 300-400Mbps, thậm chí có thể lên tới 500Mbps, nhưng con số tăng cao hay xuống thấp còn tùy vào vị trí đo và sever định tuyến vào kiểm tra, số lượng người đang sử dụng đồng thời.
Theo ông Thanh, quá trình đo bằng ứng dụng kiểm tra tốc độ 5G như Speedtest, nếu chỉ có 1 thiết bị đo, trạm BTS 5G sẽ dồn toàn bộ tài nguyên cho thuê bao duy nhất, chính vì thế khi đứng gần trạm và có 1 thiết bị đo tốc độ sẽ lên rất cao. Còn nếu có nhiều thiết bị truy cập 5G vào cùng một trạm BTS 5G sẽ dẫn đến việc chia sẻ tài nguyên, việc này sẽ khiến người dùng cảm thấy chậm đi, thậm chí là chậm hơn 4G.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Tâm – Phó Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel cũng chỉ ra thêm nguyên nhân những phần mềm test có thuật toán tự động chọn những sever gần nhất để test, tuy nhiên có nhiều sever cấu hình cũ, còn trong trường hợp tốc độ kiểm tra thấp liên tục, việc này hệ thống 5G có thể bị lỗi và sẽ có kỹ thuật viên kiểm tra.
“Trên bản chất, ngoài việc test tốc độ sẽ kéo hết lưu lượng của một trạm để đo tốc độ, thì trên thực tế với nhu cầu bình thường của người dùng như duyệt web, xem Youtube hay xem video trực tuyến thì chỉ cần bằng thông từ 5-7Mbps là đã có thể xem trên độ phân giải FullHD,” bà Tâm cho biết.
Chia sẻ về vấn đề nhiều người dùng phản ánh việc khi kết nối mạng 5G có cảm giác hết data nhanh hơn, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động Viettel Telecom khẳng định mạng 5G không tốn data hơn 4G nếu sử dụng tác vụ và nội dung với cùng một chất lượng đặc biệt với nhu cầu cơ bản của người dùng như truy cập mạng xã hội, tải tài liệu.
Tuy nhiên theo ông Sơn, một trong những lý do chính khiến 5G gây tốn dung lượng hơn là người dùng có thể trải nghiệm một số dịch vụ cần tốc độ siêu nhanh mà 4G trước đây khó đáp ứng, như xem video độ phân giải cao 4K, sử dụng ứng dụng thực tế ảo AR/VR.
Quan trọng hơn, tốc độ cao của mạng 5G cũng giúp nội dung được tải về trong thời gian rất ngắn, khác với việc tải trên mạng 4G trước đây. Theo tính toán, một bộ phim dài hai tiếng có thể được tải hết trong vòng 10 giây.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn trong giai đoạn đầu, nhiều người có thói quen đánh giá tốc độ của mạng bằng các công cụ bên thứ ba, vốn tiêu tốn data trên thiết bị. Ví dụ với Ookla Speedtest, mỗi lần đo chất lượng mạng, ứng dụng ngốn từ vài trăm MB đến gần 1 GB dung lượng.
Thách thức với 5G tại Việt Nam
Đại diện Viettel cũng cho biết những khó khăn, thách thức khi triển khai 5G tại Việt Nam. Đầu tiên là chi phí đầu tư lớn, gấp 4-5 lần so với 4G và cần nhiều thời gian để triển khai.
Cụ thể, 5G sử dụng nhiêu công nghệ hiện đại, cấu hình nhiều anten thu phát, nên đơn giá cao hơn 4G. Bên cạnh đó, kích thước, khối lượng thiết bị gấp 1,5 – 2 lần so với 4G. Đồng thời, điện năng tiêu thụ/trạm 5G gấp gần 3 lần so với 4G.
Một thách thức khác là vấn đề đầu cuối hỗ trợ 5G còn hạn chế. Phía Viettel cho biết hiện mới có gần 15% thiết bị đầu cuối hồ trợ 5G, chủ yếu ở khu vực thành thị (85-90%). Do đó, việc triển khai phủ sóng 5G diện rộng, đặc biệt ở khu vực nông thôn sẽ không hiệu quả.
Cuối cùng, Viettel cho rằng đầu cuối smartphone xách tay từ nước ngoài về nhưng khóa công nghệ, không hỗ trợ 5G ở Việt Nam cũng sẽ không sử dụng được 5G. Nhà mạng này khuyến nghị người dùng không lựa chọn sản phẩm tương tự.