(VNF) – Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/10 đã trích dẫn lời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng BRICS không phải là “chống phương Tây”, mà chỉ là “phi phương Tây”.
“Phi phương Tây, không phải chống phương Tây”
Người đứng đầu Điện Kremlin dự kiến sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan của Nga từ ngày 22 – 24/10.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS diễn ra hôm 18/10 tại thủ đô Moscow, ông Putin hy vọng xây dựng BRICS thành một đối trọng mạnh mẽ với phương Tây trong chính trị và thương mại toàn cầu.
“Các quốc gia trong liên minh của chúng ta về cơ bản là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong tương lai gần, BRICS sẽ tạo ra sự tăng trưởng chính trong GDP toàn cầu”, nhà lãnh đạo Nga nói với các quan chức và doanh nhân tại sự kiện.
“Tăng trưởng kinh tế của các thành viên BRICS sẽ ngày càng ít phụ thuộc vào ảnh hưởng hoặc sự can thiệp từ bên ngoài. Về cơ bản, đây là chủ quyền kinh tế”, ông Putin nhấn mạnh thêm.
Tổng thống Nga nêu rõ: “Năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của BRICS được dự báo là 4%. Con số này cao hơn tỷ lệ ở các nước G7 – chỉ có 1,7% và tỷ lệ toàn cầu sẽ là 3,2%. Các quốc gia trong liên minh của chúng ta về cơ bản là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.
Nhà lãnh đạo Nga đã trích dẫn lời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và nói rằng Brics không phải là “chống phương Tây”, mà chỉ là “phi phương Tây”.
“BRICS không bao giờ có ý định chống lại bất kỳ ai. Thủ tướng Ấn Độ (Narendra Modi) cho biết BRICS không phải là một nhóm chống phương Tây, mà là một nhóm phi phương Tây”, ông Putin nêu rõ.
BRICS có mục tiêu được nêu rõ là khuếch đại tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi lớn để cân bằng lại trật tự toàn cầu do phương Tây dẫn đầu. Các thành viên sáng lập của BRICS đã kêu gọi một trật tự thế giới công bằng hơn và cải cách các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức vào tuần tới như là một cách để Nga cho thấy nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga vì hành động của nước này ở Ukraine đã thất bại.
Nga muốn các quốc gia khác hợp tác với mình để cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu và chấm dứt sự thống trị của đồng USD.
Trung Quốc, Ấn Độ và UAE đã xác nhận rằng các nhà lãnh đạo của họ sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Kazan.
“Cánh cửa đã mở”
Cũng tại sự kiện, ông Putin cho biết 30 quốc gia trên thế giới đã bày tỏ sự quan tâm hợp tác với nhóm BRICS và hội nghị thượng đỉnh tuần tới sẽ xem xét các phương án khả thi cho việc mở rộng hơn nữa nhóm này.
“Cánh cửa vẫn mở, chúng tôi không cấm cản bất kỳ ai”, Tổng thống Nga nói với các phóng viên từ các nước BRICS.
Liên minh BRICS được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với sự tham gia của Nam Phi vào năm 2010. Gần đây, liên minh này đã mở rộng và hiện bao gồm cả Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Ông Putin đã trích dẫn một số sáng kiến mà Nga đã vạch ra trước hội nghị thượng đỉnh, bao gồm hệ thống thanh toán xuyên biên giới chung và một công ty tái bảo hiểm.
Tổng thống Nga cho biết các thành viên trong nhóm đang xây dựng một hệ thống nhắn tin tài chính giống như SWIFT, không chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây và sử dụng tiền kỹ thuật số quốc gia để tài trợ cho các dự án đầu tư có tiềm năng tăng trưởng cao trong và ngoài BRICS.
Ông nhấn mạnh rằng các sáng kiến tài chính của Nga cho hội nghị thượng đỉnh ngụ ý việc sử dụng rộng rãi các loại tiền tệ quốc gia, trong khi việc thảo luận về việc tạo ra một loại tiền tệ duy nhất cho nhóm BRICS là “quá sớm”.
Ông kêu gọi Ngân hàng Phát triển Mới, tổ chức phát triển đa phương duy nhất đang hoạt động của BRICS, đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng trên khắp các quốc gia Nam Bán cầu.
“Là một tổ chức phát triển, ngân hàng đã đóng vai trò là giải pháp thay thế cho nhiều cơ chế tài chính phương Tây và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển nó”, ông Putin nói. Ông kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo.
Ông Putin cũng tìm cách thúc đẩy các siêu dự án giao thông mới của Nga như Tuyến đường biển Bắc Cực và hành lang Bắc-Nam, nối liền Nga với Vịnh và Ấn Độ Dương thông qua Biển Caspi và Iran.
“Đây là chìa khóa để tăng cường vận chuyển hàng hóa giữa lục địa Á-Âu và châu Phi”, ông nói.