Tỷ giá nóng trở lại, VND chịu áp lực đến khi nào?

(VNF) – Kể từ đầu tháng 10, tỷ giá USD/VND bất ngờ tăng mạnh trở lại, tiến gần đến mức kỷ lục trước đó. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc AFA Capital, áp lực lên tỷ giá sẽ còn hiện hữu trong dài hạn.

Tỷ giá bật tăng trở lại

Sau một thời gian lặng sóng, tỷ giá bất ngờ quay đầu tăng mạnh trở lại từ đầu tháng 10. Một lần nữa, thị trường lại dồn sự quan tâm vào những kịch bản mới về “hướng đi” của tỷ giá và những áp lực hiện hữu.

Thực tế, tỷ giá đã bắt đầu rục rịch chu kỳ tăng kể từ cuối tháng 9. Song, mãi đến giữa tháng 10, tỷ giá mới thực sự bắt đầu “nhảy vọt”. Theo thống kê sáng ngày 24/10, tỷ giá trung tâm của tiền đồng với USD tăng 12 đồng, lên mức 24.240 đồng. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND được mua vào ở mức 24.190 – 25.220 đồng và bán ra ở mức 25.462 đồng. Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND sáng 24/10 ở mức 25.520 – 25.620 đồng.

Tỷ giá USD/VND tăng khi giá trị đồng USD đạt mức cao mới trong vòng 3 tháng qua. Chỉ số DXY – thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giao dịch ở mức 104,27 trong phiên 24/10, tăng 0,35% so với đóng cửa phiên trước đó. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, chỉ số DXY đã tăng tới 3,5%.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc của AFA Capital nhận định, tỷ giá đã trở thành mối quan tâm trong 2 tuần trở lại đây và chỉ số DXY đang ở một mức rất căng thẳng đối với tỷ giá của Việt Nam.

“Trước đó, nhiều nhận định cho rằng lần hạ lãi suất đầu tiên trong năm 2024 của Mỹ đồng nghĩa với điều lo lắng nhất đã qua, tỷ giá sẽ dần ổn định và lãi suất trong nước có thể sẽ giảm thêm để hỗ trợ cho nền kinh tế. Thế nhưng, rõ ràng là còn nhiều điều để bàn và chúng ta phải quan sát tỷ giá trong một ‘bức tranh’ lớn hơn”, ông nói.

screenshot 2024 10 24 191937 1929
Diễn biến tỷ giá trung tâm trong những ngày qua.

Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất trong tháng 9 vừa qua song các quốc gia khác cũng đang hạ lãi suất với tốc độ nhanh hơn và nhiều lần hơn. Đơn cử như khi Fed giảm lãi suất 50 điểm thì từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất tới 3 lần với tổng cộng 110 điểm, đưa lãi suất về mức 3,4%/năm. Nhờ đó, giá trị của đồng bạc xanh, dù đã giảm, vẫn cao hơn so với đồng euro. Điều này tương tự với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Trong khi đó, dù chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là tăng lãi suất nhưng tốc độ tăng lãi suất của BOJ không hề nhanh. Giá trị của yên Nhật so với đồng USD cũng không tăng cao như kỳ vọng trước đó.

“Nói như vậy để thấy rằng, dù Mỹ hạ lãi suất nhưng sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền trong rổ DXY và các đồng tiền khác không hề giảm. Áp lực tỷ giá USD/VND theo đó cũng vẫn sẽ là vấn đề”, Tổng Giám đốc AFA Capital nói.

Bổ sung thêm, cán bộ ban vốn tại một ngân hàng TMCP nhà nước cho biết: “Nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp tăng mạnh do nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho mùa sản xuất cuối năm và việc Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh mua USD để trả nợ nước ngoài cũng là những lý do khiến tỷ giá USD/VND dậy sóng”.

Theo thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 10, Kho bạc Nhà nước đã có 4 đợt mua ngoại tệ với tổng cộng 700 triệu USD. Còn từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước có 7 đợt mua USD từ các ngân hàng thương mại với tổng khối lượng thông báo mua lên tới 1,05 tỷ USD.

Tỷ giá ‘nóng’ đến bao giờ?

Nhận định về hướng đi của tỷ giá trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng áp lực tỷ giá USD/VND sẽ là vấn đề mà Việt Nam phải đối diện trong dài hạn. Thêm vào đó, khi tỷ giá còn đang chịu nhiều áp lực thì lãi suất cũng sẽ khó có thể giảm thêm.

“Vấn đề là tỷ giá USD/VND vẫn đang phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như châu Âu, Nhật Bản hay Anh. Ngoài ra, tốc độ hạ lãi suất rất nhanh của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng là yếu tố cần phải lưu ý.

Theo phân tích của các ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới, ở thời điểm hiện tại, xác suất để xảy ra kịch bản kinh tế Mỹ suy thoái chỉ còn khoảng 25%. Kịch bản kinh tế Mỹ suy thoái đẩy nhanh tốc độ hạ lãi suất của Mỹ khó có thể xảy ra. Áp lực tỷ giá do đó sẽ không chỉ diễn ra trong ngắn hạn”, ông Tuấn phân tích.

ty gia 1930
Có ý kiến cho rằng áp lực tỷ giá sẽ còn hiện hữu trong nửa đầu quý IV/2024.

Trong khi đó, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định áp lực tỷ giá vẫn sẽ còn hiện hữu trong nửa đầu quý IV do xu hướng hồi của đồng bạc xanh và động thái mua USD của Kho bạc Nhà nước. Trong một kịch bản không mấy tích cực, tỷ giá USD/VND có khả năng sẽ vượt ngưỡng 25.350 đồng, ông nói.

Các chuyên gia của Chứng khoán Maybank (MSVN) lại cho rằng, áp lực tỷ giá sẽ không kéo dài. “Tỷ giá tăng trở lại trong ngắn hạn đang có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang phải thử thách vùng nhạy cảm 1.300 điểm – khu vực đỉnh của năm. Tuy nhiên với việc Fed đã bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất, chúng tôi cho rằng áp lực tỷ giá lần này sẽ không kéo dài. Chúng tôi tin vào kịch bản đồng VND sớm ổn định so với USD trong thời gian tới và NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, các chuyên gia MSVN nhận định.

Về phía nhà điều hành, khi tỷ giá tăng, NHNN đã ngay lập tức có những động thái “phản hồi”. Cụ thể, NHNN đã hút tiền trở lại thông qua phát hành tín phiếu sau khoảng 5 tháng tạm dừng nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất USD/VND và ổn định tỷ giá. Chỉ trong hai phiên 18/10 và 21/10, NHNN đã hút ròng 34.000 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, từ ngày 24/10, NHNN bán thêm USD bằng hình thức giao ngay với mức giá 25.450 VND/USD nhằm kìm hãm sự tăng vọt của tỷ giá. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, với sự kết hợp giữa việc bán USD và phát hành tín phiếu, NHNN sẽ kiểm soát thanh khoản, từ đó ổn định tỷ giá.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin