(VNF) – Đây là xu thế hội nhập thương mại được Bộ Công Thương nhấn mạnh trong báo cáo Quốc hội về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại Kỳ họp trước.
Bộ Công Thương đánh giá, kết quả tận dụng cơ hội từ các Hiệp định FTA đạt tích cực. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được hưởng cam kết xoá bỏ hay cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định FTA đạt trên 86 tỷ USD, chiếm 37,35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 230,5 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA, tăng 9,2% so với năm 2022.
Nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, Bộ Công Thương cho biết Bộ đã triển khai các giải pháp như:
Đa dạng hoá hình thức tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, trong đó ứng dụng môi trường Internet và các mạng xã hội.
Phối hợp với các đơn vị liên quan, các tỉnh thành phố tổ chức các Hội thảo phổ biến cách thức tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định FTA, trong đó làm rõ về các yêu cầu đảm bảo xuất xứ hàng hoá để được hưởng thuế quan ưu đãi.
Phát hành các ấn phẩm hướng dẫn tận dụng cơ hội từ các Hiệp định; thường xuyên cập nhật thông tin trên Cổng Thông tin FTA của Bộ Công Thương.
Triển khai vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử. Từ ngày 1/1/2024, Việt Nam đã thực hiện việc cấp C/O điện tử cho doanh nghiệp bao gồm các mẫu C/O: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), Việt Nam đã thực hiện việc truyền dữ liệu C/O điện tử.
Rà soát, điều chỉnh phù hợp quy trình cấp C/O ưu đãi nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khi làm thủ tục đề nghị cấp C/O.
Kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá qua công văn trả lời, thư điện tử, các buổi đào tạo, tập huấn, toạ đàm trực tiếp…
Tổ chức hội nghị với các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, thông qua các Hiệp hội để hướng dẫn, tuyên truyền cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thực hiện đúng quy định về xuất xứ hàng hóa; tận dụng ưu đãi thuế quan; phòng tránh, ngăn chặn hành vi chuyển tải hàng hóa, gian lận thương mại.
Tiếp tục triển khai đàm phán, ký kết các liên kết kinh tế mới, các cơ chế hợp tác song phương và đa phương với các nước, các khu vực còn tiềm năng để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Đồng thời, Bộ luôn chú trọng đến công tác nâng cấp các FTA đã ký, qua đó duy trì, củng cố và phát triển hơn nữa vị thế tại các thị trường truyền thống.