Phương pháp tự chủ tài chính của cô gái khuyết tật

Mắc hai bệnh mạn tính và khó khăn khi đi lại, Britt Dorton vẫn tự chủ tài chính từ năm 19 tuổi với mức lương 33.000 USD mỗi năm.

Britt Dorton – 25 tuổi, là người rất tỉ mỉ về tài chính cá nhân. Cô có nhiều bảng tính để ghi lại thu nhập, hóa đơn, mục tiêu tài chính và cảm thấy thoải mái khi biết mọi đồng tiền thu chi đều được hạch toán.

Với Dorton, lập kế hoạch trước về mặt tài chính là một phần quan trọng trong cuộc sống của cô kể từ khi bản thân bị chẩn đoán mắc hai căn bệnh mạn tính ở tuổi thiếu niên. Dorton sống chung với hội chứng Ehlers-Danlos – chứng rối loạn thoái hóa di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết và hội chứng đau cục bộ phức hợp (CRPS) – chứng rối loạn đau dây thần kinh mạn tính.

Các triệu chứng của Dorton không phải lúc nào cũng rõ ràng. Với Ehlers-Danlos, cô có thể bị đau, trật khớp và thậm chí đứt dây chằng do các hoạt động đơn giản như ngồi hoặc đứng quá lâu. Với CRPS, cô có cảm giác nóng rát liên tục ở chân trái. Trên thang 10 điểm, mỗi lần bị đau, Dorton phải chịu ở mức 7-8. Cô đã mất một năm để trải qua ba cuộc phẫu thuật và vật lý trị liệu hằng ngày.

“Tình trạng sức khỏe của tôi ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả tài chính. Trừ khi phải sống với một căn bệnh mạn tính, tôi không nghĩ rằng nhiều người có thể hiểu việc mang bệnh hoặc bị tàn tật tốn kém như thế nào”, Dorton chia sẻ.

Mỗi năm, cô gái 25 tuổi tốn vài nghìn USD cho chi phí tái khám, thuốc men, nằm viện… Đó là chưa kể rất nhiều chi phí khác như vật lý trị liệu, niềng răng, giày chỉnh hình để ngăn ngừa trật khớp, thiết bị hỗ trợ khác. Vì thế, cô luôn cố gắng cân bằng giữa chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí sinh hoạt với mức lương 33.000 USD một năm ở Chicago (Mỹ) và kế hoạch theo học trường luật.

Britt Dorton đang sống tự lập tại Chicago (Mỹ) với mức lương 33.000 USD một năm. Ảnh: CNBC

Britt Dorton đang sống tự lập tại Chicago (Mỹ) với mức lương 33.000 USD một năm. Ảnh: CNBC

Dorton tốt nghiệp Đại học Chicago năm 2020 và bắt đầu làm việc cho một văn phòng luật. Trong mùa hè, cô nghỉ việc và làm bán thời gian tại một công ty pháp lý khác để có thể tập trung vào việc học LSAT (Bài thi Tuyển sinh Trường Luật – một bài kiểm tra tiêu chuẩn dành cho các ứng viên trường luật tương lai). Sau khi tham gia kỳ thi tuyển sinh vào tháng 10, cô chuyển sang làm việc toàn thời gian cho công ty.

Cô cũng kiếm được 1.200 USD mỗi tháng thông qua các công việc phụ, bao gồm làm công việc tự do trên mạng xã hội cho một luật sư, kiểm duyệt nội dung cho một cuốn tiểu thuyết về bệnh và khuyết tật mạn tính, đồng thời chạy quảng cáo trên các nền tảng truyền thông xã hội cá nhân.

Học tập chiếm một phần lớn trong ngân sách của Dorton. Cô đã chi gần 3.000 USD cho các khóa học dự bị, lấy LSAT và lệ phí nộp đơn vào trường luật trước khi học. Sau đó, học phí ước tính mỗi năm sẽ ở mức 200.000 USD. Cô hy vọng sẽ trang trải được bằng học bổng, trợ cấp và các hình thức hỗ trợ tài chính khác. Nếu không có được những hỗ trợ này, cô mới tính đến khoản vay cho sinh viên.

Tốn kém là thế nhưng Dorton không mong kiếm được nhiều tiền khi trở thành luật sư. Cô muốn làm công việc này vì lợi ích chung cho người khuyết tật và quyền của tù nhân. “Là một người bị bệnh mạn tính, làm việc cho cộng đồng và ủng hộ công lý cho người khuyết tật là điều thực sự quan trọng đối với tôi”, cố khẳng định.

Với mức lương 33.000 USD mỗi năm và sống ở Chicago, Dorton phải nghiêm khắc với ngân sách bản thân. Chi phí lớn nhất của cô là hơn 1.000 USD để thuê phòng trọ sống một mình. Cô cho rằng điều này xứng đáng cho sức khỏe vì sống với bạn cùng phòng trong thời gian dịch bệnh rất nguy hiểm với một người có nguy cơ cao như cô. Dorton phải chọn ở trong một tòa nhà có thang máy để dễ dàng di chuyển.

Đổi lại, Dorton cắt giảm các khoản chi tiêu khác trong thời gian xảy ra đại dịch bằng cách nấu ăn ở nhà và đi bộ thay vì tham gia phương tiện công cộng hoặc đi chung xe. Mỗi tháng, cô tiết kiệm 10% lương vào quỹ mua nhà. Quỹ này được lập từ khi cô lần đầu học đại học và hiện đã tích gần 15.000 USD.

Về chi phí y tế, cô chi 300-500 USD mỗi tháng cho khoản này, trong đó 60-150 USD là tiền thuốc men. Một năm, cô phải tái khảm, tiêm cột sống 3-4 lần để kiểm soát cơn đau, chi phí vào khoảng 1.200 USD mỗi lần. Đôi khi, cô còn phải nằm viện khẩn cấp và tốn 300 USD mỗi lần như thế.

Cũng vì bệnh tật, cô hiện mắc nợ 2.500 USD với số tiền cần trả mỗi tháng khoảng 150 USD. Ngoài ra, Dorton cũng có 6.000 USD nợ sinh viên khi học cử nhân trước đó.

Bất chấp những khoản chi lớn định kỳ, Dorton vẫn cân bằng giữa kỷ luật và linh hoạt. Cô luôn dành chỗ trong ngân sách của mình cho những sở thích như nướng bánh, vẽ tranh và du ngoạn với bạn bè. Cô nói: “Nếu việc sống chung với căn bệnh mạn tính đã dạy cho tôi điều gì, thì đó là cuộc sống rất khó đoán và điều quan trọng là hãy tận hưởng nó khi bạn có thể”.

Từ khi hoàn thành bậc trung học, Dorton phải tự lo liệu tài chính cá nhân. Cha mẹ không mở tài khoản tiết kiệm đại học cho cô, vì vậy cô phải cố gắng kiếm học bổng, hỗ trợ tài chính và công việc bán thời gian để trang trải. Cha mẹ luôn muốn hỗ trợ cô nhưng họ không thể làm gì ngoài việc giúp Dorton trả phí bảo hiểm.

Năm 19 tuổi, Dorton đã là một “chuyên gia” giải mã kế hoạch bảo hiểm và hóa đơn viện phí. Có những đêm, cô phải tự xem xét liệu cơn đau của mình có đủ nặng để phải đến phòng cấp cứu hay không, và nếu vậy, cô sẽ phải cắt khoản nào trong ngân sách để có đủ tiền chi trả. Những ngày nhập viện, bạn bè và người thân chỉ có thể hỗ trợ Dorton bằng cách gửi tin nhắn động viên hoặc ở lại bệnh viện với cô. “Điều đó có ý nghĩa rất lớn với tôi khi biết rằng mọi người luôn ở bên”, cô chia sẻ.

Mục tiêu tài chính ngắn hạn của Dorton là có đủ tiền tiết kiệm để trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian học luật. Cô muốn tốt nghiệp với số nợ sinh viên ít nhất có thể và sẽ sớm trả hết. Cô ấy không mong đợi một mức lương lớn sau khi tốt nghiệp. “Đó là công việc mà tôi rất tâm huyết, vận động cho cộng đồng mà tôi quan tâm, vì vậy tôi đã chuẩn bị tinh thần điều đó có thể sẽ là một gánh nặng tài chính cho mình”, Dorton nói.

Trong tương lai, cô hy vọng sẽ tham gia thị trường đầu tư, tiết kiệm để nghỉ hưu và thường xuyên đóng góp từ thiện. Dorton chưa bao giờ muốn có một lối sống hào nhoáng và coi các mục tiêu dài hạn của mình rất đơn giản. “Đối với tôi, thành công tài chính là sự ổn định và có được sự an toàn”, cô chia sẻ.

Tất Đạt (theo CNBC)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin