Chúng ta đang đối mặt với rủi ro suy thoái toàn cầu khi nửa đầu năm sắp qua đi. Do đó, các dữ liệu kinh tế và những cuộc thảo luận của các ngân hàng trung ương ở thời điểm hiện tại sẽ được các nhà phân tích và nhà đầu theo theo dõi kỹ lưỡng hơn bình thường.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ tổ chức một diễn đàn ở Bồ Đào Nha, trong khi một cuộc khảo sát về hoạt động kinh doanh của Trung Quốc một chỉ báo lạm phát ở Mỹ – được thị trường theo dõi chặt chẽ – sẽ nằm trong số những dữ liệu nổi bật trong tuần này. Và lần đầu tiên sau một thế kỷ, Nga có thể xác nhận đã ở trong tình trạng vỡ nợ đối với các trái phiếu chính phủ của các chủ nợ nước ngoài.
1 / Một nửa của “bức tranh 2022”
Sáu tháng kéo dài với việc tăng lãi suất, bất ổn trên thị trường và một cuộc xung đột làm gia tăng mạnh lạm phát đang dần qua đi, nhường chỗ cho nửa năm tiếp theo với… những điều tương tự.
Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm có thể chứa đựng những bước ngoặt, trên hết là lạm phát có thể lên mức đỉnh điểm, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và giá dầu giảm.
Các tín hiệu suy thoái kinh tế liệu có thể kiềm chế sự “diều hâu” của ngân hàng trung ương hay không? Thị trường đã kỳ vọng lãi suất của Mỹ sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm nay, lên mức 3,25% – 3,5%, và lãi suất của khu vực đồng euro (Eurozone) tăng từ -0,5% lên 0,75%.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán – đã liên tục sụt giảm trong năm nay, có thể có chút thời gian để “nghỉ ngơi”. Theo Goldman Sachs, lịch sử cho thấy cổ phiếu thường giảm khi lạm phát lên đến đỉnh điểm, sau đó sẽ phục hồi.
Nhưng điều đó cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, dự báo Mỹ và Châu Âu vẫn có mức tăng trưởng thu nhập hai con số trong năm 2022.
Ngoài ra, hãy xem Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ, những ngân hàng trung ương đang đứng tách biệt với một “rừng” các đồng nghiệp với thái độ rất “diều hâu” – những nhân tố có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Các ngân hàng trung ương lớn đang đồng loạt tăng tỷ lệ lãi suất.
2 / Các diễn đàn quan trọng
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có Jackson Hole, còn ECB có Sintra – diễn đàn ngân hàng trung ương của chính họ ở chân núi Sintra của Bồ Đào Nha.
Trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ thứ Hai (27/6), sẽ là khoảng thời gian đặc biệt “thú vị”, khi các nhà hoạch định chính sách luận bàn trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ và lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sắp xảy ra.
Vì vậy, hãy lắng nghe thật kỹ những gì Chủ tịch ECB Christine Lagarde, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey phát biểu tại diễn đàn. Các ý kiến của ECB cũng sẽ được xem xét bởi có thể có thông tin giúp các nhà phân tích và các nhà giao dịch tìm ra chi tiết về đến kế hoạch đối với công cụ chống phân mảnh.
Riêng thứ Sáu, ngày 1 tháng 7, sẽ có những dữ liệu mới nhất về lạm phát của khu vực đồng euro, từ đó có thể xác định liệu ECB có thực hiện các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn hay không, sau khi lãi suất dự kiến sẽ được tăng thêm 1/4 điểm trong tháng 7.
Lạm phát giá tiêu dùng ở Anh, Mỹ và Eurozone.
3 / Những căng thẳng vẫn tiếp diễn
Bốn tháng kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu, căng thẳng giữa Moscow và phương Tây đang gia tăng trở lại. Các nhà lãnh đạo EU đã chính thức chấp nhận Ukraine là ứng cử viên gia nhập khối, một động thái địa chính trị táo bạo được kích hoạt bởi việc Nga thực hiện “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine.
Trong khi đó, dòng khí đốt của Nga đến châu Âu qua Ukraine và đường ống Nord Stream 1 đã giảm xuống sau khi châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Hàng chục quốc gia EU bị ảnh hưởng bởi điều này, và Đức đã kích hoạt “giai đoạn báo động” về kế hoạch khí đốt khẩn cấp của mình.
Thêm vào những lo ngại trên là sự bế tắc đối với khu vực Kaliningrad của Nga, làm dấy lên những cảnh báo mới từ Moscow đối với các nước thành viên EU ở vùng Baltic.
Và Nga có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ chính phủ khi thời gian ân hạn trả lãi cho các trái phiếu quốc tế của họ hết. Đây có thể là vụ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài lớn nhất của nước này trong vòng hơn một thế kỷ.
Con đường rơi vào tình trạng vỡ nợ của Nga.
4 / Hàng loạt các dữ liệu quan trọng
Chủ tịch Fed Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ không cố gắng tạo ra một cuộc suy thoái nhưng cam kết sẽ kiềm chế áp lực giá cả ngay cả khi có nguy cơ suy thoái.
Một loạt dữ liệu sắp tới sẽ cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phản ứng như thế nào trước thái độ “diều hâu” của Fed – đã nâng lãi suất thêm 150 điểm cơ bản trong năm nay, bao gồm cả đợt tăng 75 điểm trong tháng này.
Những dữ liệu nổi bật bao gồm: Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng Sáu, công bố vào thứ Ba 28/6) – các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của Reuters dự kiến sẽ giảm xuống 100 từ mức106,4 trong tháng Năm; doanh số bán nhà, công bố vào thứ Hai (27/6) và chỉ số giá nhà Case-Shiller, công bố vào thứ Ba (28/6). Các dữ liệu này sẽ cho thấy lãi suất thế chấp đang tăng cao đến mức nào.
Ngoài ra, chỉ số giá chi tiêu cá nhân của tháng 5 – một chỉ số lạm phát được Fed theo dõi – sẽ được công bố vào thứ Năm (30/6).
Niềm tin tiêu dùng của Mỹ.
5 / Những tia hy vọng
Các số liệu về hoạt động nhà máy của Trung Quốc trong tháng 6 sẽ được công bố vào thứ Năm (30/6) có thể mang lại một tia hy vọng cho các thị trường tài chính đang lao dốc.
Việc Trung Quốc thực hiện những đợt phong tỏa chặt chẽ với chủ trương Zero Covid và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đang tác động lên thị trường hàng hóa, đẩy giá đồng trên sàn Thượng Hải giảm gần 10% chỉ trong vòng 2 tuần; giá quặng sắt cũng đang “trượt” dài và cổ phiếu của các công ty khai thác quặng ở Australia đã mất đi toàn bộ mức tăng của năm nay.
Sự u ám đó có thể sẽ khiến nhiều người bị tổn thương. Tuy nhiên, các đợt phong tỏa đã giảm bớt và nếu dữ liệu cho thấy động lực kinh tế đủ mạnh để đẩy sản lượng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này vào vùng tăng trưởng thì đó sẽ là tín hiện đáng mừng cho nền kinh tế và cho những ai coi chứng khoán Trung Quốc là nơi trú ẩn để lẩn tránh khỏi lo ngại về lạm phát đình trệ đang bao trùm phương Tây.
Hoạt động của các nhà máy Trung Quốc đã gần chạm “đáy”.
Tham khảo: Refinitiv