Lối sống ‘hà tiện’ của TikToker kiếm 120.000 USD mỗi năm

Châu Vỹ – chàng trai đa tài ở Đài Loan – sở hữu kênh TikTok riêng, thu về 120.000 USD mỗi năm nhưng anh chi tiêu rất tiết kiệm để dành thu nhập đầu tư tiền số.

Thanh niên 31 tuổi này từng là hậu vệ bóng rổ chuyên nghiệp ở Đài Loan. Thi đấu từ năm 12 tuổi, vào lúc đỉnh cao sự nghiệp, anh kiếm được từ 2.000-3.000 USD một tháng. Theo thời gian, mức lương thấp và công việc mệt mỏi bắt đầu khiến anh sa sút. Năm 2016, anh quyết định giải nghệ.

Bước đi tiếp theo của Vỹ là thành lập một công ty – điều luôn nằm trong tâm trí của anh khi còn là một đứa trẻ. Năm 2016, anh đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp về công nghệ không dây ở Đài Loan, hiện đã bắt đầu mở rộng thị trường ở Mỹ.

Nhưng mọi người biết đến Châu Vỹ chủ yếu với tư cách là người sáng tạo nội dung trên TikTok. Kênh cá nhân của anh có lượng khán giả trung thành lớn với hơn 1,7 triệu người theo dõi chỉ trong một năm.

Châu Vỹ trước hết coi mình là một doanh nhân, nhưng thành công trên mạng xã hội của anh vẫn tạo ra khoản thu nhập rất lớn. Cựu cầu thủ đã thu về nhiều hợp đồng hợp tác thương hiệu, kiếm cho mình và vợ Sharon – người đóng vai khách mời trong các video của anh – khoảng 120.000 USD mỗi năm.

Châu Vỹ vẫn mặc bộ đồ của đội bóng rổ mình tham gia lúc đại học. Ảnh: CNBC

Châu Vỹ vẫn mặc bộ đồ của đội bóng rổ mình tham gia lúc đại học. Ảnh: CNBC

Tài khoản TikTok của Vỹ được xây dựng rất thành công vào năm ngoái sau khi anh tạo một loạt video chế nhạo bản thân và sự tiết kiệm của mình. Anh từng bị bạn bè gọi là “đồ hà tiện” nhưng bản thân Vỹ coi biệt danh đó như một huy hiệu danh dự.

“Có nhiều tiêu cực xung quanh từ này. Nhưng ‘hà tiện’ đối với tôi luôn có nghĩa là bạn phải thông minh với số tiền của mình và không mua những thứ không cần thiết”, anh chia sẻ.

Vỹ chưa bao giờ mua đồ hiệu. Anh chỉ mua những gì có giá trị sử dụng và gần như không bao giờ chi một khoản tiền lớn “chỉ cho một chiếc logo”.

Là chủ doanh nghiệp nhưng anh không nhận lương từ công ty của mình. Thay vào đó, anh nhận được khoản tiền thưởng dưới dạng cổ phần. Vỹ vẫn là người chi trả toàn bộ phí sinh hoạt cho bản thân và vợ. Sharon có một công việc hưởng lương toàn thời gian nhưng phần lớn thu nhập, cô gửi về gia đình ở Đài Loan.

Ngoài việc sống không tốn tiền thuê trong ngôi nhà mà mẹ Châu Vỹ đã mua từ khi anh còn thời trung học, hai vợ chồng cũng có chi phí sinh hoạt rất thấp. Người đàn ông 31 tuổi không thể nhớ lần cuối cùng anh mua quần áo là khi nào. Anh chủ yếu mặc đồ của đội bóng rổ mà anh nhận được khi còn là một vận động viên. Gần đây, người quản lý đội bóng rổ cũ đã liên hệ với Châu Vỹ sau khi nhận ra anh trên mạng xã hội. Người này tặng áo sơ mi và áo khoác ngoài của đội bóng, giúp anh tiết kiệm thêm một khoản tiền đáng kể.

Mặc dù có thể sạc pin cho chiếc Tesla của mình ở nhà, Vỹ vẫn lái xe đến một trạm sạc miễn phí cách nhà hơn 1,6 km. Vì quá trình sạc có thể kéo dài tới 12 giờ, anh cất chiếc tay ga vào cốp xe ôtô, rồi dùng nó để quay về nhà trong thời gian chờ đợi sạc pin.

Để khuyến khích tinh thần tiết kiệm, Châu Vỹ in và dán biểu đồ về giá điện địa phương trên tủ lạnh, trong gara và phía trên máy sấy. Việc này giúp mọi thành viên trong nhà biết khi nào nên tránh sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng.

Biểu đồ giá điện được Châu Vỹ dán trên tủ lạnh trong nhà. Ảnh: CNBC

Biểu đồ giá điện được Châu Vỹ dán trên tủ lạnh trong nhà. Ảnh: CNBC

Ăn uống là thứ mà Vỹ sẵn sàng trả tiền. Anh tốn 900 USD mỗi tháng để đi ăn ngoài và đặt hàng giao tận nơi. “Chúng tôi không tiết kiệm khi đi ăn ở ngoài”, anh cho biết đây là khoản ngoại lệ duy nhất.

Về đầu tư, Châu Vỹ là một người rất tin tưởng vào tiền số. Anh đã chọn đặt phần lớn thu nhập vào Bitcoin và Ether thay vì các kênh đầu tư truyền thống. Anh mua tiền số trị giá khoảng 5.000 USD mỗi tháng và gửi thêm 2.000 USD nữa vào tài khoản tiết kiệm thông thường.

Các chuyên gia tài chính thường khuyên, nên đa dạng hóa danh mục đầu tư và chỉ phân bổ một tỷ lệ nhỏ cho tiền số, nếu có. Châu Vỹ làm ngược lại. “Lý do là tôi nghĩ rằng, tôi bị ‘tẩy não’ hoàn toàn bởi cộng đồng ở Thung lũng Silicon”, Vỹ nói. Anh chịu ảnh hưởng từ những đồng nghiệp luôn rỉ tai nhau rằng, tiền số sẽ phát triển mạnh. Bản thân anh theo dõi thị trường và cũng cho rằng kênh đầu tư này đang phát triển tốt và không có điều gì phải phàn nàn.

“Tôi tham gia vào thị trường tiền số trong dài hạn và có kế hoạch đầu tư trong 10 năm”, anh nói.

Trong công việc, Châu Vỹ là người có khả năng đa tác vụ cao. Anh lên công ty mỗi ngày và ít khi về sớm, nhưng vẫn sắp xếp đủ thời gian để đầu tư cho kênh TikTok. Hiện tại, anh đang trong quá trình xây dựng kênh YouTube và hy vọng sẽ phát triển một bộ phim hài dài tập lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật của bản thân.

“Tôi nghĩ điều duy nhất cần làm là phát huy khiếu hài hước độc đáo của mình và giới thiệu những nội dung mà người xem luôn thích thú. Chúng tôi không quá bị cuốn vào thành tích. Bất cứ điều gì xảy ra một cách tự nhiên đều tuyệt vời”, anh đưa ra quan điểm về nghề sáng tạo nội dung.

Châu Vỹ cũng có một thách thức mới sắp xảy ra trong nửa đầu năm sau: anh sẽ làm cha. Người đàn ông này chưa hình dung được cuộc sống khi có con với lối “hà tiện” của mình sẽ như thế nào. Nhưng anh cho biết sẽ linh hoạt điều chỉnh để gia đình luôn cảm thấy hạnh phúc.

Tất Đạt (theo CNBC)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin