Theo đại diện Hội đồng Vàng Thế giới, các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam ngày càng thích mạo hiểm nhưng không có nghĩa bớt hứng thú với vàng.
Báo cáo “Xu hướng nhu cầu vàng quý III năm 2021” do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) gần đây cho biết, tiêu thụ vàng của người tiêu dùng Việt Nam giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ vàng trang sức lẫn vàng miếng và xu vàng đều làm một nửa, lần lượt còn một tấn và 2 tấn.
Theo ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng Thế giới, nguyên nhân chủ yếu chỉ là giãn cách xã hội khiến nhu cầu mua vàng bị ảnh hưởng. Do vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát, vị chuyên gia dự báo nhu cầu tiêu thụ vàng sẽ tăng trở lại.
“Ở thị trường này, nhu cầu vàng trang sức, vàng của nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn duy trì và tăng lên khi tình hình Covid-19 đã được kiểm soát, tỷ lệ tiêm chủng tăng lên và GDP trong nước ổn định hơn”, ông nói.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, sức hút của các kênh đầu tư khác đang được xem là hấp dẫn hơn vàng. Ở kênh chứng khoán, tuần qua VN-Index có chuỗi tăng liên tiếp 4 phiên, khép lại phiên ngày thứ Sáu (29/10) với kỷ lục mới lên 1.444,27 điểm.
Trong khi đó, ở kênh tiền kỹ thuật số, các đồng tiền số đang có một tháng phong độ cao. Giá Bitcoin đã tăng gần 20.000 USD trong tháng qua, hiện giao dịch quanh mốc 62.000 USD so với 43.000 hồi 1/10.
“Gần đây, các nhà đầu tư Việt Nam cũng như quốc tế có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các tài sản có tính rủi ro cao. Nhưng không có nghĩa, họ hết hứng thú với vàng”, ông Andrew Naylor nêu quan điểm.
Vị chuyên gia này phân tích, tiền kỹ thuật số và vàng là hai loại tài sản, hai kênh đầu tư hoàn toàn khác nhau nên nhu cầu đầu tư cũng khác nhau. Tiền số là một kênh khá mạo hiểm và rủi ro, nhưng vì mới mẻ nên thu hút nhiều nhà đầu tư ưa mạo hiểm.
Còn vàng thì khác, với nhu cầu đa dạng hơn. Vàng dùng làm trang sức, ứng dụng trong ngành công nghệ và dự trữ cho các ngân hàng trung ương. Vì vậy, vàng luôn được đưa vào danh mục của các nhà đầu tư để cân bằng mức độ an toàn, cũng như đa dạng hoá danh mục đầu tư.
“Do vậy, khi các nhà đầu tư có nguy cơ gặp rủi ro thì họ cũng có nhu cầu cân bằng rủi ro đó bằng những tài sản đảm bảo có tính an toàn hơn như vàng. Do vậy, họ sẽ cân bằng danh mục đầu tư của mình, bằng cả vàng và tiền số”, ông nói.
Không chỉ có kênh chứng khoán và tiền số, kênh truyền thống hơn như bất động sản cũng vẫn được xem là còn hấp dẫn dù có chậm lại vì Covid-19. Khảo sát của VnExpress từng cho thấy, kể từ khi Covid-19 bùng phát đợt đầu tiên tại Việt Nam vào cuối quý I/2020 đến đợt dịch lần thứ tư, giá chào bán nhà đất vẫn tăng đều trên thị trường sơ cấp.
Ngay cả giai đoạn phong tỏa, giãn cách, mức tăng bình quân của giá chào bán nhà chung cư và bất động sản liền thổ (đất nền, nhà phố, biệt thự) tại TP HCM lần lượt ghi nhận 10-15% theo năm.
Với triển vọng ở cả 3 kênh chứng khoán, tiền số và bất động sản, ông Andrew Naylor đánh giá điểm tích cực là các nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam hiện giờ đã có nhiều lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, theo ông, nên hiểu rằng các kênh đầu tư như tiền số hay chứng khoán có tính biến động cao, còn bất động sản và vàng là tài sản hữu hình, so với hai kênh kia có phần nào vô hình một chút.
Bất động sản khác vàng ở tính thanh khoản thấp hơn. Vì vàng vừa là tài sản hữu hình, vừa có tính thanh khoản mạnh, và là mặt hàng thiết yếu khi dùng nhiều trong các linh kiện điện tử viễn thông.
“Tôi khuyên nên cân bằng các danh mục đầu tư, bao gồm các sản phẩm đầu tư có rủi ro cao, rủi ro thấp và không có rủi ro, những sản phẩm không có tính bảo chứng và bảo chứng cao. Và như vậy, rủi ro và lợi nhuận sẽ được đảm bảo đều đặn”, ông nói.
Trả lời VnExpress về kinh nghiệm dành cho các nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh đang có nhiều kênh triển vọng, ông Andrew Naylor khuyến nghị nên theo phương châm “từng khoản nhỏ và đều đặn”, tức là nên đầu tư hàng tháng.
“Mỗi tháng, chúng ta dành một khoản nhất định để đầu tư vào một sản phẩm. Nên đầu tư đều và nhỏ giọt thay vì lao vào mua ngay ở một mức giá nhất định với khối lượng lớn. Khi mua nhỏ và đều, chúng ta đã chia đều rủi ro cho các tháng và đã ứng dụng được phương pháp cân bằng giá trị đầu tư”, ông gợi ý.
Cùng với đó, để thị trường kinh doanh, đầu tư vàng ở Việt Nam phát triển, vị chuyên gia gợi ý 2 phương diện.
Trên phương diện bán lẻ, ông kỳ vọng sớm có sàn giao dịch điện tử để đầu tư vàng. Ngân hàng thương mại có thể mở kênh này thì có thể dễ dàng thu hút khách hàng để mua vàng và gửi lại ngân hàng.
“Theo nghiên cứu thi trường, người Việt rất quan tâm đến mua vàng online. Họ có thể mua những số vàng nhỏ (nhẫn hay đồng xu vàng nhỏ) đều đặn hàng tháng thay vì ra cửa hàng chính thức mua một lần số lượng lớn. Hướng đi này mang lợi ích cho khách hàng, ngân hàng, nhà vàng, huy động nguồn tiền nhàn rỗi từ họ”, ông phân tích.
Trên phương diện đầu tư, thị trường đầu tư tài chính ở Việt Nam còn khá non trẻ nên cần có thêm những kênh thu hút vốn hơn nữa. Điều quan trọng là các tổ chức đầu tư có thể tham gia đầu tư vàng ETF, vừa có thể mua vàng thực tế và giao dịch lượng vàng họ mua được. Như vậy sẽ tăng tính thanh khoản cho lượng vàng mà họ nắm giữ.
Không chỉ Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ vàng trên toàn thế giới quý vừa qua cũng giảm, với mức 7% so với cùng kỳ 2020 và giảm 13% so với quý II, xuống còn 831 tấn. Tuy nhiên, ông Andrew Naylor đánh giá, trong ngắn hạn lẫn dài hạn, nhu cầu với vàng vẫn tăng lên ở cả tiêu dùng lẫn đầu tư.
“Hiện tại, lãi suất có ảnh hưởng không tốt đến nhu cầu về vàng. Nhưng sớm thôi, khi kinh tế khôi phục, lạm phát ổn định hơn, giá cả các mặt hàng cơ bản được điều chỉnh thì kéo theo nhu cầu của vàng sẽ tăng lên”, ông tỏ ra lạc quan.
Trong tuần qua, thông tin GDP Mỹ quý III thấp hơn kỳ vọng và ECB giữ nguyên lãi suất tạo thuận lợi cho giá vàng, khi các tổ chức đầu tư ở Bắc Mỹ, Nhật Bản và châu Âu có xu hướng mua thêm vàng. Riêng trong ngày 28/10, giá vàng thế giới biến động mạnh, có thời điểm đạt 1.810 USD một ounce, trước khi quay về giao dịch quanh mức 1.783 USD một ounce tối 29/10 (giờ Mỹ).
Tuy nhiên, tiền chảy vào thị trường vàng cũng bị chi phối bởi chứng khoán. Đóng cửa phiên 29/10, chỉ số S&P 500 tăng 0,19%, tiếp tục lập kỷ lục mới với 4.605,38 điểm; chỉ số Nasdaq tăng 0,33% lên 15.498,39 điểm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 0,25% lên 35.819,56 điểm.
Viễn Thông