Hội thảo ngày 5/6 tập trung vào vấn đề bảo vệ người dùng nhằm góp ý xây dựng khung pháp lý tài sản ảo hoàn chỉnh trước thời hạn tháng 5/2025.
Hội thảo với chủ đề “Góp ý xây dựng khung pháp lý VA-VASP: Nhìn từ góc độ bảo vệ người dùng” tổ chức tại Văn phòng Thành ủy TP HCM, ngày 5/6. Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) và các khách mời sẽ thảo luận về khung pháp lý quản lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP).
Hội thảo sẽ thu thập ý kiến của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực tài sản ảo, góp phần xây dựng khung pháp lý VA-VASP phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo lợi ích quốc gia và tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Các chuyên gia tham dự sẽ thảo luận khung pháp lý VA-VASP ở góc độ bảo vệ người dùng và vai trò và sự đóng góp của VASP đối với nền kinh tế.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực VBA cho biết, Hội đồng Đại Tây dương (AC) đánh giá khung pháp lý VA-VASP của một quốc gia theo 4 tiêu chí, gồm thuế, chống rửa tiền – chống tài trợ khủng bố (AML/CFT), bảo vệ người dùng và tiêu chuẩn VASP.
Trong đó, hai tiêu chí là phòng chống rửa tiền và tiêu chuẩn VASP đã được thể hiện tương đối đầy đủ tại kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố. Kế hoạch ban hành theo QĐ 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ. “Tuy nhiên, 2 tiêu chuẩn còn lại để tạo thành một hành lang pháp lý hoàn chỉnh là thuế tài sản mã hóa và bảo vệ người dùng hiện chưa được quan tâm thích đáng”, ông Trung nhấn mạnh.
Tiêu chí bảo vệ người dùng sẽ được mổ xẻ sâu tại hội thảo nhằm kêu gọi và huy động sự tham gia của cộng đồng trong tiến trình góp ý xây dựng khung pháp lý. “Hoạt động này cũng phù hợp với hành động 7 và 8 trong kế hoạch hành động quốc gia về việc kêu gọi sự tham gia của khối tư nhân”, ông Trung nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại đã có 18 văn bản liên quan đến VA-VASP được ban hành, đáng lưu ý nhất là Quyết định số 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu (FATF). Trong đó, các vấn đề trọng tâm liên quan đến quản lý VA – VASP được quy định tại hành động 6 (yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý để cấm hoặc quản lý VA – VASP trước thời điểm tháng 5/2025) và hành động 7 – hành động 8 (yêu cầu phổ biến chính sách ở khu vực tư nhân).
VBA trước đó đã tổ chức 4 hội thảo góp ý về các nội dung phòng chống rửa tiền và chia sẻ kinh nghiệm, bài học quốc tế về quản lý VA-VASP.
Theo nghiên cứu mới nhất của Hội đồng Đại Tây Dương (AC), tính tới tháng 12/2023, có 32 trên 60 quốc gia đã hợp pháp tài sản mã hóa. 10 quốc gia trong nhóm G20, chiếm 50% GDP toàn cầu, đều đã ban hành quy định quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo. Tại Mỹ, khung pháp lý ban hành ở đầy đủ cả 4 tiêu chuẩn kể trên.
Hoài Phương