Tiền số đưa Sam Bankman-Fried thành tỷ phú nhưng cũng đẩy nhà sáng lập FTX vào vòng xoáy tù tội, đối mặt mức án hàng chục năm vào ngày mai.
Hai năm trước, Sam Bankman-Fried (SBF) là một tỷ phú, sống trong căn hộ áp mái trị giá 35 triệu USD ở Bahamas, tiệc tùng cùng bạn bè trong khi điều hành một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới là FTX.
Còn hiện tại, SBF là tù nhân 32 tuổi ở Trung tâm cải tạo Metropolitan, Brooklyn (Mỹ). Tuần này, tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về mức tù giam của SBF vì thực hiện “vụ lừa đảo tài chính lớn bậc nhất nước Mỹ”, theo cách gọi của luật sư Damian Williams. Đầu tháng 3, các công tố viên đã đề nghị mức án cho SBF là 40-50 năm tù.
Ông vua tiền số
Câu chuyện bắt đầu năm 2017 khi Bankman-Fried giao dịch Bitcoin và nhận ra vài điều kỳ lạ về giá trên CoinMarketCap. Thay vì thống nhất ở một mức, SBF phát hiện đôi khi giá Bitcoin trên các sàn chênh lệch đến 60%.
SBF liền mua Bitcoin trên sàn có giá thấp rồi bán lại ở sàn khác với giá cao, đồng thời phát hiện ở giá Bitcoin ở sàn Hàn Quốc và Nhật Bản cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Sau một tháng tham gia thị trường, SBF kiếm được khoản tiền lớn và thành lập công ty Alameda Research, đặt văn phòng đầu tiên tại California (Mỹ). SBF từng tiết lộ với CNBC rằng có ngày kiếm được cả triệu USD nhờ giao dịch Bitcoin.
Sau thành công của Alameda, tháng 4/2019, Sam Bankman-Fried đồng sáng lập FTX. Sàn giao dịch tiền số này nhanh chóng gây tiếng vang và logo công ty bắt đầu phủ kín các trường đua F1 và những trận bóng rổ ở Miami.
Theo thống kê của Bloomberg cuối tháng 3/2022, tài sản của cựu CEO 9x là 25,9 tỷ USD. Trong khi các tỷ phú tiền số khác tập trung kiếm tiền, SBF tham gia vận động các chính sách cởi mở hơn cho tiền số và không giấu tham vọng trong việc “thống trị thị trường tiền mã hóa”.
Khi trên đỉnh cao, hình ảnh của SBF thường xuất hiện trong các biển quảng cáo ngoài trời, như ở Nhà ga Union tại Washington DC. Sam Bankman-Fried cũng tổ chức những buổi tiệc tùng xa hoa tại dinh thự riêng, di chuyển bằng chuyên cơ. Cuộc sống xa hoa và hào nhoáng khiến SBF được ví như “ông vua tiền số” thời đó.
Lâu đài trên cát
Năm 2022, FTX là sàn tiền mã hóa lớn thứ ba thế giới tính theo khối lượng giao dịch, được định giá 32 tỷ USD và là đối thủ đáng gờm của Binance. Khi “mùa đông tiền số” ập đến giữa năm đó, Sam Bankman-Fried được ví như người hùng. Sau cú sập của Luna và TeraUSD, khoảng 15 công ty tiền số liên lạc với SBF để vay tiền, trong đó có BlockFi và Celsius.
Khi đó, SBF nói ông và doanh nghiệp của mình “miễn nhiễm” với mùa đông tiền số. Tuy nhiên, thực tế ở hậu trường, quỹ phòng hộ Alameda được cho là đã dùng tiền của các nhà đầu tư để SBF vung tiền qua cửa sổ. Phần lớn tài sản của FTX được thế chấp bằng token như FTT và Serum, vốn kém thanh khoản.
Tháng 11/2022, CoinDesk dẫn các báo cáo cho thấy tình hình tài chính của FTX và SBF có nhiều lỗ hổng nghiêm trọng. Ngày 7/11, CZ, nhà sáng lập Binance, tuyên bố bán toàn bộ token FTT để quản lý rủi ro sau những bài học kinh nghiệm rút ra từ cú sập Luna. Động thái này lập tức gây chấn động toàn thị trường tiền số và mở đầu sự sụp đổ của FTX chỉ trong 48 giờ.
Ngày 9/11/2022, SBF thông báo tới các nhà đầu tư rằng nếu không được rót tiền, công ty phải nộp đơn phá sản. FTX đối mặt khoản thiếu hụt tới 8 tỷ USD. CEO sinh năm 1992 khi đó tìm cách huy động nguồn tài chính để giải cứu sàn nhưng bất thành. Cùng ngày, Bloomberg đưa tin FTX và Sam Bankman-Fried rơi vào tầm ngắm của cơ quan chức năng. Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) đang điều tra công ty có sử dụng đúng các khoản tiền gửi của khách hàng.
Đến 10/11/2022, tài sản của nhà sáng lập FTX từ 16 tỷ USD giảm xuống dưới một tỷ USD – mức lao dốc lớn nhất từng được ghi nhận. Giá token FTT cũng giảm từ 22 xuống 2,5 USD.
FTX nộp đơn xin phá sản ngày 11/11/2022. Sam Bankman-Fried từ chức CEO và gần như “biến mất” khỏi mạng xã hội. Ngày 12/12/2022, Bankman-Fried bị chính quyền Bahamas bắt giữ và dẫn độ về Mỹ. Hồ sơ từ SEC cho thấy các công tố viên và cơ quan quản lý liên bang cáo buộc Bankman-Fried thực hiện một vụ lừa đảo “ngay từ đầu”. FTX có hơn một triệu chủ nợ, gồm nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Apple, Meta, Netflix, LinkedIn, Adobe, AWS. Trong đó, 50 chủ nợ lớn nhất chiếm số tiền khoảng 3,1 tỷ USD.
Trong phiên xử ngày 2/11/2023 tại Manhattan, 12 vị bồi thẩm đoàn đồng thuận tuyệt đối về việc SBF có tội với cả 7 tội danh nêu trong cáo trạng, gồm: lừa đảo khách hàng, âm mưu lừa đảo khách hàng, lừa đảo người cho vay, âm mưu lừa đảo người cho vay, âm mưu lừa đảo chứng khoán, âm mưu lừa đảo hàng hóa, âm mưu rửa tiền.
Phán quyết về mức án mà Sam Bankman-Fried phải nhận sẽ được tòa án đưa ra ngày mai.
Con đường sụp đổ của đế chế FTX
Khương Nha