Thời kỳ đầu, bệnh sa sút trí tuệ có thể bị nhầm với chứng hay quên ở người già. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng tới trí nhớ mà còn làm thay đổi tính tình của người bệnh.
Ảnh: Pexels. |
Các triệu chứng về tâm lý và hành vi gặp ở bệnh nhân sa sút trí tuệ xuất hiện do tổn thương não gây teo não, tích tụ protein và thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh. Đôi khi những triệu chứng này xuất hiện rồi biến mất, khiến người giám hộ tự hỏi có phải người bệnh đang cố tình hành hạ họ hay không.
Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng các triệu chứng xuất hiện là do đã mắc bệnh. Ngoài ra chứng sa sút trí tuệ não mạch xuất hiện nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn do tổn thương của não bộ, thì đa số các loại trong chứng sa sút trí tuệ, như bệnh Alzheimer, đều phát triển triệu chứng dần dần.
Triệu chứng phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ là suy giảm nhận thức chẳng hạn như sa sút trí tuệ, nhưng các triệu chứng về tâm lý hành vi được đề cập trong cuốn sách này còn quan trọng hơn suy giảm nhận thức và gây gánh nặng cho bệnh nhân và người giám hộ. Khi môi trường thay đổi hoặc tình trạng người bệnh không tốt, các triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn và xuất hiện thường xuyên hơn.
Một ví dụ về triệu chứng kịch tính nhất là phản ứng cực đoan. Phản ứng này thường xuất hiện khi bệnh nhân gặp phải một tình huống lạ lẫm hoặc bất ngờ gặp một điều gì đó khó giải quyết. Lúc này, người bệnh sẽ đột nhiên tức giận, la hét, phản ứng thái quá mang tính thù địch. Vì những phản ứng quá nhạy cảm và sự cố chấp vào những chuyện không đâu của bệnh nhân khiến người giám hộ không tài nào hiểu nổi.
Khi nhìn nhận mọi thứ dưới góc độ của bệnh nhân, bạn sẽ hiểu cảm giác của họ, rõ ràng đây đều là những việc họ làm rất tốt khi còn trẻ, thế nhưng đến khi có tuổi, họ lại cảm thấy sợ hãi và áp lực vì những việc tương tự. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến phản ứng cực đoan như đã nhắc ở trên. Tốt nhất người giám hộ không nên quá khó chịu trước phản ứng này của bệnh nhân và hãy bình tĩnh để xử lý. Đừng thúc ép bệnh nhân quá nhiều hoặc khiến họ mệt mỏi, cũng đừng yêu cầu họ làm nhiều việc cùng một lúc.
Bệnh nhân sa sút trí tuệ cũng thường xuyên thể hiện hành vi hung hăng. Khi không hài lòng điều gì đó, họ sẽ đột nhiên nổi giận, chửi thề, thậm chí đánh người khác hoặc ném đồ lung tung. Trong quan điểm của bệnh nhân có lẽ họ có lý do riêng của mình. Những hành động này thường xảy ra do khả năng hiểu và diễn đạt của bệnh nhân bị suy giảm.
Ngoài ra bệnh nhân có thể đi lang thang đây đó, lén lút giấu tiền hoặc đồ vật, hay lục lọi. Có trường hợp những người trước đây từng rất lịch thiệp giờ lại làm những hành động mang tính tình dục không phù hợp hoặc những trò đùa tình dục quá khích. Những người không như thế thì thường lặp đi lặp lại các câu hỏi, hành động giống nhau và có thể biến thành một người cộc cằn, thô lỗ.
Khi mắc phải chứng sa sút trí tuệ, việc thay đổi tâm trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Các triệu chứng trầm cảm, lo âu, thờ ơ, bất lực, cáu kỉnh, nghi ngờ ngày càng gia tăng, trường hợp nặng có thể xuất hiện các triệu chứng ảo giác như hoang tưởng ảo giác, ảo giác thính giác, ảo giác thị giác.
Các vấn đề tâm lý và hành vi như kể trên xuất hiện đa dạng ở các bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ khiến người giám hộ rất khổ sở và chịu nhiều gánh nặng. Những vấn đề này có nhiều nguyên nhân khác nhau, nên chúng ta cần tiếp cận chúng một cách cẩn thận, nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn, thay đổi lại môi trường và cho bệnh nhân dùng thuốc theo đơn.
Tuy nhiên, chúng ta nên xem xét các phương pháp điều trị không dùng thuốc thay vì điều trị bằng thuốc. Trong trường hợp điều trị bằng thuốc, nếu chỉ đơn giản sử dụng thuốc cải thiện chức năng nhận thức cho khả năng ghi nhớ được tốt hơn, thì hiệu quả sẽ không khá hơn, và có nhiều trường hợp phải kê đơn thuốc theo triệu chứng như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu, thuốc an thần và thuốc chống loạn thần.
Bệnh nhân sa sút trí tuệ không chỉ bị sa sút trí tuệ mà còn mắc nhiều bệnh lý kèm theo như bệnh tim, bệnh hô hấp, bệnh Parkinson nên phải cẩn thận với tác động tương hỗ của thuốc.