Tác động của 400 lá thư tay từ CEO Indra Nooyi không dừng lại ở những nhân viên có liên quan trực tiếp mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến hàng nghìn nhân viên.
CEO của tập đoàn Pepsi Indra Nooyi là nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã biết sử dụng triệt để nghệ thuật tạo ra một câu chuyện truyền cảm hứng để chiếm lấy trái tim hàng ngàn nhân viên.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2006 khi Indra Nooyi mới nhậm chức CEO của Tập đoàn Pepsi, bà quyết định thưởng cho mình một chuyến nghỉ phép về quê nhà ở Ấn Độ. Khi vừa về đến nhà, bà bị choáng ngợp ngay bởi những lời chúc mừng đến từ họ hàng, bà con, chòm xóm và người quen với gia đình liên quan đến cái chức CEO một tập đoàn danh giá.
Nhưng thật ngạc nhiên, tất cả những lời chúc mừng đó không dành cho bà mà chủ yếu cho mẹ của bà, người có công nuôi nấng và dạy dỗ đứa con gái thành danh mà mọi người đang ngưỡng mộ. Điều đó không làm bà phiền lòng hay thất vọng mà ngược lại, bà cảm thấy rất vui vì thấy mẹ mình hạnh phúc.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC. |
Thế là sau chuyến đi đó, lấy nguồn cảm hứng từ những cảm xúc ở quê nhà, CEO của Pepsi bắt đầu viết thư cho cha mẹ tất cả nhân viên đang làm việc và báo cáo trực tiếp với mình, rằng bà muốn cảm ơn họ đã ban tặng cho công ty một món quà rất quý giá, đó là đứa con của họ.
Những bức thư bình dị này được cả nhân viên lẫn đấng sinh thành của họ đón nhận với sự xúc động mạnh mẽ bởi họ chưa bao giờ được ai cảm ơn và ghi nhận theo một cách đặc biệt như vậy.
Tác động của 400 lá thư tay gửi đi hàng năm của CEO Indra Nooyi không dừng lại ở những nhân viên và gia đình có liên quan trực tiếp, mà nó còn lan tỏa một cách mạnh mẽ đến tinh thần làm việc và mức độ hài lòng, sự gắn bó lâu dài của hàng nghìn nhân viên khác đang làm việc trong toàn hệ thống của Pepsi. Nói cách khác, Indra Nooyi là một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng.
Nói về nghệ thuật truyền cảm hứng, Jack Ma – Chủ tịch tập đoàn Alibaba – là một doanh nhân thuộc hàng top của thế giới. Thông qua các lời phát biểu hay các buổi nói chuyện trước công chúng, ông không những truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân viên và cộng sự của mình, mà còn cho cộng đồng doanh nhân, và giới trẻ khắp nơi. Cách nói chuyện của ông luôn chậm rãi, rõ ràng và đầy hài hước.
Nhờ khả năng truyền cảm hứng này mà Jack Ma đã mời được những người giỏi hơn mình, thông minh hơn mình về cộng tác cho Alibaba. Nhưng mời được chỉ là một công đoạn, công đoạn khó hơn là làm sao những con người thông minh đầy cá tính này có thể ngồi lại với nhau làm việc một cách hiệu quả. Cho nên cái hay của Jack Ma là khả năng gắn kết mọi người lại với nhau thành một khối hùng mạnh, tất cả là nhờ sự am hiểu về tâm lý và một kỹ năng về con người xuất sắc mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng có được.
Chính Jack Ma nhiều lần không ngần ngại nói rằng mình tuy điều hành Alibaba nhưng ông không biết gì nhiều về công nghệ hay kinh doanh mà chủ yếu biết về con người nhờ thời gian đầu khởi nghiệp làm thầy giáo. Rõ ràng là doanh nhân tỷ phú này đã quá khiêm tốn, nhưng suy cho cùng, biết về con người là biết tất cả, vì tất cả đều bắt đầu từ con người.
“Đi vào trái tim là con đường ngắn nhất để thu phục nhân viên.”