Khen chê về ‘Nexus’

Cuốn sách mới nhất của tác giả “Sapiens” lập tức gây chú ý sau khi ra mắt, nhận được nhiều review từ những tờ báo hàng đầu với đánh giá khen chê trái chiều.

nexus anh 1

Tác giả Yuval Noah Harari. Ảnh: The Guardian.

Nexus: Lược sử của những mạng lưới thông tin từ Thời đại Đồ đá đến Trí tuệ nhân tạo đánh dấu sự trở lại của học giả người Israel Yuval Noah Harari. Bản tiếng Anh ra mắt vào ngày 10/9 và bản dịch tiếng Việt được đơn vị xuất bản tại Việt Nam gấp rút hoàn thiện, chính thức ra mắt vào ngày 30/9 vừa qua.

Với tiếng tăm của Harari từ các công trình trước đó, Nexus là một trong những cuốn sách được mong đợi nhất năm 2024. Chưa đầy một tháng sau ngày phát hành, sách đã nhận được review từ nhiều chuyên mục sách của những tờ báo hàng đầu, tạo ra nhiều thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn.

Mô tả dễ hình dung về hiện trạng loài người trước AI

Trong bài điểm sách trên New York Times, Dennis Duncan cho rằng tựa đề cuốn sách “gây hiểu lầm” cho độc giả, vì không thể nào gọi một cuốn sách 405 trang (theo bản tiếng Anh) là “ngắn gọn” được (“lược sử” trong tựa đề được dịch từ “brief history”, trong đó “brief” nghĩa là “ngắn gọn”). Thực tế thì đây không phải lần đầu sách của Harari được đặt tên theo môtíp này, trước đó độc giả từng được biết đến Sapiens: Lược sử loài người, Homo Deus: Lược sử tương lai.

Cụ thể hơn, Duncan cho rằng Nexus thực ra là hai cuốn sách tách biệt, không cuốn nào “ngắn gọn”. 200 trang đầu đậm tính sử học, gây “choáng ngợp” vì “nhồi nhét” quá nhiều chi tiết nhưng thiếu bố cục chặt chẽ – gây cảm giác như đang trò chuyện với một mọt sách thao thao bất tuyệt về Thuyết vạn vật của riêng anh ta.

nexus anh 2

Sách Nexus phiên bản tiếng Việt. Ảnh: O.P.

Tóm lại, trong phần này Harari bàn luận cách xử lý thông tin khác nhau giữa các thể chế nhằm cân bằng giữa sự thật và trật tự, do đó mà thông tin độc giả nhận được sẽ có độ minh bạch và giá trị thực khác nhau. Phần này được Duncan đánh giá “thú vị theo kiểu hiển nhiên”, song cũng rất mơ hồ, rất dễ đưa ra ví dụ phản bác, vì vậy khó lòng hình thành một lý thuyết hữu ích về thông tin.

Kết luận rút ra sau phân nửa cuốn sách là điều mà ai có lẽ cũng đã biết từ trước: Hệ thống có khả năng tự sửa lỗi, vốn khuyến khích sự đối thoại và tương hỗ, sẽ thích hợp hơn hệ thống tước bỏ quyền lợi, chỉ cho phép con người phục tùng mù quáng.

Duncan cho rằng phần trên đây “cũng không mấy quan trọng” vì mấu chốt cuốn sách năm ở nửa sau: Harari đưa ra tóm lược cơ bản nhưng hữu ích, giàu thông tin về những rủi ro tiềm tàng từ AI cũng như cách mà ta có thể đối phó với những nguy cơ này.

Theo đó, mối đe dọa từ AI không giống những gì điện ảnh đã khắc họa, mà tế vi khó thấy hơn song lại mang tính hủy diệt: diễn ngôn bị phân cực nghiêm trọng khi thuật toán mạng xã hội, vốn được thiết kế để độc chiếm sự chú ý của chúng ta, liên tục cung cấp những nội dung cực đoan và mang tính thù hận; quyền đánh giá của con người – ra quyết định pháp lý, tài chính hoặc quân sự – bị chuyển giao cho một AI có mức độ phức tạp vượt ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta.

Theo Duncan, nửa sau của cuốn sách không hoàn toàn mới mẻ, những ai chăm chỉ theo dõi tin tức sẽ dễ dàng nhận ra những mẩu chuyện tác giả đề cập. Song điểm sáng nhất là Harari đã đưa ra tóm lược tình hình hiện tại một cách rõ ràng, dễ nhớ, cùng lời kêu gọi loài người cùng hành động để làm chủ tương lai của mạng lưới thông tin.

Năng lực con người và trí tuệ máy móc: giống hay khác?

Cây bút Justin Smith-Ruiu của Washington Post lại cho rằng những luận điểm xoay quanh AI của Harari là kém thuyết phục, thậm chí thẳng thừng đặt ra nghi vấn cuốn sách “không được tạo ra từ một bộ óc duy nhất”, do đó không “đưa ra được những tri nhận độc đáo”.

Ông đánh giá cao ý tưởng khởi thủy của cuốn sách: lịch sử những mạng lưới thông tin của loài người qua các thời kỳ và hình thức khác nhau. Tuy nhiên ông cho rằng Harari đã lộ điểm yếu khi cố gắng giải thích những câu chuyện kể qua lăng kính sinh học – cho rằng đạo đức loài người đơn thuần chỉ là hậu quả thứ cấp của những xung lực tự nhiên ở mức độ cao hơn (so với các loài động vật khác trong thiên nhiên).

Sang đến phần về AI, Ruiu cho rằng cách Harari lý giải sự khác biệt giữa năng lực con người và trí tuệ máy móc là “vội vã và hời hợt”. Cụ thể, tác giả Nexus chỉ ra công nghệ thông tin trước đây từ nêm đất sét Assyria đến xuất bản phẩm của Gutenberg đều chỉ ghi nhận và truyền bá thông tin theo ý con người; còn AI có thể tự mình “quyết định” những thông tin được ghi nhận và truyền bá – và lập luận, phân tích theo hướng cho rằng máy móc về cơ bản sẽ hành xử như con người.

Ruiu đối sánh Nexus của Harari với cuốn sách cùng tên của Henry Miller – dù chỉ là một tác phẩm hư cấu, song theo Ruiu, lại đưa ra lý giải thỏa đáng hơn về khác biệt giữa người và máy: thấu hiểu rằng quan tâm đến sự thật có thể là một công cuộc đạo đức.

nexus anh 3

Một phiên bản bìa sách Nexus của tác gia Henry Miller.

Cây bút này cho rằng Nexus mắc phải lỗi tương tự mà những cuốn sách khác cảnh báo về nguy cơ và thách thức của cuộc cách mạng AI cũng gặp phải: không thể nhận thức được chính bản thân chúng đang phản ánh tiến trình tự động hóa của đời sống hiện đại.

“…một độc giả sáng suốt không thể không nhận ra cuốn sách này phản ánh cực kỳ rõ ràng những xu hướng đáng lo ngại mà Harari, cùng toàn bộ đội ngũ duy trì ‘thương hiệu Harari’ muốn phơi bày và phê bình”, Ruiu viết, ám chỉ Nexus là một cuốn sách “viết về AI đậm đà tinh thần đang lan khắp trong kỷ nguyên ChatGPT”.

Kết lại bài điểm sách của mình, Dennis Duncan nhận định rằng dù chỉ cung cấp những thông tin “thường thức”, nhưng cuốn sách lại rất giá trị khi do một trí giả toàn cầu có tầm ảnh hưởng như Harari viết ra (“phải chi tác giả súc tích hơn thì hay biết mấy!”). Dẫu sao, cuốn sách cũng nhắc nhở rằng xã hội ngày nay có đủ nguồn lực để ngăn chặn những biến hóa khôn lường của AI, chứ không thể để cho các công ty nằm trong tay những tỷ phú công nghệ định đoạt.

Yuval Noah Harari được mệnh danh là nhà sử học, triết gia “phổ thông”, tác giả các cuốn sách bán chạy Sapiens: Lược sử loài người (2011), Homo Deus: Lược sử tương lai (2015), 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018),… Ông được xem là một trong những trí giả đại chúng có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay.

Sinh ra tại Israel năm 1976, Harari nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Oxford năm 2002. Hiện ông là giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Hebrew Jerusalem và là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Hiện sinh Đại học Cambridge. Cùng chồng mình, Itzik Yahav, ông đồng sáng lập công ty Sapienship, tập trung vào giáo dục và truyền thông tác động xã hội.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin