Tác động từ bản án của ông chủ FTX đến giới tiền số

Việc Sam Bankman-Fried bị kết án lừa đảo được ví như chiếc đinh đóng vào quan tài với những người coi tiền số là phương thức làm giàu nhanh chóng.

Bồi thẩm đoàn tòa án New York hôm 2/11 kết luận Sam Bankman-Fried (SBF), nhà sáng lập và cựu CEO sàn tiền số FTX, phạm 7 tội danh liên quan đến lừa đảo và âm mưu rửa tiền. Ngày 28/3/2024, thẩm phán Lewis Kaplan sẽ ra phán quyết cuối cùng.

Theo Insider, số phận của SBF chưa được xác định, nhưng bản án được cho là đang làm lung lay tâm lý của những người coi tiền số là cách làm giàu nhanh chóng. Tiền số bắt đầu là hình thức tài chính phi tập trung, nhưng tính bất ổn đã biến nó thành tài sản cho các nhà đầu cơ. Giới tiền điện tử giờ đây đối mặt với tình trạng nghi ngờ lẫn nhau.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là thế giới tiền số đã chết. Giá Bitcoin đã tăng 24% trong một tháng qua và chỉ giảm 2% kể từ khi SBF bị tuyên có tội.

Những người phản đối tiền số cho rằng vụ án FTX là bằng chứng cho thấy lĩnh vực này dễ gắn liền với hoạt động phi pháp. Ngược lại, phía ủng hộ lại tin việc SBF bị kết án sẽ đánh dấu sự chấm dứt của giai đoạn hỗn loạn gắn liền với bong bóng tiền số và nạn lừa đảo.

Một số người thậm chí ủng hộ tăng cường quản lý sau sự sụp đổ của FTX, vì điều này có thể giúp tăng lòng tin với nhà đầu tư và mở rộng lượng người tham gia thị trường tiền số.

Sam Bankman-Fried tại tòa án ở Bahamas cuối tháng 12/2022. Ảnh: Reuters

Sam Bankman-Fried tại tòa án ở Bahamas cuối tháng 12/2022. Ảnh: Reuters

Theo Cointelegraph, tâm lý hưng phấn của người chơi Bitcoin tăng mạnh cuối tháng 10 sau khi có thông tin quỹ giao dịch trao đổi Bitcoin giao ngay (ETF) của BlackRock có thể được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) chấp nhận. Sau đó, các công ty đầu tư tiền số lớn đều đưa ra dự báo lạc quan khiến thị trường sôi động. Điều này cho thấy tiền số đang ngày càng được thể chế hóa, trong khi giai đoạn đầu cơ sắp kết thúc.

Tuy nhiên, quá trình quản lý tiền số dự kiến đối mặt nhiều trở ngại hơn, vì SBF từng là một trong những người tích cực nhất trong việc thúc đẩy hợp thức hóa và xây dựng bộ luật cho loại tiền này.

Binance, sàn tiền số lớn nhất thế giới, cũng đang gặp nhiều vấn đề pháp lý. SEC hồi tháng 6 nộp đơn kiện, cáo buộc sàn “ngang nhiên coi thường luật chứng khoán”. Đơn kiện kèm theo nhiều bằng chứng có thể kết tội Binance.

Do Kwon, người sáng lập stablecoin TerraUSD, cũng đang bị SEC cáo buộc lừa đảo dẫn tới vụ sụp đổ đồng tiền này. Hàng loạt vụ lừa đảo khác cũng gắn với thế giới tiền số, trong đó các nhóm hacker chiếm quyền kiểm soát tài khoản Twitter của người nổi tiếng để kêu gọi chuyển Bitcoin cho họ.

“Căng thẳng giữa các nhà quản lý với lĩnh vực tiền số có thể tăng tính minh bạch, giúp những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật giành lợi thế dẫn đầu thị trường”, Brian Mosoff, CEO công ty đầu tư tài sản số Ether Capital, nhận xét.

Thành lập năm 2019, FTX dưới quyền Sam Bankman-Fried nhanh chóng vươn lên top đầu sàn giao dịch tiền số phổ biến tại Mỹ và thế giới, cạnh tranh với các đối thủ như Coinbase của Brian Armstrong và Binance của Changpeng Zhao. Tháng 11/2022, FTX gặp khủng hoảng khi không đủ tài sản dự trữ để đáp ứng làn sóng rút tiền ào ạt từ người dùng, khiến cựu CEO SBF buộc phải đệ đơn xin phá sản. Theo hồ sơ tại tòa, FTX có hơn một triệu chủ nợ, gồm nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Apple, Meta, Netflix, LinkedIn, Adobe, AWS. Trong đó, 50 chủ nợ lớn nhất chiếm số tiền khoảng 3,1 tỷ USD.

Điệp Anh (theo Business Insider)

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin