Không chỉ chất chứa tình cảm của những con người khốn cùng, bé nhỏ, tập truyện “Lưng người thăm thẳm” còn thúc giục chúng ta hãy bảo vệ thiên nhiên để bảo vệ chính cuộc sống của chính mình.
Sách Lưng người thăm thẳm. Ảnh: ML. |
Lưng người thăm thẳm là tập truyện ngắn mới của nhà văn Vũ Thị Huyền Trang, kể về những phận đời bé nhỏ, trôi dạt, nhưng vẫn cố gắng đối xử với nhau bằng tình thương, đấu tranh để giằng níu những điều tốt đẹp của con người và cuộc đời.
Nghịch cảnh chẳng chôn vùi được tình thương
Là nhà văn có tác phẩm đã được đưa vào sách giáo khoa, trang viết của Vũ Thị Huyền Trang đầy ắp những tình cảm tốt lành, giục giã con người trở về với bản tâm hồn nhiên, chân thành, thuần hậu. Trong những câu chuyện của chị, nơi gửi gắm, đại diện cho sự trong lành của tâm hồn chính là thiên nhiên, và thương núi rừng cây cỏ chính là để thương mình, thương người quanh mình.
Lật giở cuốn sách, ta sẽ bắt gặp những con người rất đỗi nhỏ bé của đời thường, những người mà có lẽ ta từng bắt gặp, từng lướt qua trong đời. Đó là anh tài xế lái xe đường dài, là người phụ nữ quê ra chợ bán rau, là cô nhân viên tiệm spa làm đẹp, là người đàn ông đi xuất khẩu lao động…
Đó là những con người trôi giạt, cầu bất cầu bơ, không dừng lại ở nơi nào hay gắn bó với một ai được lâu, chẳng bao giờ có cảm giác thuộc về. Đó là những người ở bên rìa xã hội: một bà mẹ điên, tay đầu sỏ buôn lậu gỗ, người phụ nữ bán thân để nuôi hai đứa con…
Tất cả họ đều vật lộn với cuộc sống: với đói nghèo, với cảm giác lạc lõng, với nỗi ân hận vì tội lỗi… Họ lầm lũi, đau đớn, bị giằng xé và dằn vặt. Họ muốn thoát ra, vươn tới một nơi tốt hơn, bình yên hơn, để sống theo cách khác, sống đúng với chính mình. Họ bấu víu vào một điều gì đó, để giữ lấy những điều tốt đẹp còn sót lại bên trong con người mình, để bảo vệ lấy nhân phẩm và bảo vệ người thân thương.
Trong những câu chuyện của Vũ Thị Huyền Trang, những điều con người níu lấy chỉ là những cái giản dị nhất, bé nhỏ nhất của đời người: món canh rau sắn, chút mứt gừng, tiếng càm ràm của người quan tâm ta, đứa con luôn ôm sách vở, ký ức… Mà giữ chặt nhất, chính là giữ lấy nhau. Những người nghèo khổ, trôi giạt, bơ vơ tạo nên một chốn về, một nơi nương tựa cho người cùng khổ.
Một điểm chung trong hầu hết các tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang đó là ít khi mang đến cho độc giả những niềm vui tưng tửng, sự hào nhoáng, rộn ràng và tập truyện này cũng không phải là một ngoại lệ.
Nhưng các cái kết trong tập truyện này của chị lại luôn có hậu hoặc nhìn theo hướng tích cực. Trong mất mát có hồi sinh. Trong nghèo khó có nảy chồi hy vọng. Trong nghịch cảnh con người vẫn đối tốt với nhau bằng tất cả tấm lòng: “Để không phải nuối tiếc khi nhìn nhau từ phía sau. Mà thật ra chúng ta còn nhìn thấy tấm lưng thăm thẳm của nhau là bởi vì còn thương mới dõi theo nhau”.
Mưa lũ, ngập lụt gây cô lập. Ảnh: Minh Trí – Hiền Đức. |
Bảo vệ thiên nhiên để bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta
Một chủ đề lớn trong tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang là thông điệp bảo vệ thiên nhiên để bảo vệ chính cuộc sống của con người. Thiên nhiên hoang sơ dường như là đại diện cho những điều trong lành, thiện lương nhất.
Tội lỗi lớn nhất trong cuốn sách là tội hủy diệt thiên nhiên. Trong nhiều truyện ngắn, những kẻ đầu độc đất đai, phá rừng, buôn lậu gỗ đều bị những hậu quả, nỗi ân hận và ác mộng đeo đẳng.
Đó là Núi, kẻ phá rừng và chỉ dùng luật rừng để đối đãi với người khác, rốt cuộc bị đâm sau lưng và phải trốn chui trốn nhủi, đi đâu cũng gặp “những cánh rừng trọc lốc” “không đủ cho Núi ẩn nấp an toàn”.
Đó là Nhẫn với vườn rau trước và vườn rau sau nhà, cái để bán cho người khác, cái để cho gia đình mình ăn.
Đó là người cha của Lim, giàu lên nhờ tận diệt rừng, rồi đứa con của mình bị vây trong cơn lũ, mà dưới ngòi bút của Nguyễn Thị Huyền Trang cơn lũ đó thật khủng khiếp:
“Cơn lũ giằng đứa nhỏ tuột khỏi bàn tay nắm níu của một người mẹ khốn khổ nào đó. Giằng ông già khỏi cái cột nhà. Giằng sự chào đời của một sinh linh nào đó còn nằm trong bụng mẹ. Giằng người chồng khỏi vợ. Giằng người mẹ khỏi con. Như cách mà chúng ta giằng sự sống của rừng. Giằng vùng biển sạch của cá tôm. Giằng sự trong lành của bầu khí quyển. ‘Loài người đến Trái đất này để tàn phá rồi đi.’”
Vũ Thị Huyền Trang nuôi mơ ước màu xanh, thúc giục mọi người giữ lấy đất, lấy rừng, lấy núi. Vì nơi đó là nơi gửi gắm những tình cảm tốt lành, cũng là nơi ký thác hy vọng của tương lai.
Lưng người thăm thẳm là một tập truyện nhỏ chất chứa những tình cảm và tâm nguyện bé nhỏ, dịu dàng của những con người khốn cùng, bé nhỏ. Được viết bằng sự chăm chút, chân thành và những lời văn tinh tế như thơ, cuốn sách sẽ lay động mỗi con người, thúc giục ta thương mình, thương người, thương màu xanh của chúng ta.
Vũ Thị Huyền Trang sinh năm 1987, tốt nghiệp khoa Lý luận – Sáng tác – Phê bình Văn học tại trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Một số tác phẩm đã xuất bản: Cánh sóng mùa xuân (2021), Bố tôi (2021), Đô thị ảo (2021), Hái trăng trên đỉnh núi (2021), Những đám mây ngoan (2024). Một số tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa: Trích đoạn Hái trăng trên đỉnh núi in trong sách giáo khoa tiếng Việt 4 tập 1 bộ Chân trời sáng tạo; Trích đoạn Tạm biệt mùa hè in trong sách giáo khoa tiếng Việt 3 tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Tác phẩm Tạm biệt mùa hè được đưa vào phần Ôn tập, đánh giá định kỳ môn tiếng Việt lớp 4, bộ sách Chân trời sáng tạo, tập 2.
Xu hướng xuất bản sách bảo vệ môi trường cho thiếu nhiTheo chia sẻ của bà Khúc Thị Hoa Phương, giám đốc – tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam, dòng sách viết về môi trường đang được nhiều độc giả nhí và phụ huynh quan tâm. |
Bài học về ý thức bảo vệ môi trường cho thiếu nhiHai tác giả trẻ Hũ và Trúc Nhi Hoàng đã mang đến cho các bạn đọc nhí những kiến thức bổ ích về việc bảo vệ môi trường, để thế hệ tương lai xây dựng một lối sống xanh từ nhỏ. |
Viết sách lan tỏa sống xanhBên cạnh viết sách cho những độc giả trưởng thành, nhiều tác giả còn nhắm tới độc giả nhí như một đối tượng tiềm năng của việc giữ gìn và bảo vệ môi trường trong tương lai. |