Tự lập và biết sẻ chia là hai đức tính giúp các bé có thể dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới và xây dựng mối quan hệ bền vững trong tương lai.
Để các con làm việc nhà cùng nhau, giúp rèn cho các bé tính tự lập và tinh thần sẻ chia với người xung quanh. Ảnh: Đ.M. |
Mọi chuyện bắt đầu rất đơn giản. Cameron xâm phạm không gian của Molly ở ghế sau và Molly gào lên: “Mẹ ơi, em Cameron ngồi vào chỗ của con.” Người mẹ đập vào vai Cameron. “Ngồi yên ở chỗ của con đi, Cameron!”
Cameron tạm thời rút lui do Molly lớn hơn cậu bé và có sức ảnh hưởng hơn. Nhưng âm mưu trả đũa của Cameron vẫn chưa dừng lại. Cậu bé cẩn thận, từ từ đưa tay phải đến giữa ghế xe. Đầu tiên là ngón trỏ, tiếp đó là các ngón còn lại, rồi toàn bộ tay của cậu lấn sang chỗ của chị gái.
“Mẹ ơi”, Molly lại gào lên, “bảo nó thôi đi!” Và con bé tấn công: đấm, gào, giựt tóc. Chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra ở ghế sau.
Dường như có cái gì đó ở hàng ghế sau của một chiếc xe đang di chuyển làm trẻ phấn khích. Hãy gọi nó là “sự hưng phấn ở cabin”, thời điểm trẻ vượt ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ và được ngồi chung hàng ghế với hai hay nhiều trẻ khác.
Chúng đánh nhau, cãi nhau, trêu nhau và gây phiền toái. Chúng ta thường nói: “Các con trật tự đi nào.” Câu nói này có thể tạm thời làm dịu tình hình, nhưng thường không mang lại hiệu quả lâu dài. Chúng ta buộc phải đưa ra những mệnh lệnh cứng rắn hơn.
Vấn đề về ghế sau là vấn đề mà chúng ta có thể và nên xử lý ngay. Nếu chúng ta xử lý khi vấn đề chưa thực sự nghiêm trọng, thì nó sẽ không bao giờ trở nên nghiêm trọng. Nhưng chúng ta cần chọn thời điểm một cách khôn khéo: khi chúng ta không vội đi đâu và việc tốn thời gian để dạy con không phải là vấn đề.
Thông điệp của chúng ta đơn giản là: “Mẹ (bố) sẽ không chấp nhận việc cãi nhau ở ghế sau, và nếu các con còn tiếp diễn, các con sẽ gặp rắc rối đấy.”
Hãy xem xét tình huống đối với trẻ đang ở bậc tiểu học:
Lance đã sẵn sàng để đối phó với các “chiến binh” ngồi ghế sau vào một buổi sáng. Anh đã luyện tập những câu nói của mình và thậm chí còn mang theo một quyển sách để giết thời gian vì anh nghĩ mình sẽ có đôi lúc rảnh rỗi trong chuyến đi.
Đúng kế hoạch, lũ trẻ bắt đầu cãi nhau ở ghế sau. Lance dừng xe, quay đầu lại một cách rất bình tĩnh và nói: “Các con biết không, bố nghĩ vấn đề khiến chúng ta khó hòa đồng trong chiếc xe nhỏ bé này là lượng oxy trong máu các con xuống thấp nên các con thấy khó chịu và cãi vã.
Vì vậy, nếu các con có thể ra khỏi xe và lấy thêm oxy thì mọi chuyện sẽ tốt hơn. Tại sao các con không ra khỏi xe giải quyết vấn đề đồng thời lấy lại lượng oxy nhỉ? Bố sẽ lái xe đi trước và đợi các con.”
Và để bảo vệ lũ trẻ, Lance nói thêm: “Bây giờ, nếu các con không đến quá gần những chiếc xe đang đi trên đường, và đi ở vỉa hè, bố tin chắc các con sẽ được an toàn.”
Anh lái xe qua vài ngõ, đỗ xe tại nơi bọn trẻ có thể nhìn thấy và đọc sách. Anh có thể thấy chúng nói chuyện với nhau và thôi không chỉ trích nhau khi chúng đi bộ. Càng tới gần xe thì tâm trạng của chúng càng tốt hơn. Trước khi leo lên xe, chúng rất bình tĩnh.
Khi một đứa cầm lấy tay nắm cửa và bắt đầu mở cửa xe, đứa còn lại nhảy lên trước, thế là cuộc chiến lại tái diễn. Lance lại lái xe qua một vài ngõ nữa rồi đậu ở đó để đọc sách. Khi lũ trẻ tới đó, chúng khá ổn.
Từ giờ, mỗi khi anh lái xe và lũ trẻ bắt đầu cãi cọ, anh chỉ cần nói “Các con cần bổ sung oxy hả?” và lũ trẻ sẽ ngoan ngay lập tức.
Với câu chuyện này, chúng tôi không khuyến khích cha mẹ đặt trẻ vào những tình huống nguy hiểm. Trong các ví dụ trên, cha mẹ luôn cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho trẻ. Khi cho trẻ ra khỏi xe để đi bộ về nhà, đoạn đường đi bộ phải phù hợp với tuổi của trẻ, giao thông trong khu vực, mức độ an toàn của những vùng xung quanh…
Việc cha mẹ lo lắng khi để con đi bộ một đoạn về nhà là đúng đắn và có thể hiểu được. Nhưng có lẽ sẽ hơi đáng buồn nếu cha mẹ quá sợ hãi mà không dám cho trẻ cơ hội được đi bộ một đoạn về nhà khi gia đình bạn sống ở một khu vực yên bình, không xảy ra vụ bắt cóc nào.