“Câu view” & kinh tế chú ý

Trong thời đại kinh tế chú ý, người tiêu dùng từ nay nắm giữ nguồn tài nguyên đã trở nên hiếm và có giá nhất – tức sự chú ý của họ.

tai nguyen anh 1

Yves Citton, trong L’économie de l’attention, Nouvel horizon du capitalisme (Kinh tế chú ý, Chân trời mới của chủ nghĩa tư bản) đã tổng kết: ngay từ những năm 1970, khái niệm kinh tế chú ý đã được nhiều tác giả (Alvin Toffler, 1970; Daniel Kahneman, 1973), nhất là nhà kinh tế học và xã hội học Mỹ Herbert Simon nêu ra.

Trong một bài viết được đăng tải vào năm 1971, tác giả tương lai của giải Nobel kinh tế này, sau khi so sánh các xã hội quá khứ là “nghèo thông tin” với xã hội hiện tại của chúng ta là “giàu thông tin”, đã nhấn mạnh sự khác biệt là ở chỗ từ nay tất cả chúng ta đều có thể tiếp cận một lượng thông tin thích hợp (nghĩa là cần thiết cho chúng ta) vượt xa rất nhiều năng lực chú ý của chúng ta.

Do vậy, cái mà giờ đây trở nên hiếm nhất trong xã hội hiện tại chính là sự chú ý. Thứ của hiếm này nằm ở phía những người tiếp nhận các sản phẩm chứ không chỉ ở phía sản xuất ra những sản phẩm ấy. Trong khi đó, đối với nền kinh tế truyền thống, quan trọng nhất là sản xuất ra tối đa các sản phẩm từ những nguồn tài nguyên có giới hạn.

Khó khăn lớn nhất giờ đây không phải là sản xuất một bộ phim, xuất bản một cuốn sách hoặc lập một trang web, mà là thu hút sự chú ý của công chúng hiện bị tràn ngập trước bao lời chào mời ngày càng hấp dẫn hơn, mà thường là miễn phí. Vào đầu thế kỷ 20, nhà xã hội học Gabriel Tarde (1834-1904) từng đề cập đến hình thái của nền kinh tế chú ý này khi dự báo công nghiệp sản xuất sẽ dẫn đến sản xuất thừa, khi đó nó cần đến những hình thức quảng cáo để có thể “lôi kéo sự chú ý, níu giữ sự chú ý này dừng lại ở một mặt hàng được cung ứng”.

Như vậy, trọng tâm của kinh doanh giờ đây nằm ở phía tiếp nhận – tiêu thụ hơn là ở phía sản xuất. Điều này có nghĩa là đã có sự xoay trục hoàn toàn từ cực sản xuất sang cực tiếp nhận.

Trong hàng chục ngàn năm qua, “kinh tế” với con người là tối đa hóa việc sản xuất ra của cải (vật chất) từ việc khai thác các nguồn tài nguyên luôn bị đe dọa sẽ trở nên khan hiếm. Còn nay, chúng ta lại đang sống trong một tình thế đảo ngược, ở đó, của cải (văn hóa) cho tiêu dùng đôi khi còn được cung cấp miễn phí cho chúng ta, và ở đó, vấn đề chính yếu lại là tối đa hóa khả năng tiếp nhận của chúng ta (lọc, thẩm thấu, tiêu hóa) đối với nền sản xuất dư thừa này.

Người tiêu dùng từ nay nắm giữ nguồn tài nguyên đã trở nên hiếm và có giá nhất – tức sự chú ý của họ, và chúng ta nhận được những dịch vụ miễn phí để đổi lấy quyền tiếp cập ưu đãi đối với khả năng chú ý của chúng ta.

(*) Tiêu đề do người biên tập đặt.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin