Nhiều ứng dụng đào tiền ảo bằng cách “điểm danh” hàng ngày tương tự Pi Network đang được chào mời trở lại trên các kênh Facebook, Telegram.
“Khởi nghiệp 0 đồng từ Peace Network. Có cơ hội như Pi Network, sao không thử?”, tài khoản Ngọc Văn đăng bài trên một nhóm Facebook về blockchain với hơn 100.000 thành viên, kèm hướng dẫn tải một app có cách phát âm giống Pi Network. Người này còn spam bình luận trên nhiều hội nhóm khác với nội dung tương tự.
Ngọc Văn cho biết một tháng qua đã “chiêu mộ” được khoảng 100 thành viên cùng “khai thác” tiền ảo. Không chỉ Peace Network, người này cũng cài hàng loạt ứng dụng tương tự như Rubi, StarCoin, LGBT Network, BNP Network.
“So với Pi, việc tham gia dự án mới mang lại nhiều cơ hội hơn vì số lượng khai thác nhiều hơn. Biết đâu trong đó, một số dự án mang lại tiền thật thì sao”, Ngọc Văn lý giải. “Chỉ cần một đến hai trong đó lên sàn, tôi cũng được ít tiền. Còn không, tôi cũng không mất gì ngoài chút thời gian bỏ ra mỗi ngày”.
Việc lôi kéo người đào tiền ảo dưới dạng cài ứng dụng và điểm danh từng xuất hiện và đang quay lại được khoảng vài tháng. Một số thậm chí nhắc tới Bitcoin và Ethereum trong bài rao như là minh chứng cho giá trị theo thời gian của tiền điện tử để dụ người khác tham gia.
Theo quản trị viên một nhóm blockchain có 200.000 thành viên trên Facebook, số lượng bài spam quay trở lại ngày một nhiều, các admin phải sử dụng bộ lọc để chặn nội dung giống nhau. “Mỗi ngày, hàng chục bài đăng như vậy được gửi lên nhưng không được duyệt”, người này nói.
So với cơn sốt cách đây hai năm, các ứng dụng hiện nay đa dạng hơn, hiển thị sẵn “số tiền dự kiến” nếu niêm yết trên sàn trong tương lai, giao nhiều “nhiệm vụ” hơn bên cạnh việc điểm danh, thậm chí có sách trắng và lộ trình để tạo cảm giác chuyên nghiệp. Ứng dụng cũng hỗ trợ cả web, iOS và Android. Tuy vậy về cơ bản, các ứng dụng có cách hoạt động giống Pi. Người dùng cần tải app, sau đó đăng ký, nhập mã giới thiệu và “điểm danh” sau mỗi 24 tiếng.
Số tiền ảo cũng sẽ “nhảy” liên tục tương ứng với lượng người tham gia, gọi là “luật 50%”. Chẳng hạn với tiền ảo Rubi, nếu dưới 1.000 thành viên, tốc độ khai thác là 10 Rubi mỗi ngày, 1.001-10.000 thành viên là 5 Rubi, 10.001-100.000 thành viên là 2,5 Rubi/ngày. Ứng dụng được phát hành hồi tháng 5 nhưng hiện đã có trên 100.000 lượt tải về, có sách trắng nhưng lộ trình phát triển mơ hồ.
“Các ứng dụng mới được làm chuyên nghiệp và bài bản, không đơn giản như trước, khiến nhiều người tin tưởng hơn”, Giang Nam, một người tham gia chơi tiền số hơn 5 năm, nhận xét. “Với tâm lý không mất gì và sợ bị bỏ lỡ, hàng trăm nghìn người vẫn cài app và điểm danh mỗi ngày”.
Kho dữ liệu khổng lồ
Tham khảo khoảng 10 ứng dụng dạng này, hầu hết có từ 10.000 tới hàng trăm nghìn lượt tải về. Khi cài đặt, các phần mềm đều đòi hỏi cung cấp nhiều thông tin quan trọng, như truy cập vị trí, đọc, sửa nội dung của bộ nhớ, đọc danh bạ, truy cập mạng… Trước đây, loại ứng dụng này chỉ cần đăng ký với tên và email hoặc số điện thoại. Còn hiện nay, người dùng được yêu cầu phải KYC (xác thực danh tính) từ đầu, gồm cung cấp thông tin cá nhân, ảnh căn cước công dân hoặc hộ chiếu, ảnh chụp chân dung selfie bên cạnh tên, số điện thoại và email khi đăng ký.
“Đây là kho dữ liệu khổng lồ mà người đứng sau nhắm tới. Người dùng nghĩ họ không mất gì, nhưng thực tế đối mặt với nhiều nguy cơ do lộ thông tin cá nhân, từ việc bị làm giả giấy tờ cho đến việc nhận các cuộc gọi hay tin nhắn lừa đảo”, Giang Nam cho hay.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho biết hầu hết ứng dụng điểm danh nhận tiền ảo nhắm đến việc thu thập dữ liệu người dùng. “Không có bất cứ app nào lại cho tiền miễn phí”, ông Thắng nói. “Chiêu trò này thực chất là để dụ dỗ người dùng cung cấp thông tin cá nhân”.
Theo ông, những dữ liệu này sau đó sẽ được thu thập để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, AI có thể phân loại chính xác đến từng người, thậm chí “lập gia phả” về mỗi người xem họ có mối liên hệ với ai, làm việc gì, thói quen hoặc sở thích nào… để thực hiện lừa đảo theo cách khiến nạn nhân khó phát hiện.
“Trước khi tải bất cứ ứng dụng nào, cần xem xét đơn vị đứng sau là ai, độ uy tín đến đâu. Tránh nhấp chuột rồi trở thành mồi ngon cho kẻ xấu”, ông Thắng nói.
Ông Philips Hung Cao, Phó tổng giám đốc công ty an ninh mạng VinCSS, nhận định việc KYC trên nhiều ứng dụng đào tiền ảo tự phát không được quản lý và giám sát chế tài bởi cơ quan chức năng. Do đó, nếu được yêu cầu KYC, người dùng nên đặt ít nhất ba câu hỏi: Thông tin cá nhân có được bảo vệ theo các quy định và luật về quyền riêng tư không? Thông tin có bị chia sẻ với bên thứ ba không? Nếu thông tin cá nhân khai báo trên app bị lộ lọt và bị sử dụng vào mục đích lừa đảo, ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
“Với ba câu hỏi này, app đào tiền ảo tự phát chắc chắn không đáp ứng được và người dùng sẽ tự hiểu là không nên thực hiện eKYC hoặc KYC”, ông nói.
Một nguồn thu khác cho ứng dụng đào tiền ảo trên smartphone là quảng cáo. Đa số đều gắn quảng cáo, buộc người dùng xem trước khi truy cập một tính năng. Ngoài nguy cơ bị lấy thông tin, các chuyên gia cho rằng ứng dụng dạng này còn gây mất thời gian, chiếm tài nguyên điện thoại, tạo cảm giác “hy vọng ảo” cho người tham gia.
Lấy ví dụ với Pi Network, sau 5 năm có mặt và nhận được nhiều kỳ vọng, đến nay tiền ảo này vẫn vô giá trị, còn đội ngũ phía sau gần như im hơi lặng tiếng. Pi nhiều lần bị cảnh báo thiếu tính minh bạch của một dự án blockchain, thậm chí không loại trừ khả năng lừa đảo, có thể được tạo để thu thập thông tin người dùng. Gần đây, các hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi cũng bị điều tra.
Bảo Lâm