Tôi luyện trí tuệ và sống thật, trọn vẹn, luôn vươn đến hoàn thiện, khát khao đạt đến hoàn mỹ, với tràn đầy cảm xúc của mình là mục tiêu trọng tâm của đời người.
Tóm gọn là muốn có thông minh trí tuệ và thông minh cảm xúc thì chí ít, trước tiên, phải tôi luyện trí tuệ và sống thật, trọn vẹn, luôn vươn đến hoàn thiện, khát khao đạt đến hoàn mỹ, với tràn đầy cảm xúc của mình. Đơn giản vì: có thật sự biết yêu thương thì mới thật sự muốn hiểu.
Chẳng ngẫu nhiên mà nhiều dân tộc trên thế giới đều có những câu châm ngôn ngụ ý “yêu sâu mới muốn hiểu đậm; khi hiểu sâu lại dễ thêm yêu đậm.” Vì thế vô tình, vô tâm thường đi liền với vô tri, vô giác. Và ngược lại: có cảm thương, trắc ẩn, động tâm mới đào sâu được lương tri, thấu giác, tuệ minh… Nếu trí não chẳng có tâm tình thì con người thua xa biết bao loài cầm thú!
Lại thêm, từ xưa đến nay, đa số người giàu thường muốn tỏ ra mình rất ư hiền triết, và phần lớn người nghèo hay muốn thể hiện mình cũng thông thái vô cùng… Chính vì vậy giữa hai loại người trên nảy sinh một mẫu số chung: thấy ai không giống mình bèn cho là… dốt. Chí ít là… không thông minh. Tóm lại, mọi Cái Tôi đều thông minh cả. Và vì nó không thể là tôi nên làm sao nó thông minh được!
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Artem Podrez/Pexels. |
Ngạn ngữ Tây Âu có câu: “Mọi ngu dốt được bày ra để xác minh cho sự thông minh của bản thân.” Hẳn vì vậy mà đại đa phần những việc gọi là phản biện, tranh luận, thảo luận, khảo luận, tham luận, kể cả tự do ngôn luận, chẳng phải để làm sáng tỏ vấn đề mà chỉ nhằm thỏa nỗi ám ảnh muốn chứng minh bản thân mình thông minh hơn người.
Người Mông Cổ có câu châm ngôn thâm trầm đáo để: “Bậc hiền giả luận về tư tưởng, người thông tuệ bàn về thời thế, kẻ phàm phu hàn huyên về rượu thịt.” Tóm lại, ai ai cũng muốn phô diễn ý kiến của mình, từ chuyện đời đến chuyện đạo, từ chuyện làm chuyện ăn đến chuyện nhậu nhẹt, kể cả nhồi nhét… Thiên hạ đại luận dễ dàng trở thành tào lao đại loạn…
Tuy nhiên, ông bà mình sâu sắc vô cùng: “Có thực mới vực được đạo.” Nếu hiểu chính xác: thực để vực được đạo thì nên thực. Càng thực nhiều càng tốt. Để khỏe mà vực đạo vươn thẳng lên, tới tận trời xanh. Cònthực chỉ để ngập mồm ngập miệng mà vô đạo vô thần thì thực làm gì? Cứ đòi có xôi thì phải có thịt, mâm cao cỗ đầy… Trời ạ, trong thiên hạ, biết bao người đói kém, thiếu mặc và không có ăn? Biết bao người sống nhục mà không hề biết nhục? Lại còn hãnh tiến với cái nhục của mình?
Kết lại, chuyên nghiệp không phải chỉ đơn thuần là một phẩm chất trong chuyện tác vụ. Mà là một diễn trình động và không ngừng tôi luyện, trau dồi, mài giũa.
Nhưng vẫn còn hai chuẩn mực để đánh giá sự chuyên nghiệp. Đó là bộ quy tắc ứng xử và phương thức hình tượng hóa.
Theo thông lệ trong doanh giới quốc tế, cấu thành bộ quy tắc ứng xử (Code of Conducts) gồm 3P:
1. Practices: Cách thức hành nghề – Cơ bản nói về những điều ngăn cấm, không được làm, nghĩa là tất cả những gì có thể gây hại cho mọi tác nhân hữu quan nói riêng và môi trường sống nói chung.
2. Principles: Nguyên tắc nghiệp vụ – Chủ yếu là định nghĩa những chuẩn mực chất lượng cần hướng đến để mang đến sự hữu hiệu mong muốn cho tất cả các bên liên quan.
3. Philosophy: Triết lý hành động – Lý do tồn tại, vai trò và đóng góp đối với thị trường, cộng đồng xã hội.
Vì bao gồm 3P với các nội hàm nói trên nên bộ quy tắc ứng xử / Code of Conducts, trong tiếng Anh còn được gọi là Code of Values / quy tắc giá trị hay Code of Ethics / quy tắc đạo đức. Tuy nhiên, hai cách gọi vừa nói dần dà trở nên ít thông dụng vì có phần lạm xưng, nghĩa là “đao to búa lớn” hơi nhiều.
Nhằm tăng cường công năng của bộ quy tắc ứng xử, giới tư vấn quốc tế đã đưa ra quy trình triển khai bao gồm ba công đoạn liên đới, như sau:
Set the Capabilities System + Tell the World + Walk the Talk
Nghĩa là: Thiết lập Hệ thống năng lực lõi + Tuyên bố cho thế giới biết + Thực hiện những điều đã nói.