Chỉ trong 10 tháng, Ashley Patrick và chồng đã trả xong khoản nợ hàng chục nghìn USD và nhờ đó, cô có thể mạnh dạn nghỉ công việc làm thuê.
Patrick, 36 tuổi, ở Charlotte, Bắc Carolina, Mỹ là người sáng lập Budgets Made Easy. Trước đây, cô từng là một “con nợ” và phải vật lộn với những hoá đơn, nhưng giờ Patrick có thể là một chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân.
Với nhiều người, các khoản vay sinh viên là thứ khó chịu đeo bám trong thời gian dài. Mỗi lần nghĩ về khoản nợ 25.000 USD vay thời sinh viên, Ashley Patrick cũng có cảm giác như vậy. Rồi khi chồng cô mất việc và cả hai không thể trả nhanh khoản nợ, họ còn vay thêm tiền từ quỹ hưu trí 401(k) – tên gọi của quỹ hưu trí tư nhân (Retirement Savings Account), ra đời ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật,…để tu sửa nhà.
Kết quả là, cặp đôi đã nợ IRS hàng nghìn USD và họ không bao giờ muốn quay lại những ngày tháng đó lần nào nữa. “Đó là khoản vay cuối cùng và nhiều nhất của chúng tôi”, cô nói.
Để xóa nợ nhanh chóng, Patrick và chồng đã thay đổi 4 điều về ngân sách và làm việc không ngừng. Nhờ vậy họ hết nợ trong 10 tháng.
1. Dừng đóng góp quỹ hưu trí
Vào thời điểm đó, Patrick và chồng đang đóng góp tổng cộng 11% vào Quỹ 401K, Patrick đang trích 5% từ thu nhập còn chồng cô đang góp 6% từ tiền lương. Để trả hết nợ sớm nhất có thể, cả hai đã dừng đóng khoản này.
2. Thanh lý bớt đồ đạc
Để kiếm thêm thu nhập trả nợ, Patrick và chồng bán mọi thứ không thiết yếu bao gồm một số đồ đạc của con cái, trang trí tường, đèn và một vài đồ nội thất lớn hơn. Họ cũng từ bỏ một chiếc xe kéo và một chiếc xe bốn bánh để chi trả khoản nợ một cách nhanh hơn.
Họ bán các đồ nội thất cỡ lớn cho các gia đình đông người, và bán các mặt hàng nhỏ hơn nằm xung quanh nhà… Nhìn chung, họ đã kiếm được khoảng 300 đến 500 USD từ cách bán hàng trực tuyến này.
3. Cắt giảm khoản tiêu không cần thiết
Khi Patrick và chồng đang kiếm được 125.000 USD một năm, họ chỉ giữ mức chi phí sinh hoạt ở độ thấp nhất có thể để có thêm tiền chi trả khoản nợ.
Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng tháng, đôi vợ chồng đã không mua bất cứ thứ gì họ không cần thiết, bao gồm cả các đồ hiệu. “Khi bước vào hai tháng cuối của quá trình tiết kiệm này, chồng tôi nói, lúc nào trả hết nợ, anh có thể mua kem cạo râu không? Điều đó cho thấy lúc ấy chúng tôi đã khó khăn đến mức nào”, Patrick chia sẻ.
Cặp đôi cũng cắt giảm những chuyến du lịch và không về Kansas gặp gia đình. Nhờ đó họ tiết kiệm ít nhất 1.000 USD.
Patricks cũng lên kế hoạch cho từng bữa ăn và hiếm khi ăn ngoài. Việc này cũng giúp họ cắt giảm một nửa ngân sách cho thực phẩm, họ chỉ phải chi 600 USD từ hơn 1.200 USD.
Để bám sát ngân sách của mình, Patrick cũng đã dùng cách thức quản lý theo những “phong bì tiền mặt”. Cô sẽ chia ngân sách chi tiêu hàng ngày theo từng hạng mục (mua thực phẩm, trả tiền gas, điện…) thay vì sử dụng thẻ tín dụng để tránh mắc bẫy nợ.
4. Theo dõi quá trình trả nợ
Để giữ cho mình có động lực trả hết nợ, Patrick đã tính toán lãi suất hàng ngày trên khoản nợ để thấy sự tiến bộ hàng ngày của mình. Khi bắt đầu hành trình trả nợ, các khoản vay của cô đã tích lũy khoảng 5 USD tiền lãi mỗi ngày, tương đương khoảng 90 USD một tháng. Đó là động lực để cô gửi trả các khoản thanh toán thường xuyên nhất có thể, thường là cứ sau một đến hai tuần.
Patrick cũng dán những hình ảnh cho thấy kết quả của mình vào cửa tủ quần áo, và nhìn vào nó mỗi ngày để có thêm động lực. Patrick nói: “Để tập trung, tôi đọc những câu chuyện trả nợ mỗi đêm trước khi đi ngủ. Tôi cũng tham gia các nhóm Facebook có cùng chí hướng và nghe podcast”.
Việc hết nợ cho phép Patrick có thể nghỉ công việc căng thẳng của mình để ở nhà với ba đứa con nhỏ. Nó cũng cho phép cô phát triển công việc kinh doanh sau đó thành thu nhập toàn thời gian; cho cô sự linh hoạt để ở bên con cái.
Patrick nói: “Khi mọi thứ xảy ra, tôi không căng thẳng về điều đó. Chúng tôi chỉ trả tiền và trả tiền. Trước đây, khi một hoá đơn bất ngờ xuất hiện, tôi đã khóc và bị căng thẳng trong nhiều ngày”.
Đối với những người muốn xóa khoản nợ của họ sớm hơn sau này, Patrick khuyên tìm cách cắt giảm chi tiêu và tăng thu nhập. Chỉ cần không bỏ cuộc ngay cả khi bạn có một ngày, tuần hoặc tháng tồi tệ. Đó là sự tiến bộ quan trọng theo thời gian.
Bảo Ngọc (Theo BI)