Thị phần của Binance.US, phiên bản dành cho thị trường Mỹ của Binance, sụt mạnh từ mức 27% vào tháng 4 xuống còn hơn 1% cuối tháng 6.
Theo công ty cung cấp dữ liệu Kaiko, làn sóng người chơi tiền điện tử vội vã rời khỏi Binance Mỹ đã manh nha từ tháng 4, sau khi xuất hiện thông tin sàn rơi vào tầm ngắm của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).
Đến ngày 7/5, thị phần của sàn giảm mạnh từ 17,25% xuống 6,2% khi Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu điều tra với cáo buộc sàn cho phép người Nga chuyển tiền tự do, bất chấp lệnh cấm thương mại mà Mỹ áp đặt.
Đầu tháng 6, SEC kiện lên tòa án liên bang ở Washington, liệt kê 13 cáo buộc chống lại Binance và tỷ phú Changpeng Zhao (CZ), cho rằng đã thổi phồng khối lượng giao dịch và đánh lừa nhà đầu tư về những biện pháp kiểm soát thị trường của mình.
Ngày 8/6, Binance.US thông báo sẽ ngừng giao dịch đồng USD trên nền tảng. Dù vậy, lượng người rời đi cũng không đáng kể. Nhưng một ngày sau phiên điều trần 14/6 giữa Binance và SEC, thị phần của sàn ban đầu tăng nhẹ lên 8,1% rồi “sập” xuống chỉ còn khoảng 1,15%.
Tính đến hết tháng 6, Binance.US chỉ còn chiếm khoảng 1,27%, thấp nhất trong 5 sàn giao dịch tiền số lớn nhất tại Mỹ, dù trước đó luôn giữ vị trí thứ hai. Trong khi đó, CoinBase hiện đạt hơn 56% thị phần. Tận dụng cú sẩy chân của Binance, ba sàn nhỏ hơn là Kraken, LMAX và Bitstamp đã vươn lên với 25,5%, 9% và 6% tương ứng.
CZ thành lập Binance năm 2017, đặt trụ sở tại Trung Quốc nhưng sau đó chuyển ra nước ngoài. Từ 2019, sàn ngừng cung cấp dịch vụ cho người dùng Mỹ theo quy định pháp luật nước này. Mọi hoạt động được chuyển sang Binance.US.
Trên thế giới, Binance vẫn là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất. Dữ liệu của CoinTelegraph cho thấy khối lượng giao dịch mỗi ngày trên sàn khoảng 8,5 tỷ USD. Công ty đang có 8.000 nhân viên toàn thời gian, làm việc ở khắp châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông, châu Phi và châu Á – Thái Bình Dương, nhưng không có trụ sở cố định, thay vào đó là các văn phòng đại diện.
Bảo Lâm (theo WSJ)