Chiến dịch đào Bitcoin bí mật của Bhutan

Nguồn thủy điện dồi dào cho phép chính phủ Bhutan triển khai mạng lưới mỏ đào Bitcoin lớn từ hơn ba năm qua.

Một số nguồn tin am hiểu vấn đề tại Bhutan hôm 30/4 cho biết nước này đã phát triển hoạt động đào Bitcoin ở cấp quốc gia từ năm 2020, nhưng chưa bao giờ công khai. Khi hoàn thiện, Bhutan sẽ trở thành một trong hai quốc gia trực tiếp vận hành mỏ đào Bitcoin, bên cạnh El Salvador.

Đại diện chính phủ Bhutan sau đó xác nhận họ bắt đầu đào Bitcoin cách đây vài năm, khi giá mỗi đồng vào khoảng 5.000 USD, đồng thời khẳng định nguồn thu từ Bitcoin được dành để bù đắp các khoản trợ cấp năng lượng và chi phí thiết bị.

Bộ Tài chính Bhutan từ chối nói chi tiết về quy mô hoạt động, thời gian và địa điểm triển khai mỏ đào, cũng như liệu kế hoạch có đang mang lại lợi nhuận hay chưa. Bitcoin đạt mức giá 5.000 USD hồi tháng 4/2019.

Bên trong một nhà máy điện ở Bhutan hồi năm 2013. Ảnh: AFP

Bên trong một nhà máy điện ở Bhutan. Ảnh: AFP

Bhutan đang đàm phán với công ty đào tiền số Bitdeer của tỷ phú Trung Quốc Wu Jihan. Đây là một trong những công ty khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới, được niêm yết trên sàn Nasdaq đầu tháng 4 sau thỏa thuận sáp nhập 1,1 tỷ USD với một công ty tại Mỹ. Bitdeer tháng trước thông báo đang tiếp cận nguồn năng lượng 100 MW để vận hành mỏ đào Bitcoin ở Bhutan, dự kiến khởi công trong quý II/2023.

Quốc gia Nam Á đã dành nhiều năm tham gia vào hoạt động tiền số. Công ty cổ phần Druk Holding & Investments thuộc sở hữu nhà nước từng đầu tư hàng triệu USD vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiền số. Tin đồn về các mỏ đào do chính phủ Bhutan hậu thuẫn cũng xuất hiện từ cách đây vài năm nhưng nhiều người dân tin là “dự án chủ yếu mang tính thử nghiệm”.

Dữ liệu hải quan cho thấy số lượng chip bán dẫn được Bhutan nhập khẩu tăng vọt những năm gần đây, với tổng giá trị khoảng 193 triệu USD.

Quy mô hoạt động đào Bitcoin tại Bhutan

Chính phủ Bhutan được cho là đã xem xét hợp tác với một số công ty bên cạnh Bitdeer. Hoạt động đào sử dụng 100 MW thua kém so với các mỏ đào khổng lồ như Rockdale ở bang Texas của Mỹ ở mức 450 MW, nhưng tương đương hàng loạt dự án lớn như mỏ Bitriver ở Nga hay kế hoạch triển khai dự án của Pow.re tại Paraguay, sử dụng nguồn điện từ một trong những con đập lớn nhất thế giới.

Hàng hóa nhập khẩu chính tại Bhutan là xăng, thép và gạo. Tuy nhiên, chip bán dẫn đã trở thành mặt hàng nhập khẩu hàng đầu trong năm 2021 và 2022, theo dữ liệu của Bộ Tài chính nước này.

Bhutan nhập lượng chip máy tính trị giá 142 triệu USD năm 2022, chiếm hơn 10% tổng giá trị nhập khẩu và tương đương 15% ngân sách hàng năm (khoảng 930 triệu USD), trong khi năm 2020 chỉ là 1,1 triệu USD. Các nguồn tin trong ngành công nghiệp tiền số nói lượng chip này có thể đủ dùng cho trung tâm dữ liệu có diện tích bằng nhiều sân bóng đá.

Lý do Bhutan tham gia thị trường tiền số

Đào Bitcoin ngày càng trở nên giống hoạt động công nghiệp, dùng nguồn chip chế tạo riêng từ các công ty như Bitmain và Canaan. Máy đào cũng được triển khai trong những trung tâm dữ liệu đòi hỏi nguồn năng lượng khổng lồ.

Trung Quốc năm 2021 ra lệnh cấm tiền số, trong khi Kazakhstan và Thụy Điển hạn chế hoặc đánh thuế thợ đào, buộc nhiều tổ chức tìm địa điểm mới có điện giá rẻ. Nhiều bang tại Mỹ, cùng Na Uy và Paraguay, đang thu hút lượng lớn thợ đào nhờ thủy điện dồi dào.

“Không bất ngờ khi xuất hiện các tổ chức đào Bitcoin tại Bhutan. Quốc gia này có nguồn thủy điện rất lớn so với quy mô dân số nhỏ, tạo ra lượng điện trên đầu người tương đương Mỹ. Năng lượng sẵn có và giá rẻ có sức hấp dẫn mạnh mẽ với thợ đào”, Jaran Mellerud, nhà phân tích tại Luxor, nhận định.

Nguồn tin giấu tên nói Covid-19 đã thúc đẩy giới chức Bhutan liên hệ với các thợ đào và nhà cung cấp thiết bị.

Bhutan, với dân số 800.000 người, hạn chế lượng du khách đến thăm mỗi năm. Họ phong tỏa biên giới từ tháng 1/2021 để ứng phó Covid-19 và chỉ ghi nhận 21 trường hợp tử vong, nhưng ngành du lịch đóng vai trò cốt lõi đã chịu ảnh hưởng nặng nề.

Giới phân tích bày tỏ lo ngại về khả năng duy trì hoạt động đào Bitcoin quy mô lớn tại Bhutan. Nước này hàng năm xuất khẩu 75% lượng điện sản xuất sang Ấn Độ, nhưng các dòng sông thường khô cạn vào mùa đông và buộc Bhutan nhập khẩu năng lượng từ quốc gia láng giềng.

“Thợ đào sẽ đối mặt với thiệt hại đáng kể trong giai đoạn đó. Mỏ đào đóng cửa dài hạn khiến họ không thể bù lại vốn đầu tư. Máy đào không chạy đồng nghĩa với không có tiền”, Alex de Vries, nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học Vrije ở Amsterdam, Hà Lan, cảnh báo.

Điệp Anh (theo Forbes)

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin