Cuốn “Mực tàu giấy bản” tuyển chọn 10 tác phẩm được viết trước năm 1945, cung cấp thông tin sinh động về những lớp học của thầy đồ với mực Tàu, bút nghiên, hay lớp học của trường Tây, lớp học của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ…
Sách Mực tàu giấy bản. Ảnh: Giáng Ngọc. |
Nhà văn Tô Hoài qua đời ngày 6/7/2014. Để tưởng nhớ nhà văn, Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành cuốn Mực tàu giấy bản dịp 10 năm ngày mất của ông.
Mực tàu giấy bản tuyển chọn 10 truyện ngắn được viết trước năm 1945 của Tô Hoài. Đây đều là những truyện về sinh hoạt của thiếu nhi, phản ánh sinh động đời sống, thế giới tinh thần của trẻ em gần một thế kỷ trước.
Đọc Mực tàu giấy bản, bạn đọc hôm nay không chỉ thưởng thức văn chương, mà còn được cung cấp những tài liệu xác tín về đời sống trẻ em, thế giới học đường của Việt Nam một thời.
Những tác phẩm có nhân vật là trẻ em và hướng về trẻ em từ Mực tàu giấy bản, đến các truyện ngắn Ghẻ đặc biệt, Nói về cái đầu tôi, U Tám, Thằng Nhó… dù mức độ thể hiện và hiệu ứng nghệ thuật sáng tác khác nhau, nhưng dễ nhận thấy tình cảm trìu mến dành cho các em của Tô Hoài.
Qua tập sách, bạn đọc của thế kỷ 21 có thể hình dung được lớp học của những thầy đồ, chữ Hán, mực Tàu, giấy bản, bút nghiên, những hình phạt trị học sinh hư… hay lớp học của trường Tây, lớp học của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ.
Lớp học của thầy đồ được miêu tả sinh động: “Đầu tôi bị đánh đai bằng một vành khăn nhiễu thâm. Tôi mặc một tấm áo the ba chỉ mà đôi vạt thì chùng lê thê đến lưng ống chân; hai ống, nếu tôi buông thẳng xuống, chúng sẽ phủ kín mít cả năm đầu ngón tay. Thành ra lúc nào tôi cũng phải đứng khuỳnh hai cánh tay. Cho tay áo khỏi tụt. Tất nhiên là tôi được mặc quần hộp, được xỏ chân vào đôi guốc mới.
Buổi sáng hôm ấy, tôi ăn mặc tươm tất như thế, để đi theo sau thầy tôi, – thầy tôi cũng khăn đóng, áo the dài chỉnh tề – hai bố con đi sang xóm Giếng. Tay thầy tôi xách một cái khăn gói đỏ – y như ông thầy tự đi cúng – trong đựng một cái tỏi gà lớn, một đĩa xôi, một chai rượu, mấy lá trầu, mấy quả cau, hương và nến! Chân tôi bước lập cập. Càng đi gần tới xóm Giếng tôi càng băn khoăn, nôn nao.
Vừa bước chân vào đến ngõ nhà thầy đồ Biền, đã nghe tiếng quát ầm ĩ và tiếng trẻ con học à à. Thầy đồ ngồi ở phản giữa. Học trò, anh thì ngồi, anh thì đứng – có những anh nằm bò ra – hỗn loạn, rối rít, líu tíu ở những phản bên, những bậc cửa và cả ở dưới đất”.
Lớp học của hội Truyền bá chữ Quốc ngữ: “Ờ thì ra ở Bưởi, cả dưới Nghĩa Đô, hội Truyền bá học Quốc ngữ về mở lớp học tối tại trường làng. Sau mấy ngày các người trong hội đi cổ động để nói về mục đích hội mở lớp học cho mọi người biết, tối hôm khai trường, người kéo tới học, đông không biết ngần nào là đông.
Đàn ông, đàn bà, người lớn trẻ con đứng xúm xít dưới ánh đèn ba dây, trước cửa trường. Ai cũng chen lấn, xô đẩy, muốn vào lớp trước. Học trò đông quá mà hai lớp học thì chỉ chứa được đủ số, nên các ông giáo phải hẹn người đợi khóa sau đến học. Cứ mỗi khóa ba tháng mà trường mở quanh năm”.
Thế giới học đường trước năm 1945 được Tô Hoài ghi lại bằng những chi tiết đắt giá trong Mực tàu giấy bản. Được xem là nhà văn tả chân, đời sống sinh hoạt, hiện thực xã hội, hiện lên sống động qua trang văn Tô Hoài.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Hà Nội xưa qua trang viết của hai cây bút nổi tiếngTô Hoài và Hà Ân là hai cây bút đã ghi dấu ấn riêng trong văn đàn Việt. Đầu tháng 10, Nhà xuất bản Kim Đồng in lại 5 cuốn sách về Hà Nội của hai cây bút tên tuổi này. |
Tô Hoài không thiêng hóa nghề vănTrong khi nhiều người lý tưởng hóa, coi nghề viết là thiêng liêng, Tô Hoài nói nghề văn như dệt cửi, phải chăm chỉ đầu hôm tối mai. |
Sự bền bỉ, cần mẫn với văn chương của Tô HoàiKhi người khác khen Tô Hoài viết nhanh, ông đáp lời: “Đời người ta chơi nhiều, dông dài nhiều, chứ ngồi viết có mất mấy thì giờ”. |