Sách “Đọc hiểu công trình kiến trúc” giúp độc giả hiểu được ngôn ngữ kiến trúc và câu chuyện lịch sử mà chúng đang lột tả.
Để giúp người đọc hiểu rõ hơn về các phong cách và những thành phần kiến trúc cơ bản của các dạng công trình, từ những công trình nổi tiếng cho đến gần gũi nhất, Carol Davidson Cragoe – nữ học giả chuyên về lịch sử kiến trúc, tác gia và giảng viên được đào tạo chuyên sâu tại Đại học New York và Trường Birkbeck, London – đã viết cuốn Đọc hiểu công trình kiến trúc.
Cuốn sách được viết như một “khóa học nhanh” (crash course) cho bất kỳ ai quan tâm và muốn tìm hiểu kiến trúc, lịch sử các phong cách phương Tây.
Sách Đọc hiểu công trình kiến trúc. Ảnh: O.P. |
Kiến trúc có ngôn ngữ riêng của nó
Theo Carol Davidson Cragoe, kiến trúc – nghệ thuật của công trình – có ngôn ngữ riêng của nó và đọc hiểu các công trình kiến trúc cũng giống việc đọc bất cứ ngôn ngữ nào. Có ba khía cạnh chính cấu thành ngữ pháp của ngôn ngữ kiến trúc đó là: các phong cách theo từng thời kỳ, các loại công trình khác nhau và vật liệu cấu thành. Cả ba điều điều này đều ảnh hưởng đến việc công trình sẽ trông như thế nào.
Trong cuốn sách, dựa vào chức năng và các đặc điểm riêng của mỗi công trình, tác giả sách đã nhóm chúng thành 5 loại, gồm: công trình tôn giáo, lâu đài và cung điện, nhà ở, công trình công cộng và công trình thương mại.
Công trình tôn giáo theo tác giả ngoài đặc điểm riêng là hình dáng công trình của mỗi tôn giáo khác nhau (đền thờ Hy Lạp, nhà thờ Cơ đốc giáo, hội đường Do thái giáo, Thánh đường Hồi giáo) thì chúng đều có đặc điểm chung là tạo nên một không gian cho người hành lễ.
Các công trình tôn giáo thường là các công trình nổi bật nhất trong một địa phương và có thể phân biệt từ xa bởi các mái vòm hoặc các tháp cao hiện trên đường chân trời.
Còn lâu đài theo tác giả đó là một công sự phòng thủ, và cung điện là nơi ở của hoàng gia hoặc quý tộc. Tuy nhiên, thời trung cổ, ranh giới sự khác biệt giữa hai loại công trình này thường bị xóa nhòa, với các lâu đài có tiện nghi sống xa hoa và các cung điện có lớp lang phòng thủ vòng ngoài mạnh.
Từ thế kỷ 17 về sau, công sự và nơi ở của quý tộc được tách biệt hơn, và kiến trúc cung điện phát triển như một nơi phô bày sự giàu có và thanh thế của chủ nhân. Nhiều biệt thự và dinh thự, khách sạn lớn xây trong hai thế kỷ 18-19 cũng vay mượn vốn từ của kiến trúc cung điện.
Còn nhà ở theo tác giả là loại công trình chủ yếu xung quanh chúng ta, nhưng thiết kế của chúng đã thay đổi đáng kể qua nhiều thế kỷ. Trong thế giới cổ xưa các ngôi nhà được xây với các phòng bao quanh một sân trong trung tâm có cửa mở về các phía. Vào thế kỷ 16, các không gian riêng tư được phân tách, bố trí ở các tầng trên trở nên thông dụng. Sự lớn mạnh của các thành thị cũng dẫn đến sự phát triển của các dãy nhà liền kề.
Về công trình công cộng, tác giả sách cho biết các xã hội có một số loại công trình công cộng với mục đích dân sự hoặc quản lý của chính quyền, cho các hoạt động giải trí quy mô lớn, cho các tập hợp nhà ở mở cửa cho nhiều người. Các nhà hát, tòa nhà chính quyền, thư viện, bảo tàng nằm trong số các công trình công cộng phổ biến nhất.
Còn công trình thương mại, theo tác giả là nơi dành cho mục đích cấ trữ và bán hàng hóa. Vào thế kỷ 19, các bách hóa tổng hợp bán mọi loại hàng hóa đã phát triển.
Nhà thờ Đức Bà Paris. Nguồn: sacotravel. |
Ngữ pháp của phong cách
Đề cập đến phong cách – thứ giúp chúng ta nhận ra một công trình xây từ khi nào và đôi khi cả việc xây nó để làm gì – tác giả cho biết chúng thay đổi đáng kể theo thời gian và giống những gì đi theo trào lưu, các phong cách cũ hơn được hồi sinh. Phong cách kiến trúc có hai thành phần chủ yếu: các chi tiết trang trí riêng rẽ, và bố cục tổng thể của các bộ phận của các công trình.
Trong cuốn sách, bằng những giải thích rõ ràng, cô đọng đi kèm các hình họa và bản vẽ kiến trúc sinh động cho mọi hạng mục, Carol Davidson Cragoe đã chỉ ra đặc điểm của từng phong cách kiến trúc qua các thời kỳ.
Đó là phong cách Hy Lạp về cơ bản là sự tái hiện kết cấu cột và dầm bằng gỗ, hoặc xà ngang, xây dựng bằng đá, và hầu hết công trình còn tồn tại là các đền thờ.
Đó là phong cách La Mã với một số phát kiến công nghệ quan trọng, bao gồm khả năng về kết cấu của cuốn, sử dụng bê tông và phát triển kỹ thuật mái vòm.
Đó là phong cách Cơ đốc giáo tiền kỳ và Byzantine, với việc sửa đổi các hình thức kiến trúc La Mã cho phù hợp với các nghi lễ của Cơ đốc giáo.
Đó là phong cách Romanesque (phát triển ở Châu Âu vào khoảng năm 1000 đến cuối thế kỷ 12) với đặc trưng là sử dụng các cuốn tròn, các bức tường dày và trang trí hình học nặng nề.
Đó là phong cách Gothic phát triển từ cuốn nhọn từ thế kỷ 12. Các công trình Gothic cao hơn và nhẹ nhàng hơn nhiều so với các công trình Romanesque trước đó.
Đó là phong cách Phục hưng (trong thế kỷ 15) loại bỏ tính tỉ mỉ của Gothic và lấy cảm hứng từ Cổ điển tái ứng dụng các Thức và kết hợp chặt chẽ với các trán tường [tam giác], mũ cột ngang khỏe khoắn, trần phẳng và các mô típ La Mã khác.
Đó là phong cách Baroque và Rococo phát triển vào thế kỷ 17 với đặc trưng là tổng thể cầu kỳ cả về chi tiết và không gian.
Đó là phong cách Palladian (cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19) với đặc trưng là sử dụng trán tường kiểu đền thờ, bằng mái đối xứng và cửa sổ Serlian.
Đó là phong cách Tân cổ điển (thế kỷ 18) với việc hồi sinh các phong cách Cổ điển, đặc biệt là Hy Lạp rất phổ biến ở Pháp và Mỹ.
Đó là phong cách hồi sinh Gothic (cuối thế kỷ 18) với việc mô phỏng các mô típ như mạng xương trang trí (sao chép các công trình Gothic).
Đó là phong cách cuối thế kỷ 19 với sự đa dạng của các phong cách Hồi sinh với thiết kể lấy các mô típ Cổ điển, Romanesque, Gothic và Phục hưng…
Đó là chủ nghĩa hiện đại (đầu thế kỷ 20) sử dụng trang trí hình học và các vật liệu hiện đại, bao gồm chất dẻo và các kim loại trang trí như crôm…
Cũng trong cuốn sách, tác giả cũng đưa ra thảo luận các vật liệu xây dựng chính (được tạo ra và có ảnh hưởng đến việc cảm nhận các công trình) như: đá, gỗ, thủy tinh, thép…
Bên cạnh đó, để độc gỉa hiểu sâu hơn về cấu trúc ngữ pháp kiến trúc, tác giả còn đề cập đến một vốn từ vựng kiến trúc về mỗi bộ phận của công trình như: cột, lò sưởi, mái, cầu thang, cửa sổ, cửa ra vào, trang trí… Mỗi một bộ phận này tương ứng với một chương trong cuốn sách.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Giúp bạn đọc hiểu tác phẩm hội họaSách “Đọc hiểu tác phẩm hội họa” giúp bạn nắm bắt nhanh cách tiếp cận một bức tranh của hội họa phương Tây. |
Vẻ đẹp kiến trúc Pháp – Đông Dương ở Hà Nội: Từ bản vẽ đến công trìnhĐây là những công trình kiến trúc Pháp – Đông Dương tiêu biểu, có tuổi thọ hàng trăm năm ở Thủ đô Hà Nội |
Kiến trúc phương Tây và mỹ cảm mới trong xây dựngSự lan truyền văn minh phương Tây diễn ra mạnh mẽ ở Sài Gòn và được thể hiện rõ rệt qua các công trình với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư chuyên nghiệp. |