Tỷ phú công nghệ Elon Musk nhiều lần đăng thông tin liên quan đến tiền số Dogecoin khiến tiền số này trồi sụt về giá.
Ngày 3/4, Musk đổi logo Twitter thành chó Shiba, biểu tượng của Dogecoin, khiến giá của token Doge tăng 25%. Ba ngày sau, ông quay về biểu tượng chim xanh quen thuộc của mạng xã hội. Giá Doge lập tức giảm 10% sau một tiếng, từ 0,105 USD còn 0,079 USD mỗi đồng.
Động thái trên được coi là phản ứng của Musk trước đơn kiện tố ông thao túng giá Dogecoin. Ngày 14/6/2022, nhà đầu tư Keith Johnson gửi đơn lên tòa án ở Manhattan, cáo buộc Musk cùng hai công ty của ông là SpaceX và Tesla tạo ra mô hình đa cấp để lừa nhiều người đầu tư vào Dogecoin. Người này đòi Musk bồi thường 258 tỷ USD cho các nhà đầu tư.
Tuần trước, nhóm luật sư của Musk gửi đơn lên tòa án, gọi vụ kiện là “tác phẩm hư cấu”. Những dòng tweet như “Dogecoin Rulz” hay “Doge muôn năm” của CEO Twitter được cho là vô thưởng vô phạt, không thể tác động đến thị trường. “Không có gì bất hợp pháp khi đăng lời ủng hộ trên Twitter hoặc chia sẻ vài bức ảnh vui về một loại tiền số có vốn hóa thị trường gần 10 tỷ USD. Tòa nên chấm dứt sự tưởng tượng của nguyên đơn và bác bỏ khiếu nại”, các luật sư của Musk viết.
Musk không đề cập đến vụ kiện, nhưng hành động của ông được xem là lời đáp trả trước cáo buộc. Dù vậy, theo CoinTelegraph, hành động này khiến những lời tố cáo càng trở nên có căn cứ. Thực tế, Musk nhiều lần công khai ủng hộ tiền số này và sau mỗi tweet của ông, Doge luôn biến động mạnh.
Những lần Musk ‘thao túng’ giá Dogecoin
Trong lĩnh vực tiền số, các tweet của Musk có ảnh hưởng rất lớn, dù ông không phải chuyên gia. Những nhận xét về Bitcoin hay Dogecoin khiến những người đầu tư vào các token này như “đi tàu lượn siêu tốc” thời gian qua.
Tháng 4/2021, Musk đăng dòng trạng thái “Chó sủa trăng” (Doge barking at the moon)” kèm bức tranh cùng tên của họa sĩ Joan Miro trên Twitter. Tweet này đã khiến giá Doge tăng hơn 100%, đạt mức đỉnh so với trước đó.
Một tháng sau, tỷ phú Mỹ tạo cuộc thăm dò trên Twitter rằng có nên chấp nhận mua xe Tesla bằng Dogecoin hay không, đẩy giá tiền số này lên hàng chục phần trăm. Cũng trong tháng, ông nói mình không bán Dogecoin, cũng như đang làm việc với các nhà phát triển để “cải thiện hiệu quả hệ thống giao dịch”. Giá meme coin tiếp tục tăng 15% và vượt 0,5 USD mỗi đồng, theo CoinMarketCap.
Tháng 5/2021, trên chương trình Saturday Night Live, Musk đã tự xưng là cha của Dogecoin (Dogefather) và còn hô “lên mặt trăng”. Tuy nhiên, khi được hỏi Dogecoin có phải là một trò đùa, tỷ phú này đáp: “Đúng, nó là một trò đùa”, tiền số lập tức giảm gần 40%. Cuối năm đó, Musk nói Tesla sẽ bán một số hàng hóa bằng Dogecoin. Giá token cũng lập tức tăng 24%.
Tính riêng giai đoạn 2020-2021, đồng tiền này đã tăng giá hơn 20.000%, chủ yếu nhờ vào các tweet của Musk.
Sau giai đoạn biến động mạnh, từ 2022, tweet của Musk dường như không còn nhiều tác dụng, dù vẫn gây ảnh hưởng ở mức nhất định. Chẳng hạn, trong đợt lao dốc của thị trường tháng 3/2022, Musk khẳng định trên Twitter rằng ông sẽ không bán những tiền số đang nắm giữ, gồm Bitcoin, Ethereum và Dogecoin. Tháng 4, khi Musk bắt đầu hỏi mua Twitter, ông đề xuất dùng Dogecoin trả phí cho Twitter Blue. Lần này, token chỉ tăng hơn 10%. Giới chuyên gia cho rằng ông dường như đã “hết phép”.
Trong khi đó, người có chuyên môn về tiền số không đồng tình với các ý kiến của Musk. Tháng 6 năm ngoái, nhà đồng sáng lập Dogecoin Jackson Palmer cho rằng CEO Tesla không hiểu gì về tiền số, chỉ “lừa mọi người” rằng ông rất thông thạo. Tháng 9/2022, Palmer tiếp tục bày tỏ sự khó chịu, nói tỷ phú liên tục nhắc đến Dogecoin là chiến thuật tạo sự chú ý, thu hút các cộng đồng, khiến họ sùng bái ông.
“Mọi thứ đều có lợi. Ông ta đang xây một đội quân cho riêng mình”, Palmer nói với Business Insider khi đó.
Còn với việc đổi logo Twitter ngày 3/4, giới chuyên gia đánh những hành động của Musk có thể phản tác dụng, khi ông đang thể hiện mình có thể tác động đến giá tiền số bằng các tweet trên mạng xã hội. Họ cũng không loại trừ đây là chiêu “bơm xả” của Musk để có tiền bù đắp chi phí trong việc vận hành Twitter.
Dogecoin là tiền số xuất phát từ một trò đùa, được tạo bởi kỹ sư máy tính Billy Markus và chuyên gia marketing Jackson Palmer để phê phán cơn sốt Bitcoin từ năm 2013. Đồng này dựa trên Litecoin, có tốc độ đào nhanh so với các tiền kỹ thuật số khác và không bị giới hạn như Bitcoin.
Bảo Lâm