Những năm qua, nhiều tác phẩm văn học queer kinh điển đã được dịch và giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam.
Cảnh trong phim Maurice (1987) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên. |
Trong lịch sử văn học nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung, văn học queer giữ một vị trí không thể thay thế, tác động đến nhiều khía cạnh không chỉ văn chương, nghệ thuật mà cả luật pháp, tiến bộ xã hội.
Một thập kỷ vừa qua, nhiều tác phẩm văn học queer kinh điển của thế giới trong thế kỷ 19-20 đã được dịch và giới thiệu đến bạn đọc Việt.
Căn phòng của Giovanni
Xuất bản năm 1956, tiểu thuyết của James Baldwin kể về những cảm xúc nội tâm phức tạp của David – một người đàn ông Mỹ sống ở Paris – đặc biệt là trong mối quan hệ với bartender người Italy tên Giovanni mà anh gặp tại một quán bar dành cho người đồng tính ở Paris.
Được xem là tác phẩm văn học LGBT+ quan trọng của thế kỷ 20, Căn phòng của Giovanni thảo luận nhiều vấn đề: đồng tính, song tính và sự kỳ thị đồng tính chính mình, sự xa lánh xã hội, danh tính con người, nam tính và định nghĩa nam tính trong mắt công chúng.
Tác phẩm có nhiều phần tự thuật (James Baldwin cũng chuyển đến sống ở châu Âu), song khác với Baldwin vốn là một người Mỹ da đen, nhân vật chính David lại là người da trắng.
Nhà xuất bản của Baldwin cho rằng điều này bất lợi cho ông vì đi ngược lại tinh thần các sáng tác trước đó. Song sau khi xuất bản, tác phẩm được đánh giá cao, thúc đẩy nhiều thảo luận cởi mở.
Nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh cuối thể kỷ 20, đầu thế kỷ 21 cũng chịu ảnh hưởng của Căn phòng của Giovanni.
Maurice
Lấy bối cảnh Đại học Cambridge những năm 1920, Maurice kể về tình bạn dần nảy nở thành tình yêu thuần khiết và chân thành giữa sinh viên trẻ tuổi Maurice Hall và Clive Durham lịch lãm và trí thức. Nhưng thời đại không cho phép họ sống theo mong muốn của mình, họ buộc phải lựa chọn dẫu cho thống khổ.
Maurice có lẽ là kiệt tác và chắc chắn là tiểu thuyết riêng tư nhất của E.M Forster, hoàn thành vào năm 1914 nhưng phải đến năm 1971 mới được xuất bản, sau khi ông qua đời.
Chân thực, ngôn từ lộng lẫy, tác phẩm lên án mạnh mẽ thái độ đàn áp con người của xã hội bấy giờ, đồng thời cũng là chuyện tình cảm động và đượm tính tự sự về hành trình khám phá bản thân trong ái tình của một người đàn ông.
Carol
Đặt trong bối cảnh nước Mỹ những năm 50, khi tình yêu giữa hai người đồng giới còn chịu nhiều định kiến, Carol là chuyện tình vừa hiện thực vừa lãng mạn giữa Therese Belivet, một nhân viên thu ngân mơ làm nhà thiết kế sân khấu và Carol, một người phụ nữ giàu có sắp ly dị chồng.
Ngược lại những kết thúc buồn thảm trong các cuốn truyện cùng đề tài đương thời, Carol mang đến một cái kết khấp khởi hy vọng cho các đôi đồng tính nữ – lựa chọn dường như chưa từng có tiền lệ. Xuất bản từ năm 1952, đến nay, Carol vẫn được xem là một tiểu thuyết kinh điển về đề tài này.
Chân dung của Dorian Gray
Tiểu thuyết đậm tính triết học này của nhà văn người Ireland Oscar Wilde chỉ thể hiện rất tế vi những vấn đề xoay quanh đồng tính luyến ái. Song mối quan hệ, sự trao đổi, những hội thoại giữa các nhân vật nam trong cuốn sách dường như vượt ngoài các chuẩn mực xã hội nghiêm ngặt của nước Anh thời Victoria. (Bản thân Oscar Wilde chịu nhiều bất hạnh vì xuất bản cuốn tiểu thuyết này, bao gồm bị xử tội theo luật pháp thời bấy giờ).
Nhân vật Dorian và Sybil đều thách thức, phê phán những định kiến giới, vai trò hạn chế và những phán xét khắc nghiệt dành cho nam giới và phụ nữ trong thời đại đó. Từ đây, tiểu thuyết đưa ra một góc nhìn về cấu trúc xã hội thời Victoria.
Màu Tím
Xuất bản năm 1982, Màu Tím kể câu chuyện đời nhiều bất hạnh của cô bé da màu Celie, bị chính cha mình bạo hành, lạm dụng rồi lại bị gả cho một kẻ tiếp nối những hành động tác ác này.
Quan hệ đồng tính nữ chỉ là một trong nhiều vấn đề vừa nhạy cảm, vừa ám ảnh mà cuốn sách đề cập: phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, bạo lực thân thể, bạo lực tình dục…
Tiểu thuyết đã lột tả xuất sắc cuộc sống của những phụ nữ da màu đầu thế kỷ hai mươi, nêu bật tinh thần kiên cường, mạnh mẽ và khao khát sống với tình yêu thương của họ. Sách đoạt nhiều giải thưởng văn học danh giá và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh, nhạc kịch.
Lời tự thú của chiếc mặt nạ
Tiểu thuyết tự thuật này đã ngay lập tức giúp Yukio Mishima xác lập được vị thế của mình trong văn giới. Bằng lời thú tội không chút giả dối, không chút định kiến, không cần tự biện minh, Mishima khám phá những ẩn ức, những ham muốn ẩn sâu dưới lớp mặt nạ vốn được trưng ra để đối phó với định kiến và nề nếp xã hội của một thiếu niên đồng tính.
Đằng sau lời thú tội, gỡ đi lớp mặt nạ giả tạo, người ta phải dùng bộ mặt thật để đối diện, khám phá những điều thiêng liêng của sự tồn tại, khát vọng sống và hướng về một cái chết đẹp đẽ.
Soi sâu vào nội tâm con người, cuốn sách có vai trò đặc biệt, không chỉ đặt nền móng cho các sáng tác về sau trong văn nghiệp của Mishima, mà còn là tác phẩm kinh điển của văn học Nhật Bản và thế giới.
Nhật ký cá sấu
Viết về đề tài đồng tính nói chung và đồng tính nữ nói riêng đậm chất hiện sinh, tuy không phải tự truyện, nhưng Nhật ký cá sấu cũng gần như tiểu thuyết tự sự của Khâu Diệu Tân. Không tập trung vào cốt truyện, tiểu thuyết đào sâu tâm lý giằng xé của các nhân vật.
Những khát khao kìm nén, những đớn đau khi cố gắng gọt giũa mình cho vừa với “lốt người”, những cảm thức sa đọa và băng hoại của “tôi” là nỗi niềm trước xã hội còn nặng nề định kiến và ác ý với người đồng tính ở thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước. Cuốn sách không chỉ gây chấn động ở quê nhà mà còn khiến độc giả quốc tế, nhất là độc giả phương Tây khi tiếp cận với tác phẩm phải ngỡ ngàng trước lối văn ma mị, huyền ảo, một màu sắc mới mẻ trong dòng sách đề tài này.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.