‘Rừng Mắm’ có gì đặc biệt?

“Rừng mắm” của Bình Nguyên Lộc không chỉ chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc của người Nam Bộ khi xưa mà còn là nguồn tư liệu lịch sử – xã hội quý giá.

Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc được in lần đầu trong tập Ký thác (NXB Cửu Long, năm 1968) và được chọn là truyện mở đầu, mang tính chủ đạo.

Truyện kể về một gia đình ba thế hệ, vì nghèo không có đất nên lưu lạc tới xứ U Minh (Cà Mau) để khai phá. Nơi định cư mới bên bờ rạch được họ đặt tên là Ô Heo vì ban đầu là hang ổ của heo rừng và thú dữ. Vùng đất không người đó vừa khắc nghiệt lại vừa nên thơ qua con mắt của cậu thiếu niên tên Cộc, hứa hẹn rằng những đắng cay mà gia đình Cộc phải chịu lúc này sẽ đem lại ngọt bùi khi người dân tứ xứ theo chân họ đến đây lập nghiệp, mở ra một tương lai tươi sáng.

Với văn phong giàu tình cảm và đậm chất Nam Bộ, tác giả Bình Nguyên Lộc đã dệt nên câu chuyện về những người bám đất, khai hoang và nỗi lưu luyến với người xưa cảnh cũ. Dư âm đọng lại là nỗi nhớ thương dành cho đất đai và con người của quê hương, khiến người đọc ngậm ngùi khó tả.

Rung mam anh 1

Tái hiện lại một phần lịch sử vùng Nam bộ buổi khai hoang, mở đất đầy mồ hôi, nước mắt và cả sự hy sinh của cha ông ta khi những người Việt đầu tiên tìm đến thuần hóa đất đai, Bình Nguyên Lộc viết: Đó là một “cái xó không người” với “khí hậu tàn ác”: “nóng, ẩm, còn muỗi mòng thì quơ tay một cái là nắm được cả một nắm đầy”. “Đất ở đây mặn chát dùng không được”.

Nếu ở Rừng mắm, Bình Nguyên Lộc kể về lớp người mở đất thì ở Bám níu, ông lại hướng về những người bám đất. Thông qua hoạt động hứng cá, tát vũng bắt cá của dân quê miền Đông Nam bộ khi qua mùa nước lũ, ông nói lên thông điệp về việc giữ đất quê hương.

Hai truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc đã ghi chép lại một phần lịch sử, nhắc nhở mỗi người về sự thiêng liêng của từng tấc đất quê hương, về sự hy sinh của lớp người đi trước để thế hệ này tiếp tục nỗ lực vì dải đất thân thương, vì sự no ấm của nhân dân. Lời văn mộc mạc, tự nhiên và giàu tình cảm của Bình Nguyên Lộc khiến những câu chuyện thêm thấm thía.

Như mọi sáng tác của Bình Nguyên Lộc, tập truyện thể hiện rõ niềm yêu thích mãnh liệt của nhà văn đối với ngôn ngữ và tập quán của dân tộc, đặc biệt là người dân Nam Bộ.

Rất nhiều lần tác giả bày tỏ nỗi nhớ với cảnh cũ và người xưa. Xe lửa Mỹ bung vành, Hồn ma cũ, Tình thơ dại, Chiếc khăn kỷ niệm, Tiếng thời gian, Hương gây mùi nhớ là những truyện ngắn về chủ đề này. Cảm hứng về thời gian, sự biến thiên, tàn phai, thay đổi có lẽ luôn hiện diện trong sáng tác của những nhà văn lớn.

Không chỉ vậy, chính lời văn của Bình Nguyên Lộc cũng là một nguồn tư liệu phong phú về ngôn ngữ dân gian Nam Bộ. Chữ và văn của ông đậm chất đời, rặt lời ăn tiếng nói của người dân miền Nam.

“Cứ hai năm một lần, nghỉ tết xong là họ trét ghe lại. Nước sông có những côn trùng rất ưa ăn gỗ sao… Chúng nó đục khoét, lỗ nào lỗ nấy to bằng mũi kia… cứ đậu ghe lên mặt cồn, dùng gỗ khối mà kê ghe, rồi nước ròng là ghe lòi ra, mặc sức mà săn sóc nó…”.

Bình Nguyên Lộc (1914 – 1987) tên thật là Tô Văn Tuấn, là nhà văn lớn, nhà văn hóa Nam bộ chuyên nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và cổ văn. Trong sự nghiệp cầm bút, ông có khoảng 50 tiểu thuyết, 1000 truyện ngắn và 4 cuốn sách nghiên cứu. Nhiều sáng tác của ông chưa kịp in đã bị thất lạc, hủy hoại trong chiến tranh. Một số tác phẩm của Bình Nguyên Lộc được NXB Trẻ ấn hành bao gồm: Đò dọc, Mưa thu nhớ tằm, Cõi âm nơi quán cây dương, Mối tình cuối cùng, Hương quê.

Rừng mắm là tập truyện ngắn đặc sắc mang đậm chất văn Bình Nguyên Lộc: đong đầy nỗi thương mến dành cho đất đai và con người của quê hương, chuyên chở các giá trị văn hóa – ngôn ngữ đáng quý, là nguồn tư liệu góp phần bảo tồn vốn quý của dân tộc.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin