Vội vàng cắt lỗ sau khi USDC mất chốt, một người chơi hoán đổi hai triệu USD tiền số, nhưng chỉ thu về 0,05 USD.
Trong ngày 11/3, nhiều người đã chuyển đổi tiền số USDC sang các đồng khác sau khi stablecoin này mất chốt một USD, hậu quả từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) hôm 10/3.
Tuy nhiên thay vì lỗ một phần, một người đã gần như mất toàn bộ tài sản vì vội vàng trong quá trình hoán đổi. Theo dữ liệu ghi lại trên blockchain và được tài khoản Twitter BowTiedPickle thu thập, người chơi này đã hoán đổi hơn 2,08 triệu USD token 3CRV, nhưng chỉ thu về 0,05 USD.
3CRV là token của bể thanh khoản (Liquidity Pool – LP) chứa ba stablecoin là DAI – USDT – USDC với giá trị ổn định khoảng một USD. Các nhà đầu tư tiền số thường lưu trữ tài sản dạng này nhằm kiếm thu nhập thụ động.
Tuy nhiên, theo BowTiedPickle, khi nỗi sợ USDC mất giá, người chơi nói trên đã cố gắng hoán đổi token 3CRV của mình sang một stablecoin khác là USDT bằng công cụ phi tập trung (DEX) KyberSwap.
Điểm chung của các giao dịch trên DEX là người tham gia thường phải chấp nhận một chỉ số là Trượt giá (slippage), tức chênh lệch giữa số tiền trên lý thuyết và số tiền thực tế. Thông thường, họ có thể chọn slippage thấp để tối đa hóa số tiền thu được, hoặc chọn cao hơn nhằm đảm bảo giao dịch chuyển đổi thành công hoặc rút ngắn thời gian.
“Trong lúc vội vàng, người này đã sơ ý không đặt độ trượt giá chính xác mà lại nhấn đồng ý”, BowTiedPickle cho hay. Do đó, số token trị giá hơn 2 triệu USD đã được DEX tự động điều hướng vào một bể thanh khoản chỉ chứa 2 USD và đã không hoạt động trong thời gian dài. Giao dịch thành công với mức trượt giá gần như 100%. Người chơi nhận về 0,05 USD.
Ngay sau đó, một bot sau đó đã phát hiện giao dịch và dùng 1,45 USD cùng phí gas để hoán đổi ngược lại số token của người dùng. Token này đã được đưa lên sàn giao dịch, có thể nhằm rút tiền.
KyberSwap xác nhận sự việc. Trên Twitter, dịch vụ này cho biết giao dịch diễn ra trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, dẫn đến các lộ trình hoán đổi đều gặp vấn đề trong việc ước lượng phí gas để chạy giao dịch. Chỉ có duy nhất lộ trình 0x có thể thành công dù tỷ lệ chuyển đổi thấp. Công cụ này cũng hiển thị tỷ lệ chuyển đổi cho người dùng và được họ bấm đồng ý thì giao dịch mới có thể thực hiện.
“Sự cố là một tình huống đáng tiếc do các yếu tố hy hữu kết hợp cùng sự biến động của thị trường”, KyberSwap nhận xét. Nhà phát triển cũng đang liên hệ với người dùng kém may mắn trên, người tạo bot cùng các bên để hỗ trợ người dùng thu hồi lại số tiền.
Trên trang cá nhân, ông Trần Huy Vũ, CEO Kyber, nói đây không phải lỗi của công cụ, nhưng dự án sẽ giúp người dùng khắc phục một phần số tiền đã mất. Ông cũng cho biết sự việc cho thấy một vấn đề của tài chính phi tập trung, khi giá và giao dịch thường phải chịu một độ trễ nhất định là blocktime. “Người dùng cần kiểm tra cẩn thận cho đến khi thực hiện giao dịch”, ông Vũ nói.
Thị trường tiền số đang trải qua giai đoạn biến động lớn, khi stablecoin lớn thứ hai thế giới là USDC mất chốt một USD. Nguyên nhân là do 3,3 tỷ USD tiền từ Circle Internet Financial, công ty phát hành USDC, mắc kẹt trong Silicon Valley Bank. Lo mất thanh khoản, người dùng ồ ạt chuyển đổi USDC sang các stablecoin khác như USDT, khiến token càng mất giá thêm. Đến trưa ngày 12/3, giá của USDC vẫn chưa thể khôi phục về một USD khi dừng ở mức 0,95 USD.
Stablecoin là tiền số được phát triển trên blockchain và có giá trị ổn định, được neo cố định theo giá trị của tiền pháp định, như USD hoặc Euro. Trên lý thuyết, một đồng stablecoin sẽ tương đương một USD (tỷ lệ quy đổi 1:1), bất kể các loại tiền số khác trồi sụt như thế nào. Chúng trở thành yếu tố quan trọng với hệ sinh thái tiền điện tử, giúp người dùng dễ dàng giao dịch. Tuy nhiên thời gian qua, hàng loạt stablecoin gặp vấn đề. Giữa tháng 2, BUSD – stablecoin lớn thứ ba thế giới và gắn với hệ sinh thái của Binance – bị cấm phát hành. Trước đó, cú sập Luna năm ngoái cũng xuất phát từ việc stablecoin UST của Do Kwon không giữ được tỷ lệ ổn định 1:1 và gây ra một trong những vụ sụp đổ lớn nhất thị trường tiền số.
Điệp Anh