Ý nghĩa thực của KPI/OKR là tạo cơ hội cho cấp trên và cấp dưới cùng nhận định được mốc khả thi cao nhất có thể cho đôi bên.
Thật ra, Hội đồng Quản trị không bao giờ đợi tới hạn kỳ mới đưa ra xét xử, vì họ chỉ cần vớ được một vài “triệu chứng không thể đạt” là họ sẽ mở ngay một cuộc họp bất thường để luận tội đương kim Tổng giám đốc.
Số phận Tổng giám đốc doanh nghiệp ở các nước tư bản thuần túy rất hẩm hiu, tuy phần thưởng cũng rất lớn khi đạt chỉ tiêu. Hội đồng Quản trị coi họ như nhân viên không hơn không kém, và không ngần ngại đuổi họ, một là vì mỗi lần như thế họ tạo một áp lực vô cùng “tốt lành” cho người kế nhiệm, hai là vì những ứng viên vào vị trí này đông nhan nhản.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: soundthatbrands.com |
Hàng ngàn nhân sự được đào tạo từ những ngôi trường danh giá như Harvard, Yale hay Princeton hoặc Ecole Polytechnique vẫn đang kiếm việc tương xứng với trình độ và bằng cấp!
Tại các nước phát triển cao, văn hóa báo cáo trong các doanh nghiệp hàng đầu cực kỳ chặt chẽ, không để khe hở cho rủi ro hoặc cơ hội cho đối thủ. Ở doanh nghiệp nước ta, nhiều khi nhân viên chỉ làm việc cho xong và làm nhanh để bỏ sở về sớm, rồi ngày hôm sau mọi việc phải xử lý lại từ đầu.
Những người này thiếu ý thức cao, đôi khi coi đồng tiền của cổ đông như tiền chùa, vậy thì thử hỏi báo cáo để làm gì, sẽ có công dụng gì? Văn hóa báo cáo chặt chẽ thiếu vắng tại hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí rất đông doanh nghiệp trong nước chưa hiểu báo cáo là để làm gì, đôi khi ngay cả lãnh đạo cũng không màng theo dõi những diễn biến sát thời gian thật.
Ðể rồi, mỗi khi rủi ro xảy ra, việc xử lý thường theo một cách quá đơn giản: họ sẽ đổ lỗi cho nhau, mà khi phân giải không tài nào biết lỗi thực sự thuộc về ai. Một vài nhân viên sẽ bị sa thải, hoặc họ từ nhiệm, đi thẳng sang công ty đối thủ, thế là huề cả làng!
Một KPI hay OKR tại nước văn minh luôn luôn là kết quả của một cuộc thương thuyết gay go giữa nhân viên với ý thức trách nhiệm cao và lãnh đạo. Nhân viên phải giải thích tại sao mức sào nào đó quá cao, không thể đạt được, còn lãnh đạo phải thuyết phục nhân viên rằng mục tiêu vừa nói vẫn còn quá thấp.
Ý nghĩa thực của KPI/OKR là tạo cơ hội cho cấp trên và cấp dưới cùng nhận định được mốc khả thi cao nhất có thể cho đôi bên, mà chỉ một cuộc thương thuyết tay đôi sếp-nhân viên mới cho phép tìm ra. Nó không thể là một bản tổng kết lỏng lẻo và thiếu kiểm định. Thành thử, KPI ở đây sẽ là một cuộc thương thuyết đi tới một cuộc cam kết xuyên tổ chức.
Còn ở các doanh nghiệp trong nước, chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cuộc thương thuyết nào giữa lãnh đạo và nhân viên để cố định một mục tiêu mang tính cam kết và ràng buộc đôi bên. Phía nhân viên đã đành, nhưng lãnh đạo cũng có phần cam kết của họ trong việc thực hiện KPI của nhân viên – họ phải hỗ trợ như thế nào, họ phải tôn trọng tiến độ của công việc ra sao…
Thời chưa có khái niệm KPI, vào những năm 80 của thế kỷ trước, tôi luôn luôn phải mở một cuộc thương thuyết tay đôi với mỗi thành viên nằm dưới cánh chỉ huy trực tiếp của mình. Việc này rất cực nhọc, nhưng kết quả là sau đó, gần như tôi không cần quan tâm đến việc làm của nhân viên đó nữa.
Những người này biết rõ mức thưởng phạt mà họ sẽ nhận, vì đã chấp nhận mọi thông số bằng văn bản sau cuộc thương thuyết với tôi. Mỗi người một KPI, và mỗi KPI một văn bản mà hai bên phải long trọng ký vào.
Chẳng cần phải nói dài dòng thêm, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có khả năng áp dụng thật trọn vẹn những phương pháp quản lý tại những nước tư bản mà mọi yếu tố môi trường và trình độ chung khác hẳn chúng ta.
Tại các nước Âu, Mỹ, tinh thần trách nhiệm với môi trường rất cao. Doanh nghiệp không thể chấp nhận được một hành động không thuận với môi trường, hoặc với chính sách chung của đất nước.
Việc tuân thủ pháp luật, tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp, cho xã hội, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức là những điều không cần phải nhắc nhở, vì đã ăn sâu trong văn hóa làm việc của các kỹ sư, nhà thiết kế, những chủ đầu tư, những luật sư…
Những điều vốn dĩ đã ăn sâu vào văn hóa và giáo dục thì không cần phải học. Mọi dự án đương nhiên đều tôn trọng các chỉ tiêu ô nhiễm môi trường – đôi khi doanh nghiệp mất hàng tháng để giải quyết vấn đề này trước khi mang đề án tới khách hàng. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm điện, nước, mọi tài nguyên. Và mọi dự án đương nhiên sẽ tham gia vào những mục tiêu an sinh.
Ðiều này nghĩa là hiếm khi nào người ta có thể chứng kiến những vụ sử dụng hóa chất quá mức cho phép, xả nước thải, rác thải xuống sông… Doanh nghiệp sẽ tự giác trồng thêm hoa ngoài giậu, hay tham gia vào những công cuộc tuyển dụng người khuyết tật… Tất cả những điều nói trên đều tới cùng lúc với một văn hóa doanh nghiệp sẵn có.