4 cuốn sách là cảm hứng cho các tác phẩm được đề cử Oscar 2024

“American Prometheus”, “Poor Things”, “Vầng trăng máu” và “Erasure” là 4 cuốn sách đã mang đến câu chuyện xuất sắc cho những bộ phim đang tranh giải Oscar lần thứ 96.

Lễ trao giải Oscar lần thú 96 sẽ diễn ra vào ngày 10/3 tới đây. Nhiều tác phẩm được vinh danh trong buổi lễ được chuyển thể hay lấy cảm hứng từ các cuốn tiểu thuyết hoặc phi hư cấu đặc sắc.

Dưới đây là 4 cuốn sách đáng chú ý được giới thiệu bởi Gilbert Cruz, biên tập viên của tờ The New York Times.

Sach Oscar anh 1

American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer

Oppenheimer của vị đạo diễn tài ba Christopher Nolan đang là ứng cử viên số một cho giải Phim xuất sắc năm nay khi đã càn quét khắp các giải thưởng quan trọng tiền Oscar như Quả cầu vàng, Critics’ Choice Award, BAFTA và SAG. Tác phẩm này được dựa trên cuốn sách American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer (Prometheus của Mỹ: Chiến thắng và bi kịch của J. Robert Oppenheimer) được chấp bút bởi nhà báo Kai Bird và nhà sử học Martin J. Sherwin.

Cuốn tiểu sử dày hơn 700 trang này mang tới một góc nhìn chi tiết và toàn diện về cuộc đời của nhà vật lí học người Mỹ, J. Robert Oppenheimer, từ thời thơ ấu cho tới khi ông trở thành “cha đẻ bom nguyên tử”, và phần đời về sau của ông dành cho cuộc đấu tranh phản đối vũ khí hạt nhân và bom nhiệt hạch.

Dựa trên hàng nghìn hồ sơ và thư từ, cùng gần trăm cuộc phỏng vấn với những người bên cạnh Oppenheimer, được thực hiện trong khoảng 25 năm, cuốn sách đã đem lại cho 2 tác giả nhiều giải thưởng, bao gồm cả giải Pulitzer năm 2006 cho hạng mục Tiểu sử và Tự truyện.

Sach Oscar anh 2

Poor Things

Ai từng xem bộ phim mới nhất của đạo diễn Yorgos Lanthimos có lẽ sẽ đều ấn tượng với sự kì quặc của tác phẩm, và đó có thể là tiền đề để họ đỡ choáng ngợp trước những dị thường của nguyên tác – cuốn tiểu thuyết cùng tên của văn hào người Scotland, Alasdair James Gray.

Mang dáng dấp câu chuyện nổi tiếng về quái vật của Frankenstein, cuốn sách kể về Bella Baxter, một cô gái trẻ được hồi sinh với bộ não của một đứa bé sơ sinh.

Đặt trong bối cảnh thành phố Glasgow (Scotland) cuối thế kỉ 19, hành trình khám phá thế giới giữa tình yêu và tai tiếng của Bella cho thấy sự pha trộn nhuần nhuyễn của tác giả với các yếu tố kinh dị gothic, khoa học giả tưởng và hài hước dưới màu sắc của thời kì Victorian; qua đó thể hiện mối quan tâm của nhà văn với các vấn đề bất công xã hội, những mối quan hệ, kí ức và nhân dạng.

Poor Things đã dành được giải thưởng Whitbread và giải thưởng cho tác phẩm hư cấu của tờ The Guardian sau khi xuất bản vào năm 1992.

Sach Oscar anh 3

Vầng trăng máu

Cảm hứng để đạo diễn lừng danh Martin Scorsese tạo nên bộ phim đồng thời tái hợp với cả hai tài tử quen thuộc của mình – Leonardo DiCaprio và Robert De Niro – và nhận 10 đề cử Oscar năm nay (chỉ ít hơn OppenheimerPoor Things) là cuốn sách của nhà báo David Grann, Vầng trăng máu: Cuộc thảm sát người Osage và sự ra đời của tổ chức FBI.

Nằm trong mười cuốn sách phi hư cấu hay nhất năm 2017 do tạp chí TIME bình chọn, Vầng trăng máu là câu chuyện về bộ tộc Osage tại hạt Osage, bang Oklahoma (Mỹ) đầu những năm 1920.

Bị dồn ép phải tha hương đến vùng đất cằn cỗi này, nhưng nhờ những giếng dầu khổng lồ được phát hiện trên đất của mình, họ trở thành nhóm người giàu có nhất thế giới, có cuộc sống xa hoa nhưng đồng thời cũng là mục tiêu bị lợi dụng, lừa lọc và thậm chí áp bức mang tính hệ thống. Đỉnh điểm xảy đến khi những người thừa kế khối tài sản khổng lồ ấy lần lượt chết một cách đầy bí ẩn.

Cuốn sách theo chân cuộc điều tra của tổ chức FBI non trẻ, và phơi bày một trong những âm mưu kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ.

Sach Oscar anh 4

Erasure

Giải Oscar năm nay tiếp tục ghi nhận dấu ấn của một tác phẩm giá trị khai thác vấn đề sắc tộc vẫn luôn nhức nhối trong xã hội Mỹ. Thành công của bộ phim American Fiction đã kéo sự chú ý tới tác phẩm gốc ra đời 23 năm trước đây của nó, Erasure.

Nhà văn Percival Everett từ cuốn tiểu thuyết này của mình đã phơi bày định kiến trong chính ngành xuất bản. Erasure kể về Thelonious “Monk” Ellison, một nhà văn người Mỹ gốc Phi liên tục bị từ chối bản thảo vì nó không thoả mãn hình mẫu mà các nhà xuất bản mong muốn đối với tác phẩm viết bởi một nhà văn da màu.

Bực tức khi một cuốn sách khác lợi dụng hình mẫu đó lại thành công vang dội, Monk quyết định buộc tội những cuốn sách như vậy bằng cách viết tác phẩm trào phúng My Pafology. Nhưng bất ngờ là nó lại được chào đón nồng nhiệt, đem lại tiền tài và danh vọng cũng như hàng loạt rắc rối cho Monk.

Hài hước đầy tăm tối và giận dữ, Erasure không chỉ chế giễu cái nhìn cố hữu và khuôn mẫu với người da màu mà còn là câu chuyện cảm động về những biến cố và tình cảm gia đình.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Nguyên tác của ứng cử viên Oscar ‘Poor Things’ là tác phẩm kỳ lạ

Bộ phim được đề cử giải Oscar “Poor Things” dựa trên cuốn sách xuất bản năm 1992 của nhà văn nổi tiếng người Scotland Alasdair Gray – một tiểu thuyết “kỳ lạ”.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin