Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa tới bạn cuốn sách địa chí “Ba Đồn mạn thuật” của nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Bạn có ngạc nhiên không khi thấy Nguyễn Quang Lập viết sách địa chí? Ông là nhà văn, nhà viết kịch bản sân khấu, điện ảnh nổi tiếng từ những năm tám mươi thế kỷ trước mà kể tên những tác phẩm như các tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng, Tình cát, các kịch bản phim Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Đảo của dân ngụ cư nhiều người còn nhớ. Bẵng đi một thời gian vắng bóng trên văn đàn thì bây giờ Nguyễn Quang Lập lại bất ngờ xuất hiện với một cuốn sách mới không phải là văn chương.
Ba Đồn mạn thuật là cuốn sách địa chí viết về cái làng quê ông ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Tên sách do tiến sĩ văn học Trần Hải Yến đặt với nghĩa đây là những ghi chép, kể chuyện, khảo cứu một cách phóng túng, thoải mái về vùng đất Ba Đồn. Một cách viết như thế là phù hợp với sở trường văn chương của tác giả. Hãy nghe tác giả nói ở đầu sách: “Từ khi sang tuổi sáu mươi tôi luôn đau đáu về một cuốn sách địa chí về Phan Long – Ba Đồn. Địa là đất, chí là sự ghi chép, địa chí là loại sách ghi chép tất cả những gì xảy ra ở một vùng đất, tất tần tật, từ những sự kiện lớn lao tới con tôm con cá, không sót một thứ gì. Một cuốn sách như thế rất cần cho các thế hệ trẻ và con cháu đời sau một khi họ muốn biết quê cha đất tổ ra sao, tổ tiên ông bà đã sống thế nào”.
Cuốn sách lúc đầu là dự án của 7 người bạn Ba Đồn dự định thực hiện trong hai năm. Nhưng do không kiếm được nguồn kinh phí tài trợ nên dự án đành bỏ dở. Nhóm bạn đã tính thuê người ngoài viết nhưng họ thấy khó khăn nên không nhận lời. Vậy là Nguyễn Quang Lập đã “liều mạng” (chữ của ông dùng) tự mình gánh lấy công việc lớn lao phức tạp này vì coi đó như một ân nghĩa phải đáp đền cho quê hương. Ông đã lao động viết sửa, tu chỉnh, biên tập trong 500 ngày đêm để hoàn thành bản thảo cuốn sách.
Đọc hết cuốn sách Ba Đồn mạn thuật in khổ lớn dày hơn sáu trăm trang bạn mới thấy hết và cảm phục sự “liều mạng” vì quê hương của Nguyễn Quang Lập. Ông phải tìm đọc nhiều sách báo địa dư sử ký có nói xa gần về vùng đất quê mình. Ông phải tra cứu nhiều tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau xưa nay, trong ngoài nước, phải nhờ đến sự giúp đỡ của nhiều người trong việc dịch thuật, chú giải. Ông phải về thực địa hỏi bà con chòm xóm, các bậc cao niên trong làng ngoài xã. Ông phải có cái nhìn vừa bao quát xa gần vừa tỉ mỉ chi tiết. Ông phải tổng hợp tất cả những thứ đó và tìm cách viết cho ra một cuốn sách địa dư có bố cục chặt chẽ, bao quát được hết Thiên – Địa – Nhân của một vùng đất, nhưng vẫn cho phép mình được bộc lộ cảm xúc của một người con quê hương.
Cái tên Ba Đồn ai đi trên con đường thiên lý Bắc Nam qua Đèo Ngang đến sông Gianh đều nghe tên biết tiếng. “Phường Ba Đồn thuộc Thị xã Ba Đồn ngày nay, 20 năm về trước là địa phận Thị trấn Ba Đồn, 65 năm về trước là địa phận làng Phan Long.” Mở đầu bằng một câu viết đơn giản thế, nhưng để tìm gốc gác làng mình Nguyễn Quang Lập đã phải truy ngược về lịch sử của vùng Bắc sông Gianh thuở châu Bố Chính với Lý Thường Kiệt rồi Lê Thánh Tông được coi là thành hoàng khai đất mở cõi địa phận tỉnh Quảng Bình ngày nay. Căn cứ vào tư liệu ông cho là làng Phan Long có thể được lập vào khoảng thời gian 1672 – 1675 khi ông tổ làng, một người lính tham gia cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn, đã lập được công lao và được đất phân phong ở đây.
Ông dẫn các nguồn chữ Hán viết hai chữ “Phan Long” tên làng để thấy “tên làng mình quá hay” vì hiểu theo cách nào cũng là có Rồng ở trong. Còn như địa danh “Ba Đồn” thì chính Nguyễn Quang Lập thú nhận lâu nay ông cũng nhầm như nhiều người là tưởng do có chợ Ba Đồn mà có. Thực ra đó là do tên gọi “Tam Hiệu” nghĩa là ba cái đồn, tức ba sở chỉ huy của quan lính thời xưa. Cái tên đó dần trở nên thông dụng.
“Địa danh Ba Đồn thành hình, ngày càng lấn át tên làng Phan Long. Nhưng tên làng Phan Long không mất đi, nó vẫn sống bền bỉ hơn 250 năm sau. Năm 1958, nó mới thực sự được đổi tên thành Thị trấn Ba Đồn. Cho đến nay khi thành một phường của Thị xã Ba Đồn, làng Phan Long chỉ còn trong ký ức của những người sinh ra từ thập niên 50, 60 thể kỷ 20. Thế hệ trẻ hầu như không còn ai biết có một làng Phan Long từng sống nơi đây gần 400 năm”.
Cứ thế nhà văn Nguyễn Quang Lập làm một thầy địa lý – lịch sử dẫn người đọc khám phá tìm hiểu quê mình rành rọt cụ thể từ cảnh quan tập tục văn hoá đến sản vật thổ nhưỡng lời ăn tiếng nói, con người sự kiện với năm phần: Thời khai thiết, Phan Long ngũ chí, Sử lược, Ba Đồn tạp lục, Ba Đồn ký sự. Đúng là “Ba Đồn mạn thuật”.
Cuốn sách in ấn đẹp, xen giữa lời thuật có các hình vẽ, bức ảnh màu và đen trắng minh hoạ, đặc biệt có những câu ca dao, lời thơ, lời kể, bổ sung sinh động cho các tư liệu, để người đọc biết rõ hơn về vùng quê của tác giả. Đọc nó thấy thích thú vì giọng kể chuyện của tác giả, có khảo cứu tra cứu nhưng không nặng nề, rối rắm. Đọc nó nhiều lúc được vui với những lời những câu bình luận, nhận xét cảm xúc đúng kiểu Nguyễn Quang Lập. Như khi dẫn ra bài thơ của vua Lê Thánh Tông viết về châu Bố Chính trong cuộc “bình Chiêm” ông bình một câu: “Phải hiểu và yêu miền đất sông Gianh đến thế nào mới có những câu thơ như thế.” Hay như khi nói về tên làng Phan Long ông viết: “Bay lên cùng rồng, bay theo rồng cũng là khát vọng Việt, một khát vọng sang trọng. Tên làng ta quá hay!”
Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết sách địa chí Ba Đồn mạn thuật. Và người bỏ tiền ra in ấn cuốn sách này cũng là một người con Ba Đồn, doanh nhân Nguyễn Xuân Đức, người đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây lại đình làng Phan Long. Cuốn sách sẽ được ra mắt ngày 30/4/2022, đúng sinh nhật lần thứ 66 của Nguyễn Quang Lập, tại chính Ba Đồn trước sự chứng kiến của dân làng và nhiều bạn bè văn chương nghệ thuật. Nguyễn Quang Lập nói rằng ông sung sướng làm được việc này cho quê hương bản quán của mình. Nhưng Ba Đồn từ nay cũng có thể vui mừng đã có một cuốn địa chí do một người con của làng là nhà văn nổi tiếng viết và coi nó như tấm danh thiếp văn hoá làng đưa ra giới thiệu với khách thập phương.
Cuốn sách của Nguyễn Quang Lập cũng có thể gợi ý cho các nhà văn khác, rộng ra là các văn nhân trí thức, viết loại sách địa chí thế này cho quê hương mình. Viết đến đây tôi nhớ tới cuốn Làng Ân Phú của kỹ sư Nguyễn Thế Phiệt viết về quê mình ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) mà tôi cũng đã giới thiệu ở mục đọc sách này.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!