Nam giới có xu hướng giải quyết các mâu thuẫn bằng vũ lực. Đây là cách để họ thể hiện sức mạnh cơ bắp. Chiến tranh cũng khởi nguồn từ đây.
Tranh vẽ Napoleon chỉ huy quân đội. Ảnh: War History. |
Tại sao đàn ông đánh nhau? Vào thời Đồ đá, đàn ông có gây chiến không? Hay có phải nhân loại thời sơ khai không hề hiếu chiến? Đàn ông – cả phụ nữ cũng vậy – đã đánh nhau, bằng giấy mực, rất gay gắt về các câu hỏi này.
Họ không phải là các sử gia quân sự mà là các nhà khoa học xã hội và khoa học hành vi. Các sử gia quân sự hiếm khi bận tâm về nguyên do sâu xa của những hoạt động mà họ ghi lại; giá như họ chịu dành thì giờ suy nghĩ về những nguyên nhân xui khiến nam giới giết hại lẫn nhau thì có lẽ họ đã trở thành nhà viết sử xuất sắc hơn rồi.
Các nhà khoa học hành vi và khoa học xã hội không có cách nào khác ngoài phải làm như thế. Con người và xã hội là đề tài nghiên cứu của họ, mà đa số con người trong phần lớn thời gian đều hợp tác với nhau vì sự tốt lành chung. Sự hợp tác phải được coi là một nguyên tắc và tại sao phải như thế thì cần có sự giải thích, dù không cần quá tỉ mỉ, vì quan sát thông thường sẽ xác nhận rằng hợp tác là nằm trong lợi ích chung.
Vì thế, nếu không vi phạm nguyên tắc hợp tác thì các nhà khoa học hành vi và khoa học xã hội sẽ chẳng còn mấy việc để làm. Họ sẽ giải thích một điều có thể đoán trước được, một công việc chẳng ích lợi và cũng chẳng vẻ vang là mấy. Chính sự khó đoán trong hành vi con người, ở các cá nhân và trong các tập thể, mà trên hết là sự khó đoán của hành vi bạo lực, thách thức họ phải đưa ra lời giải thích.
Các cá nhân ưa bạo lực là mối đe dọa chính đối với tiêu chuẩn hợp tác trong phạm vi các nhóm; nhóm người ưa bạo lực là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đổ vỡ trong xã hội rộng lớn hơn.
Các nghiên cứu về hành vi cá nhân và hành vi tập thể đi theo những hướng khác nhau. Tuy vậy, chúng có một nền tảng chung mà cuối cùng cuộc tranh luận sẽ quy về: có phải bản tính con người là bạo lực hay là con người có sẵn tiềm năng gây bạo lực – về tiềm năng ấy thì không có gì phải bàn cãi, cho dù chỉ vì con người có khả năng đá và cắn – được chuyển thành hành vi do tác động của các yếu tố vật chất?
Những người có quan điểm thứ hai, được gọi nôm na là “các nhà duy vật”, tin rằng quan niệm của mình đánh đổ quan điểm của nhà tự nhiên học. Những người theo chủ nghĩa tự nhiên đoàn kết chống lại các nhà duy vật nhưng giữa họ lại có sự chia rẽ sâu sắc.
Cuốn sách Lịch sử chiến tranh mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin thú vị về các trận chiến trong tiến trình phát triển của xã hội. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Nhóm thiểu số khẳng định rằng con người vốn có bản chất bạo lực; dù phần lớn không thừa nhận sự tương đồng, song lý lẽ của họ là của các nhà thần học Kitô giáo vốn tin vào sự Sa ngã của loài người và Tội tổ tông. Khối đa số thì phản đối cách mô tả tính chất theo kiểu đó.
Họ coi hành vi bạo lực là một hành động sai lạc ở những cá nhân không hoàn thiện hoặc là một phản ứng trước một số loại kích thích hay xúi giục đặc thù, từ đó suy ra rằng nếu có thể nhận biết và giảm thiểu hoặc triệt tiêu các nguyên nhân gây bạo lực như thế thì có thể loại bỏ hẳn tính bạo lực khỏi sự giao tiếp giữa con người.
Sự tranh cãi giữa hai trường phái theo chủ nghĩa tự nhiên gây nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Trong một buổi họp mặt tại đại học Seville vào tháng Năm năm 1985, đa số những người có mặt ở đó đưa ra một tuyên bố, rập khuôn theo Tuyên bố về chủng tộc của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, quyết liệt lên án niềm tin cho rằng bản chất con người là bạo lực.
Tuyên bố Seville gồm năm điều khoản, mỗi điều khoản bắt đầu với câu: “Điều sau đây là không đúng về mặt khoa học”, câu này cũng lại cần được chứng minh. Tất cả điều khoản chung quy là lên án tất cả những cách mô tả rằng bản chất con người vốn bạo lực.
Đi liền theo đó họ phủ nhận “chúng ta thừa hưởng khuynh hướng gây chiến từ các tổ tiên động vật của chúng ta” hoặc “chiến tranh hay bất cứ hành vi bạo lực nào đều được di truyền trong bản tính con người” hoặc “trong tiến trình tiến hóa của con người đã có một sự chọn lọc hành vi gây chiến nhiều hơn các loại hành vi khác” hoặc “con người có một bộ não ‘gây hấn’” hoặc, “chiến tranh là do ‘bản năng’ hay bất cứ một động cơ nào bên trong con người gây ra.” [1]
—
[1] J. Groebel và R. Hinde (chủ biên), Aggression and War (Sự gây hấn và chiến tranh), Cambridge, 1989, các trang XIII – XVI.