Cú sập hai tỷ USD và sự mong manh của giới tiền số

Token của sàn tiền số lớn thứ ba thế giới FTX mất 80% giá trị sau vài giờ khiến nhà đầu tư lo ngại về thảm họa Luna thứ hai.

Ngày 8/11, token FTT của sàn giao dịch tiền điện tử FTX vẫn giao dịch ở mức 22 USD mỗi đồng. Thế nhưng, khi xuất hiện thông tin đối thủ Binance chuẩn bị mua lại sàn này, giá token sụt giảm còn 2,4 USD sau vài giờ, và hồi lại ở mức 5,2 USD tính đến sáng 9/11.

Việc bán tháo đã thổi bay hơn hai tỷ USD vốn hóa thị trường của FTT. Từ vị trí thứ 25 với 2,57 tỷ USD sáng qua, token này hiện tụt xuống vị trí 55 khi chỉ còn hơn 700 triệu USD vốn hóa.

Trong khi đó, ông chủ sàn FTX là Sam Bankman-Fried (SBF) cũng mất 94% tài sản, từ gần 16 tỷ USD xuống 991,5 triệu USD sau một ngày và không còn có tên trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg.

Cú rơi thẳng đứng của token FTT. Nguồn: Coinmarketcap

Cú rơi của token FTT. Nguồn: Coinmarketcap

Sự việc bắt đầu từ cuộc “khẩu chiến” giữa Sam Bankman-Fried, CEO FTX, và Changpeng Zhao (CZ), CEO Binance, sáng 6/11. Khi đó, CZ xác nhận thanh lý số FTT đã mua từ 2019 với trị giá khoảng 2,1 tỷ USD vì lo ngại về sự bất ổn tài chính của sàn. Điều này kích hoạt một đợt bán tháo ngắn.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi CZ đăng thông điệp trên Twitter rằng “FTX yêu cầu sự giúp đỡ” sau khi “có một cuộc khủng hoảng thanh khoản đáng kể đang diễn ra”. CZ nói Binance đã gửi thư ngỏ mua lại FTX, nhưng sẽ để sàn này có toàn quyền quyết định rút khỏi thỏa thuận bất cứ lúc nào.

Công bố này ban đầu giúp giá token FTT tăng từ 22 USD lên 24 USD, nhưng sau đó sụt mạnh. Thị trường tiền số cũng chao đảo theo, một số mã token giảm vài chục phần trăm. Bitcoin, đồng tiền số lớn nhất thế giới, giảm 17% xuống còn 17.200 USD – một trong những mốc thấp nhất năm.

Trước khi FTT lao dốc, CZ đã cảnh báo trên Twitter rằng token này sẽ “biến động mạnh trong những ngày tới”.

FTX là sàn giao dịch tiền số lớn thứ ba sau Binance và Coinbase, theo dữ liệu từ Coinmarketcap. Trong khi đó, FTT là token thuộc dạng “top coin” với độ biến động thấp. Tháng 9 năm ngoái, FTT từng đạt đỉnh 84 USD mỗi đồng. Việc mất gần 80% giá trị đang khiến nhiều người liên tưởng đến thảm họa Luna hồi tháng 5.

Sự mong manh trong giới tiền số

Không chỉ là một trong ba sàn tiền số lớn nhất thế giới, FTX còn được đánh giá là sàn đang trên đà phát triển mạnh, được định giá 32 tỷ USD hồi tháng 1. Sàn cũng đã bỏ hàng tỷ USD để thâu tóm các công ty tiền số khác.

Do đó, việc FTX bất ngờ đi xuống với lý do “khủng hoảng thanh khoản” và sắp về tay Binance – đối thủ lớn nhất của sàn – gây ngạc nhiên. “Đó có lẽ sẽ là thỏa thuận ấn tượng và bất ngờ nhất lịch sử ngành công nghiệp tiền điện tử”, nhà phân tích Nic Carter của quỹ Castle Island Ventures nói với CNBC. “Một cuộc đảo chính tuyệt đối cho CZ và Binance, và thực sự là một thảm họa cho FTX”.

Trong khi đó, WSJ đánh giá thỏa thuận báo hiệu sự thay đổi quyền lực trong thế giới tiền điện tử. “FTX gặp phải vấn đề rất cũ: một cuộc chạy trốn của các nhà đầu tư”, trang này bình luận. “Người dùng liên tục rút tiền khỏi tài khoản của họ, khiến những nhà đầu tư khác lo sợ họ có thể là nạn nhân tiếp theo”.

Vấn đề hiện tại của FTX, với sự sụt giảm của FTT, cho thấy sự mong manh và bất ổn của thị trường tiền điện tử, vốn bị giám sát gắt gao từ các nhà đầu tư và cơ quan quản lý. “Các công ty tiền số nắm giữ tài sản cực kỳ biến động. Chúng vốn dĩ dễ bị sụp đổ bất cứ lúc nào”, Cory Klippsten, CEO công ty phân tích tài chính Swan.com, nhận xét.

Theo WSJ, sự thất bại của một trong những công ty tiền điện tử hàng đầu thế giới là đòn giáng vào uy tín của hệ sinh thái này. Ngoài ra, một số chuyên gia đánh giá việc mua lại FTX tiếp tục củng cố vị thế của Binance. “Binance đang trên đường trở thành thế lực không thể bị thách thức”, Ilan Solot, Giám đốc của Marex Solutions – công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại London, nhận định.

Bảo Lâm

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin