Công nghệ video đánh lừa thị giác bullet-time hay metaverse có thể trở thành những công cụ mới giúp quảng bá hình ảnh bánh mì Việt Nam.
Tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” hôm 11/10, các chuyên gia cho biết công nghệ AI, Metaverse có thể được ứng dụng để quảng bá sản phẩm bánh mì Việt Nam. Đồng thời, việc sử dụng những công nghệ mới, tiên tiến có thể giúp cho việc giới thiệu hình ảnh các nghệ nhân làm bánh mì Việt tới thế giới hiệu quả hơn.
Ông Trương Gia Bảo – chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS lấy dẫn chứng về ứng dụng công bằng việc mời ông Kao Siêu Lực – kỷ lục gia về bánh mì Việt Nam, quay đoạn clip làm bánh mì với dàn công nghệ buttlet-time – công nghệ mới nhất của thế giới. Bullet-time là hiệu ứng mà những hình ảnh thu được sau khi chụp sẽ được ghép lại với nhau để tạo thành đoạn phim đánh lừa thị giác người xem như thời gian bị ngưng đọng. Hiệu ứng này đánh lừa thị giác khiến người xem có cảm giác con người và cảnh vật xung quay đều bất động và chỉ có máy quay đang quay vòng quanh chủ thể giống như thời gian đang chậm lại.
Những hiệu ứng này hoàn toàn được tạo ra bằng cách sử dụng nhiều máy quay được kết nối với nhau mà không phải dùng kĩ xảo trên máy tính. Được biết, chi phí đầu tư cho một hệ thống Bullet-time chuyên nghiệp có thể lên đến con số triệu USD. “Sản phẩm công nghệ với tính năng độc đáo này đã từng mang đến những siêu phẩm trong điện ảnh cùng những thước phim quảng cáo với chi phí đầu tư khủng”, ông Bảo cho hay.
Ông Trương Gia Bảo cho rằng các doanh nghiệp làm bánh mì Việt hoàn toàn có thể giới thiệu sản phẩm của mình cũng như quảng bá công thức, nghệ nhân làm bánh tới thế giới thông qua nhiều giải pháp công nghệ mới như bullet-time.
Metaverse cũng là một kênh đáp ứng được nhu cầu quảng bá của các doanh nghiệp khi đây một mạng lưới rộng lớn gồm các thế giới 3D được kết xuất theo thời gian thực, liên tục và các mô phỏng hỗ trợ tính liên tục của danh tính, đối tượng, lịch sử, thanh toán,… với số lượng người dùng không giới hạn. Metaverse cũng là nơi người tham gia có thể tạo và khám phá, làm việc, vui chơi, học hỏi, mua sắm, sáng tạo,… với những người khác không ở trong cùng một không gian thực.
Theo ông Trương Gia Bảo, hình ảnh ông Kao Siêu Lực có thể đưa lên metaverse. Hình ảnh này trên metaverse tuy là một thực tế ảo nhưng có khả năng tương tác và hoạt động như đời thực. Trên metaverse, ông Kao Siêu Lực vẫn với hình ảnh người vừa là chủ doanh nghiệp, đại diện cho ABC Bakery và là một trong những người làm nên tên tuổi, đa dạng hóa bánh mì tại thị trường Việt Nam cũng như đưa thương hiệu bánh mì Việt Nam ra thị trường nước ngoài.
Những người dùng metaverse có thể tương tác và làm việc trực tiếp với ông Kao Siêu Lực qua công nghệ. Cùng với đó, hình ảnh của nghệ nhân làm bánh giỏi và sản phẩm bánh mì của ông Lực cũng sẽ được quảng bá thêm. Việc tăng tương tác tại thị trường metaverse cũng sẽ góp phần quảng bá cho nông sản Việt và tăng thêm sự đa dạng của sản phẩm.
“Hình ảnh bánh mì Việt có thể được xây dựng bằng nền tảng AI, được giới thiệu trên các cộng đồng công nghệ, học viện bánh mì ảo, triển lãm bánh mì ảo,… Tại đây, metaverse cho phép người có danh tính ảo tăng tính hiện diện, nhận được các tương tác ngang hàng, giao dịch các nội dung do người dùng tạo nên”, ông Bảo nói thêm.
Hội thảo khoa học “Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến thương hiệu quốc gia” do Báo Thanh Niên và Hiệp hội siêu đầu bếp Việt Nam phối hợp cùng Trường ĐH Văn Lang, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) vừa tổ chức. Sự kiện thu hút 1000 người tham gia, trong đó, có các khách mời là chuyên gia ẩm thực, đầu bếp quốc tế, lãnh đạo các Bộ ngành, giảng viên và sinh viên của nhiều trường đại học.
Hoài Phương