Lý do các công ty Web2 vẫn đầu tư mạnh vào Web3

Dù Web3 được xem như “kẻ phá bĩnh”, các công ty thành công rực rỡ với Web2 như Google, Facebook vẫn mạnh tay đặt cược vào tương lai Internet.

“Thật thú vị khi Google là nhà đầu tư lớn thứ hai vào các công ty khởi nghiệp Web3, đứng sau A16z. Tiếp đến là Microsoft, Samsung và Facebook”, tiến sĩ Đinh Ngọc Thạch của Đại học Soongsil (Hàn Quốc) nói trong sự kiện Vietnam Blockchain Summit, diễn ra ngày 19-20/10 tại Hà Nội.

Các diễn giả trong tọa đàm Tối ưu hóa sức mạnh của blockchain trong doanh nghiệp diễn ra hôm 19/10 tại Hà Nội.

Các diễn giả tham gia tọa đàm blockchain trong sự kiện Vietnam Blockchain Summit tại Hà Nội.

Web3, hay Web 3.0, là thuật ngữ chỉ hệ thống web phi tập trung được xây dựng tên nền tảng blockchain. Nó được coi là bước tiến tiếp theo của Internet, nơi sẽ không còn các máy chủ, và người dùng được quyền kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ. Đa số người ủng hộ Web3 đánh giá các nền tảng trực tuyến hiện tại (Web2) mang tính tập trung quá cao và bị chi phối bởi các công ty công nghệ lớn như Apple, Amazon, Google hay Facebook. Những hãng này lưu trữ vô số dữ liệu và thông tin cá nhân trên khắp thế giới, khiến người dùng khó có thể tin tưởng.

Ván cược mới

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Google, ông Huy Nguyễn, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhận định vấn đề không nằm ở chỗ những công ty này có phải đang dẫn đầu Web2 hay không, mà cần thấy họ là công ty luôn đổi mới sáng tạo. Google đã nghiên cứu về blockchain từ cách đây cả chục năm, nhưng giờ mọi người mới biết thông qua các khoản đầu tư. “Bất kỳ công nghệ nào có thể nâng cao trải nghiệm người dùng đều được nghiên cứu và khi Web3 được xác định là tương lai, việc họ đổ tiền vào là tất yếu”, ông Huy nói.

Trong khi đó, theo bà Lynn Hoàng, đại diện Binance Việt Nam, Web2 đang đến giai đoạn bão hòa, các công ty công nghệ lớn phải vật lộn tìm ra mô hình kinh doanh để tiếp tục duy trì vị thế. Do đó, Web3 được coi là ván cược mới, chuẩn bị cho kỷ nguyên phát triển tiếp theo.

Ngoài ra, bà Lynn cho rằng yêu cầu về quyền riêng tư của người dùng và cơ quan quản lý đã tạo sức ép lớn lên những công ty dẫn dắt Internet hiện nay như Google, Facebook, Microsoft, buộc các lãnh đạo phải thay đổi. “Từ góc độ nào đó, có thể xem Web3 là ván cược của các gã khổng lồ công nghệ. Họ buộc phải bắt đầu sớm nếu không muốn bị bỏ lại trong tương lai”, bà nhận định.

Theo các chuyên gia, các công ty thành công trong giai đoạn Web2 không nhất thiết phải xem Web3 là đối thủ. “Có thể Web3 đang được khởi đầu bằng những công ty startup, nhưng để tạo đột phá thật sự, công nghệ này cần có sự ủng hộ của những hãng lớn như Google, Facebook hay ở Việt Nam là FPT, Viettel”, ông Huy nói.

Giá trị Web3 mang lại

Đồng quan điểm, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ của FPT, đánh giá Web3 ra đời có thể thay đổi cả thế giới công nghệ. “Nhớ ngày đầu Internet ra mắt, mọi người hào hứng tải nhạc, sử dụng ứng dụng giải trí phiên bản đơn giản. Web1 đã tạo ra ngỡ ngàng cho thế hệ lớn tuổi. Trong khi đó, Web2 với các rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn thông tin khiến người dùng lo lắng”, ông Tú nói. Theo ông, Web3 ra đời sẽ đảm bảo an ninh trên không gian mạng tốt hơn cho các cá nhân để truyền tải thông tin nhanh hơn, an toàn hơn trong thế giới số.

Nhìn từ góc độ kinh doanh, bà Lynn cho rằng trong kỷ nguyên đầu, việc vận hành một website rất tốn kém. Đến kỷ nguyên Web2 (sau 2004), mọi thứ trở nên rẻ hơn, ai cũng có thể tạo ra trang web của riêng mình, được hỗ trợ bởi điện toán đám mây và các công cụ tự động. Nhưng cái giá của sự tiện lợi là quyền riêng tư bị chi phối bởi các công ty lớn. Do đó, Web3 với tinh thần phi tập trung có thể định hình lại các giá trị được người dùng trao đổi trên Internet.

“Web 3.0 sẽ mang đến nhiều khác biệt và trải nghiệm tốt đẹp. Con người với trí tưởng tượng vượt qua những gì có thể làm được sẽ xây dựng thế giới hoàn toàn mới, có nhiều cơ hội, nhiều điều chúng ta không biết”, ông Tú nhấn mạnh.

Bước đệm tiến vào Web3

Theo tiến sĩ Đinh Ngọc Thạch, mô hình hoạt động của Web2 và Web3 rất khác nhau. Do đó, câu hỏi đặt ra cho những người làm công nghệ là có cần phát triển một mô hình Web 2.5 để trải nghiệm người dùng được liền mạch?

Từ góc nhìn của người làm sản phẩm, ông Huy Nguyễn đánh giá Web3 vẫn còn quá mới mẻ, không ai biết trước mình sẽ phải đối mặt những gì trong hành trình khám phá tương lai Internet. Một bước đệm 2.5 là cần thiết để chuyển đổi người dùng từ Web2 lên Web3.

Cựu quản lý cấp cao của Google lấy ví dụ, khi chuyển từ Web1 lên Web2, các nhà phát triển rất khó giải thích cho thế hệ người dùng cũ về việc vì sao lại phải có tài khoản, mật khẩu để đăng nhập. Tương tự với Web3, nhà phát triển phải giải thích về việc lưu Private Key/Seed Phrase (khóa riêng tư/mật khẩu để truy cập ví điện tử). Không giống Web2, những khóa trên Web3 khi mất rồi gần như không thể khôi phục. Việc thiếu hiểu biết nền tảng sẽ gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong quá trình chuyển đổi.

Theo ông Vũ Anh Tú, trong kỷ nguyên của Web3, con người với trí tưởng tượng phong phú có thể xây dựng một thế giới hoàn toàn mới. “Để khám phá thế giới ấy, các công ty tiên phong trong công nghệ phải liên kết với doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác để khai phá từng ngày”, ông nói.

Khương Nha

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin