Chuyện ly kỳ về vị thái giám giúp Nguyên phi Ỷ Lan sinh thái tử

Chính sử ghi chép thái giám Nguyễn Bông cầu tự giúp Ỷ Lan phu nhân sinh Lý Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông), còn trong dân gian có giai thoại nói ông là tiền kiếp của vị vua này.

Sách Đô Thiên Quảng Đức phúc thần Nguyễn Bông trong chính sử và văn hóa dân gian của nhóm tác giả Trần Đức Anh, Lê Thái Dũng là tập hợp những câu chuyện huyền kỳ xoay quanh Nguyễn Bông – vị thái giám triều Lý cũng như nghi lễ thờ cúng ông với tư cách là một vị thành hoàng ở hai ngôi làng An Phú – Vạn Long.

Thái giám Nguyễn Bông trong chính sử

An Phú – Vạn Long là hai ngôi làng trước đây thuộc tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc địa phận phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) – một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.

Cũng như nhiều làng quê khác ở đồng bằng Bắc Bộ, từ bao đời nay, tại ngôi đình làng, người dân An Phú – Vạn Long vẫn thờ phụng vị thành hoàng có hiệu là Đô Thiên Quảng Đức, đó là vị phúc thần mà người dân tin rằng họ luôn hiển hiện anh linh “hộ quốc tý dân”, giúp cho dân an vật thịnh, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Nguyen Bong anh 1

Bìa cuốn sách.

So với các vị thành hoàng được thờ phụng tại khắp nơi trong cả nước thì Nguyễn Bông thuộc về số ít được nhắc trong chính sử.

Theo sử sách, nhân vật được ghi chép không nhiều nhưng lại gắn với những giai thoại ly kỳ liên quan đến Hoàng đế Lý Thánh Tông, Nguyên phi Ỷ Lan và Hoàng đế Lý Nhân Tông…

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết: “Quý Mão [Chương Thánh Gia Khánh] năm thứ 5 [1063] (Tống Gia Hựu năm thứ 8). Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang sinh hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông.

Tục truyền rằng, vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, nhân đi chơi khắp các chùa quán, xa giá đi đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân.

Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương cầu đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa. Bông nghe theo. Việc phát giác, đem Bông chém ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, Đồng Bông ở phía Tây trước cửa chùa, nay hãy còn.

Đó là những ghi chép về Nguyễn Bông trong chính sử. Đối chiếu với những ghi chép đó chúng ta thấy ngôi chùa Thánh Chúa xây từ thời Lý và là chùa chung của hai làng Dịch Vọng và Mai Dịch vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay (nằm trong khuôn viên của Đại học Sư phạm Hà Nội).

Giai thoại Nguyễn Bông chính là tiền kiếp của vua Lý Nhân Tông

Khác với những gì mà chính sử ghi chép, trong văn hóa dân gian một số địa phương, câu chuyện về ngài Nguyễn Bông được thuật lại với những chi tiết khác hẳn. Chẳng hạn như tư liệu lưu tại Đình An Phú có tiêu đề “Phúc thần sự tích” (Sự tích phúc thần) ghi chép rất ngắn gọn về sự tích vị thành hoàng Nguyễn Bông như sau:

“Năm Quý Mão thứ năm triều Lý, vua Thánh Tông, tuổi tác đã cao. Năm vua 40 tuổi vẫn chưa có con nối dõi, bèn lệnh cho trọng thần cầu đảo các chùa, đã nhiều lần mà vẫn chưa ứng nghiệm. Nhân một buổi đi vãn cảnh chùa quán, xa giá vừa tới nơi, trai gái xô chạy tới xem ngắm, duy có một người con gái hái dâu đứng tựa gốc cây lan. Vua nhìn thấy cho triệu vào cung, được vua sủng ái phong làm Ỷ Lan phu nhân.

Ỷ Lan muốn sinh con trai nhưng không có cách nào. Nghe nói ở xã Dịch Vọng huyện Từ Liêm có chùa Thánh Chúa là một danh lam cổ tích, đặc mệnh cho Chi hậu nội Nguyễn Bông đến cúng tế cầu đảo. Đến một ngày tháng 4 năm Ất Tỵ, Ỷ Lan phu nhân có mang. Vào giờ Hợi, ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự (1066) sinh hoàng tử Càn Đức, chính là vua Nhân Tông.

Bấy giờ đế vui mừng khôn xiết, bèn lệnh cho Nguyễn Bông mang vàng bạc, lễ vật đến lễ tạ chư Phật chùa Thánh Chúa. Trên đường đi qua địa phận hai thôn Vạn Long và Yên Phú thuộc xã Nghĩa Đô, gọi là xứ Mả Giang bỗng nhiên thác hóa, bèn phong phúc thần, lập miếu thờ tự ở nơi thác hóa. Dân hai thôn Yên Phú và Vạn Long cùng nhau thờ phụng mãi mãi”.

Nguyen Bong anh 2

Tác giả Lê Thái Dũng (hàng đứng ngoài cùng bên trái) và tác giả Trần Đức Anh (áo vàng, hàng ngồi) tại buổi tọa đàm ra mắt sách. Ảnh: TGCC.

Bên cạnh đó, trong dân gian cũng truyền tụng một giai thoại huyền ảo về việc đầu thai thác hóa cho rằng Nguyễn Bông chính là tiền kiếp của vua Lý Nhân Tông. Trong tập Lý triều đệ tam Hoàng Thái hậu cổ thần lục tích quốc ngữ diễn ca viết về sự tích Ỷ Lan ghi chép như sau: Khi Lan đã vào cung, vua sai Thái giám Nguyễn Bông đi cầu tự. Ông này bèn đến chùa Thánh chúa gặp nhà sư Đại Điên. Nhà sư này bèn bày kế cho Nguyễn Bông đầu thai để kiếp sau được làm hoàng đế. Trở về cung, Nguyễn Bông rình trộm Ỷ Lan tắm bị bắt gặp, xử tội chém.

Ỷ Lan sau đó trở dạ sinh ra hoàng tử Lý Càn Đức. Ngay sớm hôm sau, vì quá đỗi vui mừng mà Lý Thánh Tông đã ban chiếu lập Lý Càn Đức làm Thái tử.

Tháng Giêng năm Nhâm Tý (1072) sau khi vua cha qua đời, Thái tử Lý Càn Đức lên ngôi khi mới 6 tuổi. Ông ở ngôi 55 năm và là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Dù ở ngôi lâu và lập nhiều hậu phi tần, tuyển lắm mỹ nữ, nhưng vua lại không có lấy một người con. Cuối cùng, phải lấy con của em trai đưa vào cung làm con nuôi. Tục truyền rằng, do kiếp trước vua là Thái giám nên kiếp này mới phải chịu cảnh không có con như vậy.

Cũng trong cuốn sách, bạn đọc còn được tiếp cận một số tư liệu là dị bản khác nhau về sự tích phúc thần Nguyễn Bông, các nghi lễ thờ cúng của hai làng An Phú và Vạn Long. Phần đọc thêm cung cấp một số bài viết về Hoàng đế Lý Nhân Tông, một số bài văn tế, bài văn khấn tại Đình An Phú – Vạn Long.

Những tư liệu này góp phần giúp cho cuốn sách trở nên hấp dẫn, gợi mở cho người đọc có thể tìm thấy những suy nghĩ mới lạ và hợp lý trong những hướng tiếp cận khác nhau, từ đó mở rộng kiến thức cũng như hiểu biết của mình.

Hoạn quan và chuyện hạn chế quyền lực của nhà Nguyễn

Để tránh sự lộng quyền của thái giám nơi cung cấm, nhà Nguyễn đã sử dụng hệ thống hoạn quan trong hậu cung vào việc sai vặt và nhất định không cho can dự vào chuyện triều chính.

Vị tướng quyền uy bậc nhất nước Việt từng nhiều năm làm thái giám

Một số tư liệu cho thấy Lý Thường Kiệt – vị tướng kiệt xuất phá Tống, bình Chiêm, giữ bình yên cho Đại Việt trong nhiều năm – là một hoạn quan.

Góc khuất đằng sau lịch vua ban hơi ấm cho các cung phi mỗi đêm

Thái giám dùng một chiếc xe dê kéo vua ngồi trên, đi qua các buồng cung phi ở, hễ con dê đứng ở cửa buồng nào thì đêm đó cung phi ở buồng đó coi như gặp “số đỏ”.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin