Việt Nam đạt điểm tuyệt đối, đứng đầu bảng xếp hạng về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu, bất chấp thị trường ảm đạm.
Chainalysis, công ty phân tích thị trường blockchain (Mỹ), vừa đưa ra báo cáo về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) 2022. Dữ liệu được thống kê và xếp hạng từ 145 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Việt Nam được chấm 1 điểm (điểm tuyệt đối). Đứng thứ hai là Philippines với 0,75 điểm. Ba vị trí tiếp theo là Ukraine 0,69 điểm, Ấn Độ 0,66 điểm và Mỹ 0,65 điểm. Trung Quốc được 0,53 điểm, đứng thứ 10.
Đây là năm thứ ba Chainalysis thực hiện danh sách về tiền điện tử. Năm đầu tiên, Việt Nam đứng thứ 10, sau đó bất ngờ vọt lên vị trí số một và tiếp tục duy trì ngôi quán quân năm nay. Theo Chainalysis, những con số trên cho thấy sức mua lớn của thị trường Việt trong lĩnh vực tiền điện tử và sự chấp nhận cao của người dân về các công cụ tiền số phi tập trung, DeFi, P2P.
Bảng xếp hạng dựa trên những chỉ số liên quan đến khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung, khối lượng giao dịch ngang hàng (P2P), khối lượng giao dịch trên các nền tảng DeFi. Các chỉ số được lấy trung bình trong một năm, thang điểm chấm trong khoảng 0-1 cho từng quốc gia.
Một số thống kê khác cũng cho kết quả tương đương về sự quan tâm của người Việt với tiền số. Một thăm dò từ năm 2020 của Statista cho thấy 21% người Việt được khảo sát nói đã biết hoặc sử dụng tiền số.
Theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến chỉ số chấp nhận tiền điện tử ở Việt Nam ở mức cao là người Việt nắm bắt rất nhanh xu hướng mới của thế giới. Game P2E (chơi để kiếm tiền) có doanh thu cao nhất thế giới Axie Infinity do người Việt phát hành. Các trào lưu mới như M2E (chạy bộ kiếm tiền) cũng nhanh chóng nở rộ và được nhiều người Việt đón nhận.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có Hiệp hội Blockchain hoạt động chính danh. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6, tỷ phú Changpeng Zhao (CZ), nhà sáng lập Binance, nhiều lần khẳng định Việt Nam đang tiên phong về lĩnh vực blockchain.
“Tiềm năng của ngành blockchain Việt vô cùng lớn, có nhiều nhân sự đam mê và hiểu biết sâu sắc về công nghệ. Sau khi tiếp xúc với cộng đồng công nghệ Việt, tôi thấy họ rất thích đổi mới sáng tạo, nhiều người hứng thú với công nghệ mới như blockchain. Việt Nam là thị trường tiềm năng của châu Á trong lĩnh vực này”, CZ nói.
Báo cáo của Chainalysis cho thấy chỉ số chấp nhận tiền điện tử đạt mức cao nhất vào quý II/2021, sau đó giảm dần trong hai quý đầu 2022. Một trong những nguyên nhân là thị trường đang bước vào chu kỳ mùa đông, giá tiền số liên tục thủng đáy, các dự án GameFi, DeFi giảm sức hấp dẫn.
Dựa trên danh sách phân nhóm của Ngân hàng thế giới, Chainalysis chỉ ra rằng người dân ở những quốc gia có thu nhập trung bình thấp lại chấp nhận tiền điện tử cao hơn. “Những năm tới, sẽ rất thú vị khi theo dõi xem ngành công nghiệp tiền điện tử có thể xây dựng những giải pháp nào để thúc đẩy được các nền kinh tế có thu nhập cao chấp nhận mạnh mẽ hơn”, báo cáo của Chainalysis viết.
Khương Nha