‘Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông’ dựa trên vụ bắt cóc con trai của một phi công danh tiếng người Mỹ.
Cảnh trong phim ‘Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông’ năm 2017. Ảnh: Vox. |
Mới đây, tờ Esquire đưa ra danh sách 50 tác phẩm ấn tượng nhất về các vụ án, bí ẩn. Đứng ở vị trí số 1 là Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông xuất bản năm 1934 của Agatha Christie.
Tác phẩm của ‘nữ hoàng trinh thám’
Có nhiều lý do để Agatha Christie là lựa chọn hàng đầu của các cuộc bình chọn. Nữ nhà văn người Anh là ‘người khổng lồ’ của thể loại trinh thám và là tiểu thuyết gia có sách bán chạy chỉ sau Kinh thánh và Shakespeare.
Vô số kênh truyền hình, đài phát thanh, phim ảnh, sân khấu đã khiến Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông được nhắc đến hàng chục năm qua. Năm 2017, truyện được dựng thành phim với sự tham gia của loạt sao đình đám Johnny Depp, Judi Dench, Penelope Cruz, Michelle Pfeiffer…
Tình tiết truyện dựa trên sự kiện có ngoài đời thật liên quan tới vụ bắt cóc con trai của một phi công nổi tiếng ở Mỹ.
Trong truyện, doanh nhân Ratchett bị đâm chết trong khoang ngủ khóa cửa trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông sang trọng. Thám tử Hercule Poirot được yêu cầu tìm ra ai trong số các hành khách đã thực hiện tội ác. Thám tử người Bỉ phát hiện Ratchett là một tay xã hội đen khét tiếng tên thật là Cassetti.
Gã từng bắt cóc một cô bé 3 tuổi để đòi khoản tiền chuộc lớn. Sau khi nhận đủ tiền, hắn giết chết nạn nhân bé nhỏ.
Ngoài ra, bối cảnh tác phẩm dựa trên một sự cố có thật khác vào năm 1929 khi tàu tốc hành Phương Đông mắc kẹt 6 ngày trong bão tuyết ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hai năm sau, tác giả Christie cũng bị kẹt trên tàu do mưa lớn và lũ lụt cuốn trôi một phần đường ray.
Từ trải nghiệm đó, Christie có những mô tả chân thực về cách bố trí cabin, tay nắm cửa, công tắc đèn… liên quan tới cách thám tử Poirot giải quyết vụ án.
Vụ án đình đám ngoài đời thực
Cuốn tiểu thuyết dựa trên cái chết bi thảm của Charlie, con trai của phi công nổi tiếng Charles Lindbergh. Vụ bắt cóc và giết người năm 1932 đã thu hút sự chú ý suốt nhiều tháng. Trong khi nhà văn Christie đang viết cuốn truyện, thủ phạm vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Tờ Mirror đưa tin về vụ bắt cóc, giết người |
Vào thời điểm đó, ông Lindbergh nổi tiếng và giàu có ngang với David Beckham hiện nay. Năm 1927, ông trở thành người đầu tiên một mình bay qua Đại Tây Dương, từ New York (Mỹ) đến Paris (Pháp).
Khoảng 150.000 người đã cổ vũ Lindbergh khi ông hạ cánh xuống Paris và Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge chào đón ông ngày về nước. Ông nhận được hàng chục nghìn bức thư của người hâm mộ.
Cậu bé Charlie, con trai của ông Lindbergh, chỉ mới 20 tháng tuổi khi bị bắt cóc khỏi biệt thự của gia đình gần Hopewell, New Jersey, vào ngày 1/3/1932.
Bảo mẫu Betty Gow phát hiện Charlie mất tích lúc 22h và lập tức báo cho bố mẹ cậu bé. Khi khám xét dinh thự 23 phòng, cảnh sát phát hiện giấy đòi tiền chuộc 50.000 USD trên bệ cửa sổ.
Một điều trớ trêu là gia đình lẽ ra ở ngôi nhà khác của họ ở New Jersey nhưng Charlie bị cảm lạnh nên bố mẹ cậu quyết định hoãn chuyến đi.
Cảnh sát tìm thấy vết bùn trong phòng của Charlie, dấu chân trên mặt đất bên ngoài và hai đoạn thang dùng để trèo lên. Không có vết máu hay dấu vân tay.
Tờ giấy đòi tiền chuộc thứ hai đến vào ngày 6/3, lần này yêu cầu 70.000 USD. Ông Lindbergh tuyệt vọng đã thuê các thám tử tư. Họ đàm phán trong nhiều tuần với một người đàn ông tự xưng là “John” thông qua các mẩu quảng cáo trên báo.
Theo Mirror, Tiến sĩ Condon, một giáo viên đã nghỉ hưu, 72 tuổi, được lựa chọn làm trung gian để chuyển tiền chuộc.
Ngày 2/4, Tiến sĩ Condon đã gặp “John” để trao số tiền 50.000 USD và nhận bức thư khẳng định Charlie đang ở trên chiếc thuyền gần vườn nho Martha. Nhưng gia đình đã không tìm thấy cả chiếc thuyền và cậu bé.
Ngày 12/5, một tài xế xe tải dừng trên con đường cách hiện trường vụ bắt cóc hơn 6km. Người này tìm thấy thi thể của một đứa trẻ bị dập nát đầu. Gia đình xác nhận đó là Charlie, nạn nhân đã chết khoảng 2 tháng.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phối hợp với cảnh sát New Jersey truy lùng những kẻ bắt cóc giết người. Họ nghi ngờ có nội gián. Người hầu có tên Violet Sharpe tỏ ra lo lắng trong suốt 3 lần thẩm vấn. Sau đó, Violet tự tử. Cảnh sát bị đổ lỗi đã quá khắc nghiệt khi điều tra.
Trong khoản tiền 50.000 USD được dùng để trả tiền chuộc có 40.000 USD là chứng chỉ vàng và cảnh sát đã ghi lại số series.
Năm 1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt ra lệnh tất cả các chứng chỉ vàng phải được trả lại cho Kho bạc Mỹ, giúp việc truy tìm chủ sở hữu dễ dàng hơn.
Năm 1934, một chứng chỉ nằm trong khoản tiền chuộc được phát hiện tại trạm xăng ở New York. Nhân viên tại đây nghi ngờ chứng chỉ là giả mạo nên ghi lại số đăng ký xe của khách. Người đó là Bruno Richard Hauptmann, 35 tuổi, thợ mộc gốc Đức. Bruno bị bắt khi cảnh sát phát hiện trên người anh ta có thêm một chứng chỉ tiền chuộc khác. Ngoại hình của Bruno cũng giống với tên John.
Trong phiên xử vào tháng 1/1935, Bruno khăng khăng mình vô tội nhưng bị tuyên tử hình và phải lên ghế điện vào năm 1936. Dù vậy, cho tới nay, vụ án vẫn còn gây tranh cãi với suy đoán về hiện trường bị xáo trộn, bằng chứng không rõ ràng, các đồng phạm…
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.