Thế giới có 19 tỷ phú tiền số, hầu hết trong đó kiếm được nguồn lợi nhuận từ việc mua Bitcoin sớm hoặc xây dựng các dự án tiền số.
Theo thống kê của Forbes, trong số 19 tỷ phú tiền số không có hai tên tuổi nổi tiếng là Satoshi Nakamoto và Vitalik Buterin. Nakamoto được xem là “cha đẻ” của Bitcoin, còn nhà đồng sáng lập mạng Ethereum Buterin có khối tài sản không ổn định do phụ thuộc vào giá trị của đồng Ethereum ông đang nắm giữ.
Số lượng tỷ phú tiền số ngày một tăng
Nếu như trước 2017, thế giới chưa ghi nhận tỷ phú tiền số nào thì tính đến 2021, con số đã là 12 người. Đến tháng 4 năm nay, cơn sốt tiền số đã tạo ra 19 tỷ phú USD. Trong số đó, 16 người có quốc tịch Mỹ.
CoinTelegraph cho rằng có hai nguyên nhân khiến số lượng này tăng lên. Thứ nhất, họ đã đầu tư vào Bitcoin từ những ngày đầu, chấp nhận chi vài nghìn đến vài trăm nghìn USD, sau đó giữ chúng nhiều năm. Họ là những “cá voi” trong giới và có tiếng nói lớn.
Thứ hai là những người xây dựng các nền tảng blockchain chuyên về hỗ trợ và giao dịch, đồng thời tạo các token liên quan và nắm giữ chúng theo tỷ lệ phần trăm. Chẳng hạn, Alex Atallah và Devin Finzer là đồng sáng lập nền tảng giao dịch NFT OpenSea, Chris Larsen và Jed McCaleb xây dựng nền tảng Ripple hay Brian Armstrong với sàn giao dịch tiền số Coinbase. Người sáng lập kiêm CEO sàn tiền số Binance Changpeng Zhao (CZ) cũng sở hữu rất nhiều BNB Coin (BNB).
“Thị trường tiền số đang càng được xây dựng và mở rộng. Hàng loạt nền tảng ra đời đồng nghĩa sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia. Khi mọi người đầu tư vào tiền số, số lượng tỷ phú cũng từ đó ra đời và gia tăng theo thời gian”, CoinTelegraph giải thích.
Ai là người giàu nhất?
CZ, 44 tuổi, quốc tịch Canada, được coi là tỷ phú tiền số giàu nhất. Tính đến tháng 4, ông nắm giữ khối tài sản hơn 20 tỷ USD và nằm trong top những người giàu nhất thế giới. Nhưng đến tháng 6, khối tài sản chỉ còn khoảng 10,2 tỷ USD, theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index. Con số này cũng giảm 80% so với tháng 11/2021.
Tài sản của ông phần lớn là nhờ 70% cổ phần Binance – sàn tiền số lớn nhất thế giới xét về khối lượng giao dịch. Ông cũng giữ một lượng không xác định BNB và Bitcoin trị giá hàng tỷ USD.
Đứng thứ hai danh sách là Bankman-Fried, 30 tuổi người Mỹ, nhà sáng lập sàn giao dịch FTX. Ông hiện sở hữu một nửa FTX, đồng thời nắm giữ số token FTT của sàn với giá trị ước tính 7 tỷ USD. Vào tháng 11 năm ngoái, tổng tài sản của Bankman-Fried khoảng 15,1 tỷ USD, nhưng đến tháng 6, ông còn khoảng 8,9 tỷ USD.
Một nhân vật gây tranh cãi là Satoshi Nakamoto. Với số lượng 1,1 triệu Bitcoin đang nắm giữ, người này được xem là sở hữu nhiều Bitcoin bậc nhất. Tính đến 29/8, số token này tương đương 22 tỷ USD. Dù vậy, ông không có tên trong danh sách tỷ phú do danh tính bí ẩn.
Ai là tỷ phú tiền số trẻ nhất?
Bankman-Fried là tỷ phú trẻ nhất trong giới tiền số, nhưng vị trí này liên tục bị đe dọa từ Vitalik Buterin. “Cha đẻ” của blockchain Ethereum năm nay 28 tuổi, là người sở hữu hơn 290.000 Ethereum cùng một số tiền số khác.
Việc Buterin trở thành tỷ phú hay không phụ thuộc vào số Ethereum này. Nếu giá tiền số đạt từ 3.500 USD, ông sẽ là tỷ phú và ngược lại. Với giá khoảng 1.400 USD mỗi đồng Ethereum hiện nay, khối tài sản của chỉ khoảng 400 triệu USD.
Ai là ‘cá voi’ Bitcoin?
Ngoài nhân vật bí ẩn Satoshi Nakamoto với hơn một triệu Bitcoin, tiền mã hóa này chủ yếu tập trung ở các sàn giao dịch và doanh nghiệp. Quỹ đầu tư Grayscale và Binance hiện nắm lần lượt hơn 600.000 và 400.000 Bitcoin. Hai sàn Bitfinex và OKX cũng có khoảng 200.000 Bitcoin. Các công ty như MicroStrategy (129.699 Bitcoin) hay Tesla (43.200 Bitcoin) cũng là “cá mập” – tức có thể gây biến động thị trường nếu bán số token của mình.
Ngoài ra, số lượng ví ẩn danh có từ 100.000 Bitcoin hiện nay khá nhiều. Đối với các “cá mập”, họ thường không lưu trữ toàn bộ số Bitcoin vào một ví mà chia thành nhiều ví để đảm bảo an toàn. Chẳng hạn, Nakamoto sử dụng khoảng 22.000 ví để lưu trữ Bitcoin.
Bảo Lâm (theo CoinTelegraph)