Khi không còn là kinh đô của đất nước, thành Thăng Long đã được đổi tên. Việc dùng tên nào cho phù hợp đã khiến bậc quân vương phải đắn đo suy nghĩ.
Hoàng thành được tu sửa nhiều lần vào thời nhà Nguyễn. Ảnh: VOV. |
…Nguyễn Ánh tức Gia Long […] lên làm vua, đóng đô ở Phú Xuân tức Thuận Hóa (Huế). Lúc đầu một số hạ thần của Nguyễn Ánh như: Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường; cũng xin đóng đô ở Thăng Long, là kinh đô của các đời vua truyền nối nhau ngót nghìn năm đã được coi là chính thống.
Nhưng Gia Long không nghe, lấy cớ Thuận Hóa ở giữa đất nước, lại là nơi căn bản khai cơ lập nghiệp của tổ tiên nhà Nguyễn đã hơn 300 năm. Nhưng còn một cớ nữa mà Gia Long không dám nói ra, là sợ nhân dân miền Bắc không thực lòng quy phục.
Vì nhận thấy lòng dân Bắc Hà vẫn còn tưởng nhớ công đức vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, cơ nghiệp nhà Lê vì thế mấy lần gặp nguy mà vẫn giữ được. Họ Trịnh chiếm luôn quyền vị thống trị hơn 200 năm, một chốc còn bị lật đi, nữa là họ Nguyễn đối với miền Bắc chẳng có mảy may công đức gì!
Vì vậy, năm 1802, sau khi ra thu phục Bắc Thành, Gia Long lại trở về ngay Thuận Hóa. Rồi đến cuối năm 1803, Gia Long mới lại ra Bắc, tuy lấy danh nghĩa là đi tuần thú, nhưng kỳ thực để nhận lễ phong vương của sứ thần Mãn Thanh. Ngay từ đầu, Gia Long đã chỉ lấy thành Thăng Long làm lỵ sở của Bắc Thành, cử Nguyễn Văn Thành là tổng trấn.
Đã không đóng đô ở Thăng Long thì danh xưng và ý nghĩa của thành cũng phải thay đổi. Một bản tấu sớ của triều thần đã đón ý Gia Long mà dâng lên, cho rằng không có nhà vua ở, thì không được gọi là “Hoàng thành” và cái tên “Thăng Long” không được dùng chữ “Long” là “rồng” vì rồng tượng trưng cho vua, phải đổi chữ “Long” thành “Thịnh” tức là chỉ có nghĩa thịnh vượng thường thường mà thôi. Việc ấy đã được Gia Long cho thi hành ngay.
Sang năm Gia Long thứ ba (1804) bọn triều thần lại dâng sớ nói: thành Thăng Long hiện có dấu cũ của Tây Sơn là “ngụy triều”, lại không còn là Hoàng Thành thì không nên to rộng như thế nữa. Gia Long nghe lời, sang năm thứ tư, hạ chiếu phá bỏ thành cũ, xây dựng thành mới theo kiểu Vauban của Pháp (kiểu thành này bắt đầu xây ở Gia Định, Thuận Hóa rồi lần lượt xây ở các tỉnh).
Thành Thăng Long xây theo kiểu Vauban, rút hẹp theo một phạm vi nhỏ, làm thành một hình vuông, mỗi bề chỉ dài một cây số. Thân thành cả bốn mặt đều xây bằng gạch hộp, chân thành dưới cùng là đá xanh rồi đến đá ong. Theo kích thước của ta ngày xưa nói thân thành dài 1285 trượng sáu thước năm tấc, cao một trượng một thước, dày bốn trượng.
Sách Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội của Doãn Kế Thiện. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Chung quanh thành mở ra năm cửa: Chính Đông, Chính Tây, Chính Bắc và Đông Nam, Tây Nam. Cửa nào cũng cao một trượng ba thước, rộng một trượng, trên mỗi cửa đều có xây vòm canh gọi là thú lâu và đều có một cơ binh, ngày đêm thay nhau canh giữ.
Ngoài các cửa thành, lại có một hàng thành nhỏ đắp liền trên bờ hào, gọi là Dương Mã thành. Các Dương Mã thành đều cao bảy thước năm tấc, rộng hai trượng chín thước đều có một cửa rộng một trượng, gọi là Nhân Môn (một cửa ngách phải đi qua đó mới vào cửa chính được).
Ngoài các cửa này, mặt hào đều rộng tám trượng, còn ở chung quanh hào thì rộng năm trượng, bao giờ cũng có nước sâu sáu thước.
Trong thành có xây hai tòa chính điện và hành cung, sau các tòa ấy là lầu Tĩnh Bắc, nơi chuyên xem xét tình hình miền Bắc. Trước chính điện xây một con đường cao rộng gọi là dũng đạo, cho xe ngựa chạy thẳng qua cửa Đoan Môn. Đoan Môn là di tích của đời Lý còn sót lại.
Ngoài Đoan Môn dựng một đình bia, trong bia kể lể công trạng của Gia Long và có một cột cờ ở ngay chỗ cửa thành cũ của nhà Lý ngày xưa. Cột cờ cao 60 thước, xây bằng gạch gốm, dựng trên tam cấp, dưới cùng mỗi bề dài 42 thước, cấp trên cùng bề dài 15 thước.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) sau khi đã đổi Bắc Thành trở thành một hành tỉnh như các tỉnh khác gọi là Hà Nội, không còn được coi là một hoàng thành như trước nữa. Rồi đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), lại có chỉ ra nói rằng thân thành Hà Nội quá cao, phải hạ thấp bớt xuống một thước tám tấc.
[…]
Nguyễn Huệ trọng dụng tài ngoại giao của Ngô Thời NhiệmCụ Phương Đình cho ông Nhiệm là “công danh chi sĩ”, thực là xác luận… ông là người muốn có công danh sự nghiệp ở đời, không chịu theo thói thường cùng đời chìm nổi. |
Tên gọi ít người biết của Hồ GươmTrải qua nhiều biến thiên của thời đại, các địa danh nổi tiếng của thủ đô đã nhiều lần đổi tên. Những cái tên xưa cũ ấy phần nhiều đã trôi vào dĩ vãng. |