Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV

Sách “Đau cũng là sống” là tự truyện của một người tự nhận có không ít những sai lầm trong quá khứ nhưng đã tự chữa lành, đứng dậy và tìm được ý nghĩa sống đích thực.

12953

Là con người, hầu hết ai cũng mong muốn mình được may mắn, hạnh phúc, thành công và viên mãn. Nhưng thực tế cuộc sống không đơn giản và không phải ai cũng thuận lợi; không ít người đã phải đối diện với những nghịch cảnh, sự bất hạnh và sự thất bại đắng cay, khổ đau, sự tổn thương và khó tránh khỏi những sai lầm với những cú vấp ngã đau ê ẩm. Điều quan trọng là, sau những khốn khó gian nan, mỗi chúng ta có thể tự học cách để có thể đứng dậy và tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời.

Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong cuốn sáchĐau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm chung sống với HIV của tác giả Đồng Đức Thành, một nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Ông đã viết cuốn sách này trong thời gian bị trầm cảm. Dù không phải là một nhà văn chuyên nghiệp nhưng với phong cách viết theo lối kể chuyện chân thực, sinh động, tác giả đã miêu tả về cuộc đời mình từ thời thơ ấu đến khi phát hiện ra tình trạng có HIV, cho tới hiện tại. Trong từng đoạn văn, tác giả kể lại câu chuyện về chính cuộc đời và trải nghiệm của mình suốt 30 năm sống chung với HIV đã phải vật lộn để giành giật lấy cuộc sống.

“Kết quả xét nghiệm lần 1 cho thấy tôi dương tính với HIV. Bác sĩ nói: ‘Chúng tôi phải làm đủ 3 lần kỹ thuật mới khẳng định’. Nghe đến đây, tôi cảm thấy đầu óc choáng váng như không hề còn biết chuyện gì đang diễn ra xung quanh”. Từ khi biết mình có HIV, Đồng Đức Thành đã phải đối diện với hàng loạt hoàn cảnh khó khăn, cả về vật chất cũng như tinh thần, như bị mất việc làm, bị kỳ thị và phân biệt đối xử, bị trầm cảm nặng, thậm chí có lúc có ý nghĩ tự tử, bị mất tiền, tình cảm riêng tư đổ vỡ…

Trong những nghịch cảnh trớ trêu, tác giả đã không ngừng nỗ lực học hỏi để tự chăm sóc bản thân, đứng dậy tiếp tục sống và đóng góp những công việc có ích nhất có thể cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ cho rằng nếu có HIV thì đã có thuốc điều trị HIV, được gọi là thuốc ARV. Điều này cũng không sai vì nếu một người sống chung với HIV nếu được tiếp cận với chăm sóc điều trị sớm và sống lành mạnh thì vẫn có sức khỏe tốt và hoàn toàn có khả năng làm việc và học tập để đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Đặc biệt là những người nào có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có nguy cơ cho bạn tình như vợ chồng và người yêu thông qua quan hệ tình dục, được gọi là không phát hiện bằng không lây nhiễm hay gọi tắt là k=k.

Nhưng thực tế với những trải nghiệm của chính đời sống của tác giả thì không đơn giản như vậy, ngay cả khi được điều trị thì những người sống với HIV vẫn phải đối diện với rất nhiều vấn đề và áp lực ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như: Sự kỳ thị và phân biệt đối xử hiện tuy có giảm nhưng vẫn còn, mất nhiều thời gian cho các hoạt động thăm khám, sức khỏe tinh thần như trầm cảm, gánh nặng về tài chính như là dùng thuốc hàng ngày, chi tiêu cho y tế sức khỏe, tìm kiếm cơ hội việc làm tạo thu nhập, khó khăn trong tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình, tác dụng phụ của thuốc… Những người trẻ tuổi nên tìm hiểu và học cách tự bảo vệ bản mình.

Tự truyện Đau cũng là sống không chỉ đề cập đến HIV mà còn rất nhiều vấn đề khác trong cuộc sống của một con người từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành như: Vấn đề tự phát triển bản thân, tự khám phá bản thân và sự tự học ngoại ngữ và các kỹ năng khác, sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giáo dục giới tính, quan hệ tình dục an toàn và tìm kiếm việc làm.

Đặc biệt là ngày nay, con người ngày càng phải đối diện với các vấn đề rối loạn liên quan đến sức khỏe tinh thần như: Rối loạn lo âu, trầm cảm hay rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và cách tự chăm sóc bản thân để tự chữa lành và vượt qua hoàn cảnh, tình yêu hôn nhân và hạnh phúc gia đình….

Ngay từ Lời nói đầu, tác giả đã tự nhận mình là một người có không ít những sai lầm trong quá khứ và những bài học kinh nghiệm được đúc từ kinh nghiệm thưc tế của cuộc sống. Ẩn đằng sau mỗi đoạn văn, mỗi câu chuyện là một số thông điệp và những bài học kinh nghiệm để những đọc giả có thể tham khảo, với hy vọng mang lại một chút bài học bổ ích cho những người trẻ tuổi có thể học được một điều gì đó cho sự phát triển bản thân và tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc xảy ra.

Tác giả Đồng Đức Thành là thành viên Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+), sinh năm 1976, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Ông là một trong những người sống chung với HIV tại Việt Nam đã công khai tình trạng có HIV của mình với báo chí, trên truyền hình và tham gia vào các diễn đàn vì mục đích vận động chính sách về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Đồng thời, ông cũng là một trong những người sống với HIV đầu tiên tại Việt Nam tham gia trong các chương trình Tăng cường sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của những người sống với HIV trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, gọi tắt là chương trình GIPA.

Ông Thành là người có nhiều năm công tác trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các dự án về truyền thông, vận động chính sách về Y tế và các vấn đề xã hội, giúp đỡ người sống chung với HIV và các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS với nhiều vai trò và vị trí khác nhau. Hiện nay ông đang đảm nhiệm vai trò Điều phối trong Dự án giám sát do cộng đồng dẫn dắt (CLM). Từ một người có lối sống tiêu cưc, mải chơi với cú sốc tâm lý nặng, ông Thành đã quyết tâm chữa lành chính mình và lan toả năng lượng tích cực đến với những người cùng cảnh.

Đồng Đức Thành cũng là tác giả của hàng trăm bài báo viết về HIV và các vấn đề xã hội và hai lần đoạt giải Báo chí. Ông viết Tự truyện Đau cũng là sống để truyền tải thông điệp vượt qua nghịch cảnh cho những ai đã và đang bế tắc trong đời. Bởi với ông: “Dù đau thương, nghịch cảnh nhưng tôi đã được bơi ra xa bờ còn hơn là ở trong ao tù nước đọng”.

Ông chia sẻ: “Nếu không có khổ đau thì rất khó cảm nhận được hạnh phúc; nghịch cảnh và khổ đau có thể đến vào thời điểm này nhưng không có nghĩa là suốt cả cuộc đời. Gia đình người thân có thể chưa hiểu mình nhưng ngoài kia còn có rất nhiều anh, chị sẵn sàng giúp đỡ mình. Nếu bạn vượt được qua khổ đau sẽ là cả một bến bờ hạnh phúc và có thể sẽ có khả năng kháng thương (Anti-Fragility) để đối diện với những hoàn cảnh, thách thức mới. Điều này còn cao hơn cả chữa lành”.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin