Một tuần hỗn loạn của tiền số

Tiền số từng gây sốt trong suốt 2021 và đã bắt đầu đi xuống từ đầu năm nay, nhưng thực sự trở nên “điên rồ” trong một tuần qua.

“Tuần lễ điên rồ” bắt đầu từ ngày 13/6, khi Celsius Network, một trong những nền tảng cho vay tiền số lớn nhất thế giới, gây chấn động khi thông báo không chấp nhận các yêu cầu chuyển hoặc rút tiền trong khoảng thời gian không xác định. Nền tảng cho biết quyết định được đưa ra nhằm “ổn định thanh khoản”, đồng thời thực hiện các bước “nhằm bảo toàn và bảo vệ tài sản”.

Khách hàng của Celsius bắt đầu hoảng loạn, trong khi người dùng những nền tảng khác bắt đầu đặt dấu hỏi liệu họ có phải nạn nhân kế tiếp hay không.

Tình trạng lo sợ nhanh chóng lan rộng. Ngày 14/6, giá Bitcoin và Ether giảm 15% so với một ngày trước đó và tiếp tục lao dốc. Đến chiều 18/6, Bitcoin sụt xuống dưới 20.000 USD/đồng trong khi Ether cũng có lúc mất mốc 1.000 USD/đồng. Tổng cộng, giá hai tiền số có vốn hóa cao nhất thế giới này đã xuống mức “thảm họa” khi mất 54% và 70% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Các đồng xu minh họa những loại tiền ảo phổ biến trên thế giới hiện nay. Ảnh: Reuters.

Các đồng xu minh họa một số loại tiền số phổ biến. Ảnh: Reuters

Ngày 14/6, Coinbase, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất tại Mỹ, tuyên bố cắt 18% nhân lực, tương đương hơn 1.000 người. CEO Brian Armstrong giải thích công ty phát triển quá nhanh và nguy cơ suy thoái có thể tạo ra “mùa đông tiền số tiếp theo”.

Hai công ty tiền số nổi tiếng khác là Crypto.com và BlockFi cũng thông báo giảm nhân lực. “Tình thế đang rất tệ. Nhiều doanh nghiệp sa thải nhân viên, hoạt động suy giảm, tiền số lại trở thành trò cười ở phố Wall”, Jeff Dorman, nhà quản lý tại Arca – công ty đầu tư tài sản kỹ thuật số ở Mỹ, nhận xét.

Thế giới tiền số cũng chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể khi các nhà đầu tư ngày càng bớt hứng thú. Vấn đề của Celsius cũng có thể thúc đẩy siết chặt quản lý những sàn cho vay tiền số và đẩy giá trị của chúng thấp hơn nữa.

Các nền tảng cho vay như Celsius nhận tiền số của khách để cho người khác vay và thu về một phần lãi. Celsius cũng đầu tư tiền của khách hàng vào các dự án tài chính phi tập trung (DeFi) có độ rủi ro cao để kiếm lời. Những nhà đầu tư cá nhân tìm đến Celsius vì tiền lãi lên tới 18,6% một năm, cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng. Dù vậy, nhiều người giờ đây mới nhận ra các công ty như Celsius hoạt động có vẻ giống ngân hàng, nhưng lại thiếu cơ chế bảo vệ pháp lý được tích hợp như trong hệ thống tài chính truyền thống.

Ủy ban Chứng khoán bang Texas hôm 16/6 tuyên bố mở cuộc điều tra Celsius vì quyết định đóng băng tài khoản của người dùng. Cơ quan này đang phối hợp với giới chức bang New Jersey, Kentucky, Alabama và Washington.

“Các nhà quản lý đã chú ý đến lĩnh vực tiền số, nhiều khả năng họ sẽ hành động nhanh hơn bao giờ hết. Tâm lý thị trường hiện nay rất suy sụp. Không thể loại trừ khả năng nó sẽ tiếp tục lao dốc”, Frank Downing, nhà phân tích tại công ty đầu tư ARK Investment Management, nhận xét.

Bitcoin xuống dưới 20.000 USD, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020. Ảnh: Bloomberg

Bitcoin xuống dưới 20.000 USD ngày 18/6, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020. Ảnh: Bloomberg

Babel Finance, công ty cho vay và giao dịch tiền số tại Hong Kong, hôm 17/6 thông báo đình chỉ hoạt động mua lại hoặc rút tài sản với lý do “áp lực thanh lý bất thường”. Phát ngôn viên công ty khẳng định không có liên hệ với Celsius Network và hứa sẽ cập nhật thông tin liên tục.

Cùng ngày, quỹ phòng hộ Three Arrows Capital tuyên bố thuê cố vấn tài chính và pháp lý để nghiên cứu giải pháp bán tài sản và giải cứu bởi một doanh nghiệp khác. Họ đã chịu lỗ nặng sau đợt bán tháo tiền số.

“Chúng tôi có lượng tiền mặt dự trữ cao hơn và không lo ngại đầu tư vào những cơ hội tốt. Với tư cách các nhà đầu tư dài hạn, chúng tôi sẽ đổ tiền vào những thứ có giá trị cao hơn đáng kể trong 12-36 tháng tới”, ông Dorman nói.

Điệp Anh (theo WSJ)

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin